Sunday, March 25, 2018

Gia đình Ông Vũ Đình Huỳnh

Nói Với Người CS

Thưa quí vị đảng viên cộng sản lâu năm cùng các bạn công an, bộ đội thân mến,
Hôm nay chúng ta tiếp tục điểm lại những thông tin quan trọng trong vụ án “Xét lại, chống Đảng” đã xảy ra cách đây hơn 50 năm. Trong thảm kịch này, lãnh đạo chóp bu cộng sản tại miền Bắc đã thanh trừng, bắt giữ, hành hạ hàng chục các đồng chí thân hữu, ân nhân của họ chỉ để nhằm một mục đích duy nhất là đảm bảo đường lối sắt máu theo Trung cộng- Mao-ít của chúng không bị cản phá, và, cũng tức là, để làm vui lòng quan thầy của chúng bên Bắc Kinh.
Trong số những nạn nhân bị bắt tù, có một trường hợp cả hai cha con đều cùng bị bắt. Đó là ông Vũ Đình Huỳnh và người con trưởng, tức nhà văn Vũ Thư Hiên.
Ông Vũ Đình Huỳnh sinh năm 1905 trong một gia đình Công giáo nhiều đời tại Nam Định. Ông Vũ Đình Huỳnh tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngay từ lúc mới trưởng thành. Ông Huỳnh lập nghiệp tại Hà Nội, trở thành một nhân sĩ có tiếng, quảng giao với nhiều chí sĩ, thân hào, các chức sắc tôn giáo, công chức có tinh thần yêu nước.
Trước năm 1945, ông Huỳnh chính là “Triệu Vân”, chữ kí xuất hiện trên các tờ tín phiếu Việt Minh dùng để đem đi phân phát, kêu gọi các tầng lớp phú nông, thương nhân đóng góp tiền bạc cho Việt Minh hoạt động cướp chính quyền.
Gia đình ông Huỳnh tại Hà Nội còn là cơ sỡ gặp gỡ, tá túc bí mật cho nhiều lãnh đạo chóp bu cộng sản. Những nhân vật đầu đảng như Trường Chinh, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Lương Bằng, Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Khang, vân vân, đều từng là khách quen của gia đình ông Vũ Đình Huỳnh.
Ông Huỳnh là một trong những người lo toan hậu cần cho “Đại hội quốc dân” của Việt Minh diễn ra vào ngày 16 tháng 8 năm 1945 tại Tân Trào.
Chính tại Đại hội này, Hồ đã tâm đắc chọn ông Huỳnh làm người tâm phúc, thư kí riêng cho Hồ trong các việc đại sự, đặc biệt là các quan hệ giao tế, lợi dụng các nhân sĩ, trí thức, phú hào, các tầng lớp còn đang băn khoăn, đắn đo ủng hộ Việt Minh. Khi Hồ từ Tân Trào lén lút trở về Hà Nội, cũng chính ông Huỳnh là người đích thân bí mật đi đưa Hồ từ bên Gia Lâm về Hà Nội. Chính ông Huỳnh là người chịu trách nhiệm lo toan chỗ trú ẩn, an ninh và ăn uống trong những ngày đầu tiên Hồ ở Hà Nội.
Đoạn tư liệu sau đây về ông Huỳnh sẽ cho chúng ta hình dung rõ hơn về sự thân thiết và vai trò quan trọng của ông Huỳnh đối với Hồ và nhóm đầu đảng cộng sản vào năm 1945:
(Trích) “Đại hội bế mạc. Chúng tôi chia tay nhau. Đặng Xuân Khu (tức Trường Chinh), Võ Nguyên Giáp và tôi trở về Hà Nội bằng đường Thái Nguyên. Hoàng Quốc Việt và Sao Đỏ (tức Nguyễn Lương Bằng) về đường Tuyên Quang. Phạm Văn Đồng được phân công ở lại củng cố căn cứ địa… Chúng tôi lúc ấy cũng chưa tin chắc ở thắng lợi trọn vẹn, vì thế cứ phải có một cái gì đó đảm bảo cho trường hợp xấu. Anh Đồng rủ tôi ở lại căn cứ địa nhưng tôi từ chối:
– Tôi là người quen thuộc Hà Nội, anh em còn cần tới tôi nhiều.
Tới cầu Đuống, tôi đề nghị cả ba xuống xe vào nhà một ông giáo có chân trong Hội truyền bá Quốc ngữ… Tôi mượn nhà giáo cái xe đạp, để Đặng Xuân Khu và Võ Nguyên Giáp lại, đạp một lèo về Hà Nội. Tôi về trước là để nghe ngóng tình hình cụ thể, sau đó mới lên đón hai người, biết đâu…
Trong Bắc Bộ Phủ, anh em đang xúm xít làm việc bên một cái bàn rộng. Nguyễn Khang, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Thân ôm chầm lấy tôi. Tôi báo tin các anh Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp đang chờ ở cầu Đuống. Anh em cho lấy ngay một xe com-măng-ca của Nhật đi đón.” (Hết trích)
Sau khi cộng sản cướp được chính quyền, ông Huỳnh và gia đình tiếp tục trợ giúp quan trọng cho Hồ và chính quyền cộng sản. Ông Huỳnh là một trong những người tháp tùng Hồ trong suốt những ngày Hồ sang Pháp nhân dịp Hội nghị Fontainebleau. Sau 1954, ông Huỳnh là người đảm nhận trách nhiệm về lễ tân, hậu cần, trụ sở, nhà ở cho toàn bộ thành viên chính phủ và quan chức cấp cao của đảng cộng sản. Riêng cá nhân Hồ cũng được chính gia đình ông Vũ Đình Huỳnh quan tâm, chăm lo để hồi phục sức khỏe đã bị tàn tạ.
Thế nhưng, chỉ vài năm sau, năm 1967, đám công an sai nha của Hồ và đồng bọn đã tới nhà còng tay ông Huỳnh “bằng khóa số 8, khi còng sắt không vừa, công an đã dùng dây thừng trói giật cánh khuỷu” rồi đưa đi biệt giam 6 năm không xét xử, không án từ. Vài tháng sau công an lại lén lút bắt người con cả của ông, nhà văn Vũ Thư Hiên, đưa đi giam cầm suốt 9 năm cũng không án từ, không xét xử. Cụ bà Vũ Đình Huỳnh, nhũ danh Phạm Thị Tề, một người thân và ân nhân của Hồ, thành ra phải một tay chèo chống gia đình với 9 người con trong tình cảnh tư gia bị đám công an, mật vụ bao vây, canh chừng, theo dõi suốt ngày đêm. Từ một gia đình đại công thần của chế độ bỗng chốc trở thành một gia đình phản động, chồng con đều lâm vòng lao lí biền biệt, chỉ vì chồng con không muốn đi theo con đường phi nhân, sắt máu Mao-ít.
Cụ bà Vũ Đình Huỳnh khi đó đã đi liên hệ, kêu cầu, phản đối khắp nơi để cứu chồng, cứu con. Nhưng đặc biệt, cụ bà Vũ Đình Huỳnh đã không bao giờ liên hệ, kêu cầu hay đề đạt thỉnh nguyện tới Hồ – người mà bà và cả gia đình đã từng chăm sóc, cưu mang.
Tâm Anh và Tiến Văn thân chào tạm biệt và hẹn gặp lại quí vị anh chị em trong chương trình tuần tới.
25/03/2018

No comments:

Post a Comment