Wednesday, March 21, 2018

Chính trị bình dân – Chính trị công dân!!!

Bình Luân

Độc đảng, độc tài và độc quyền chính trị hầu ăn trên ngồi trốc trên đầu cổ toàn dân nằm trong bản chất của ĐCSVN.
Mời quý thính giả đài ĐLSN nghe phần Bình Luận của Bán Nguyệt San Tự Do Ngôn Luận với tựa đề: “Chính trị bình dân – chính trị công dân” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Chế độ cộng sản là chế độ có mối quan tâm rất khác lạ về chính trị. Trước tiên, nó chính trị hóa mọi vấn đề, mọi hoạt động, mọi tổ chức trong xã hội. Chính trị hóa đây là công cụ hóa, đảng hữu hóa. Ví dụ lập pháp, hành pháp, tư pháp, thay vì phân lập và biến thành 3 quyền lực lớn lao nhất trong việc điều hành quốc gia, quản trị đất nước, như tại các xứ dân chủ văn minh, thì lại trở nên dụng cụ của một mình đảng CS, bị phân công dưới sự lãnh đạo của đảng: Lập pháp (quốc hội) soạn luật theo ý muốn đảng – Tư pháp (tòa án) xét xử theo chỉ thị đảng – Hành pháp (chính phủ) cai trị theo đường lối đảng. “Nghị gật”, “bản án bỏ túi”, “nhất thể hóa chủ tịch và bí thư”, “Hiến pháp nằm dưới Cương lĩnh đảng” là bằng chứng!

Nhưng ngược lại, đảng không hề muốn ai ngoài mình nói đến chính trị, làm chính trị.
Còn chuyện làm chính trị thì đương nhiên là độc quyền của đảng. “Để đảng và nhà nước lo!” là câu trả lời khi nhân dân ưu tư sợ hãi trước các tệ nạn và thảm trạng về chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng… Không công dân nào được quyền lập chính đảng. Tranh cử độc lập vào Quốc hội bị loại ngay từ vòng đầu.
Vì thế, chẳng lạ gì việc nhà báo Phạm Đoan Trang đang lãnh những đòn thù của đảng do đã dám cả gan bàn đến chính trị, kêu mời nhân dân tìm hiểu và dấn thân đi vào chính trị qua tác phẩm “Chính trị bình dân” hiện đã xuất bản ở nước ngoài. Tin tức trên mạng cho hay vào khoảng 2g chiều ngày 24-02-2018, cô đã bị một toán sĩ quan an ninh bắt cóc ngay tại nhà riêng ở Hà Nội rồi cưỡng chế đến trụ sở Cơ quan An ninh Điều tra. Trong thời gian giam giữ, công an đã liên tục thẩm vấn cô về những hoạt động trước đây và về tác phẩm “Chính trị bình dân” vốn đang được công chúng tán thưởng và tìm đọc. Cuốn sách được coi là nhạy cảm ở Việt Nam và đã bị Hải quan Đà Nẵng tịch thu hôm 09-02 khi sách được gửi từ nước ngoài về.
Giới thiệu tác phẩm của mình, nhà báo Đoan Trang viết: “Người Việt có thói quen tin tưởng rằng chính trị là cái gì đó xấu xa, độc ác, bẩn thỉu, tốt nhất nên tránh xa nó ra. Với niềm tin sai lệch ấy, định kiến ấy, chúng ta tiếp tục xa lánh chính trị, không hiểu gì về chính trị và để mặc đất nước, xã hội cũng như cộng đồng cho một thiểu số lãnh đạo tùy ý vận hành, quyết định. Nhưng thật ra, chính trị đâu có khó hiểu đến thế. Cũng như nhân quyền, tự do, dân chủ chưa bao giờ là các khái niệm phức tạp, nhạy cảm hay đáng sợ. Chúng là những điều đơn giản và căn bản đến mức mọi người dân thường ở các xã hội dân chủ đều nắm được, ít nhất là cảm nhận được chúng. Và chính nhờ thế, họ bảo vệ được nền dân chủ của nước mình”.
Với 6 phần (Chính trị là gì. Chính quyền và nhà nước. Dân chủ. Các chủ nghĩa. Tương tác chính trị. Bộ máy nhà nước) và 30 chương, nhà báo đã giới thiệu với nhân dân về một thế giới mà VC – do dối gian, tàn bạo, đê hèn trong việc trị nước – đã khiến công chúng nghĩ là xấu xa, độc ác, bẩn thỉu, đang lúc đó thật sự là một lãnh vực liên hệ tới mỗi người. Bởi lẽ như triết gia Hy Lạp Aristote từng nói: “Con người là 1 sinh vật chính trị”, nghĩa là một hữu thể có trí tuệ và ý chí, có hiểu biết và tình yêu, sống trong một cộng đồng, do đó có bổn phận cùng với những kẻ khác xây dựng một xã hội có những nhà cai trị minh chính và nhiệt tâm, những công dân tự do và bình đẳng, một bầu khí an bình và hòa hợp.
Và cái đó gọi là chính trị công dân, bên cạnh chính trị đảng phái (hay chính trị nghị trường, chính trị chuyên nghiệp) là ơn gọi của một số người có khả năng lãnh đạo đất nước, điều hành xã hội đầy tinh thần phục vụ, đầy ý thức trách nhiệm mà không tự biến bản thân, chính đảng mình thành những hôn quân bạo chúa, lực lượng độc tài như đã thấy qua các chế độ cộng sản khắp hoàn vũ từ 1917 đến nay mà đa phần đã bị nhân loại phế bỏ.
Chính trị công dân ấy nay hết sức cần thiết trong cái chế độ bất công chưa bị đào thải mà ngày càng tác hại trên mảnh đất hình chữ S này. Đó, trước hết là bổn phận của giới sĩ phu, tức các nhà trí thức trong xã hội dân sự và cộng đoàn tôn giáo. Vốn là những con người có cơ may ăn học, có khả năng hiểu biết, có uy tín lãnh đạo, thậm chí có phương tiện hành động, các vị khoa bảng và các vị chức sắc ấy đang được chờ đợi như những nhà giác ngộ quần chúng về tình hình xã hội (khai dân trí), những người thúc đẩy và tổ chức quần chúng (vốn đang sôi sục) đứng lên đòi hỏi các nhân quyền và dân quyền cơ bản, chất vấn giới lãnh đạo chính trị về các tội ác và sai lầm của họ (chấn dân khí).
Nay có biết bao vấn đề cụ thể cần lên tiếng: Xăng điện tăng giá, thuế đủ loại bổ xuống đầu, nợ công chất ngất oằn vai, giáo dục ngày càng băng hoại, môi trường liên tục ô nhiễm, xã hội không ngớt hỗn loạn vì gian dối và bạo hành, nhân dân bị trói tay che mắt bịt miệng… Và cách thức hay nhất, mạnh nhất, hữu hiệu nhất để bày tỏ ý dân cho quan, đó là tổ chức những cuộc biểu tình rầm rộ, đông đảo, rộng khắp, liên tục, mà giới sĩ phu dân sự và tôn giáo có thể thực hiện giữa các cộng đồng người của mình: Học đường, giáo xứ, khuôn hội… Phải coi biểu tình là sinh hoạt thường xuyên, hợp lý, cần thiết để thực thi trách nhiệm chính trị công dân. Điều này đã và đang xảy ra trên khắp thế giới, nhất là tại các nước Đông Âu thập niên 80-90 của thế kỷ rồi. Có thế thì mới cứu dân tộc khỏi đại họa Việt cộng và Tàu cộng đang độc quyền chính trị, tự tung tự tác, nô hóa xã hội, thậm chí tiêu diệt Tổ quốc, để đưa nhân dân đất nước đến chỗ phú cường (hậu dân sinh)./.

No comments:

Post a Comment