Thứ Ba, ngày 01.10.2013
Cộng sản chủ nghĩa thoái hóa thành
một trong những mô hình xã hội bẩn thỉu gấp trăm lần “tư bản chủ nghĩa”.
Đó chính là chủ nghĩa Tư Bản Đỏ đang hoành hành tại Việt Nam, gieo rắc
nghèo khổ, khốn cùng cho hằng triệu người dân vô tội và bất công xã hội
tột cùng với những thành phần chóp bu đảng tham nhũng giàu có tận răng
…” Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Hiền Sỹ với tựa đề: “Hố Sâu
Ngăn Cách” sẽ được Song Thập trình bày để kết thúc chương trình phát
thanh tối hôm nay
Cách đây mấy chục năm, Lê Duẩn tuyên bố: "Chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật
trong 15, 20 năm và nhân dân ta sẽ đi trên thảm vàng", còn Đỗ Mười: "Có
đảng Cộng Sản mới có đổi mới". Đến đời Lê Khả Phiêu thì rất hùng hồn:
"Trung Quốc thành công thì chúng ta cũng thành công". Nhưng sự thật ngày
hôm nay thì sao? Đó là những thực trạng rất đáng buồn cho nhân dân và
là những cái tát vào bộ mặt nói dối như cuội của các "đỉnh cao trí tuệ".
Mới đây, hãng tư vấn Wealth-X ở Singapore và ngân hàng UBS Thụy Sỹ
vừa công bố báo cáo cho biết, Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước
Đông Nam Á có số người siêu giàu tăng mạnh trong vòng một năm qua. Đứng
đầu là Thái Lan, với số người siêu giàu tăng 15,2%, từ 635 người năm
2012 lên 720 người trong 2013. Việt Nam được xếp thứ hai với mức tăng
14,7. Theo báo cáo này thì số người Việt gia nhập câu lạc bộ siêu giàu
hiện là 195 người, với tổng tài sản 20 tỷ USD. Trước đó một năm, Việt
Nam chỉ có 170 triệu phú USD, với tổng giá trị tài sản 19 tỷ USD.
Bên cạnh đó, theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc, tính đến năm
2010, vẫn có 8,01 triệu dân Việt Nam sống trong cảnh nghèo đói, thiếu
thốn trăm bề. Tình trạng không nhà cửa và thất học xảy ra ở nhiều địa
phương khắp cả nước. Thậm chí, nghèo đói đến mức nhiều người dân Việt
Nam phải tìm đến cái chết để tự giải thoát cho mình. Điển hình là vụ
việc của chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân (48 tuổi, ngụ xã An Xuyên, TP Cà Mau -
Cà Mau) đã treo cổ tự tử vào đầu tháng 5/2013 để gia đình được cấp sổ hộ
nghèo và các con được đi học.Khi xem lại bức thư tuyệt mệnh của chị
Nhân chúng ta thật xót xa cho số phận của chị và của những người dân
nghèo: "Xin các cấp chính quyền thấu hiểu cho hoàn cảnh không lối thoát
của chúng tôi hiện nay mà cấp sổ hộ nghèo cho chồng con tôi để sống
những ngày tháng còn lại..."
Trong khi số lượng người siêu giàu tăng nhanh, còn lượng người "siêu
nghèo" cũng tăng chẳng kém. Cũng theo Báo cáo của Cục thống kê nhà cầm
quyền cộng sản Việt Nam cho thấy, khoảng cách thu nhập giữa người giàu
và nghèo tại Việt Nam đã tăng từ 8,9 lần trong năm 2008 lên 9,2 lần
trong năm 2011. Thu nhập trung bình của khu vực thành thị cao hơn gần
gấp 10 lần thu nhập trung bình dao động ở mức 30 đôla/tháng của nhóm thu
nhập thấp. Còn Thống kê của Bộ Lao Động Thương binh Xã hội cho biết,
Việt Nam những năm qua đã mất khoảng 200.000 ha đất cho các dự án công
nghiệp, sân golf, căn hộ, biệt thự.
Qua đây chúng ta thấy được điều gì? Đó là hố sâu ngăn cách quá lớn
giữa một số ít ỏi người giàu và đại bộ phận dân nghèo. Vậy đâu là nguyên
nhân làm nên nghịch lý đó? Có lẽ có rất nhiều nguyên nhân nhưng tựu
chung lại chỉ có một nguyên nhân chính duy nhất đó là: Chế độ cộng sản.
Tại sao lại có thể kết luận như vậy? Có lẽ cũng không quá khó để có đáp
án đúng đắn cho điều này.
Trong những năm qua, cộng sản thực hiện chế độ độc tài nên mọi người
dân muốn tham gia kinh doanh đều phải chịu sự áp đặt của đủ mọi quan
chức từ địa phương đến trung ương, từ ngành nọ sang ngành kia. Các quan
chức cộng sản do được độc tài bảo hộ nên tha hồ hà hiếp cướp đoạt của
dân thông qua "hối lộ" phí và đủ các thủ tục và lễ phí. Như thế người
nghèo càng nghèo hơn còn chỉ có quan chức là giàu sụ.
Đi kèm đó là việc cướp đất đai trắng trợn của người dân để thực hiện
các dự án đã làm cho tiền tài đổ vào các quan chức cộng sản và tư bản đỏ
đứng sau. Đơn cử như tại rất nhiều địa phương người ta có thể thu hồi
đất của dân với giá chỉ vài chục nghìn đồng chưa mua nổi một bát phở
trên một mét vuông để sau khi cướp được đất lại thổi phồng lên giá hàng
chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Do có sự hậu thuẩn của quan chức từ
trung ương, nên việc thổi giá được chấp nhận dễ dàng. Người mất đất thì
ngậm đắng nuốt cay vì mất đất ở, đất sản xuất, còn người mua nhà nếu
không phải là quan tham hay tư bản đỏ thì cũng chẳng có nhà mà ở.
Ngoài ra việc vay vốn FDI, ODA của nước ngoài về đầu tư các dự án
cũng là những miếng mồi ngon cho quan tham và tư bản đỏ chia chác lợi
ích, đục khoét tài chính khiến cho có một bộ phận siêu giàu còn đại bộ
phận đất nước vẫn nghèo và mắc nợ. Minh chứng cho việc này đó là nợ công
năm 2013 của cộng sản Việt Nam đã lên tới mức trên 95 % GDP. Đồng thời,
việc cộng sản tạo cơ hội cho đầu cơ và mua bán vàng kiểu "thằng giàu cứ
giàu, thằng nghèo càng chết đói" khiến cho xã hội ngày càng nhiều hố
sâu ngăn cách.
Những người nghèo đã nghèo lại khổ hơn. Trong khi con cái quan chức
và con cái tư bản đỏ vi vu trời tây ăn học thì người nghèo do không có
tiền cũng đành thất học. Mà trong cái xã hội đặt bằng cấp dù có giả tạo
lên hàng đầu thì con em nhà nghèo vẫn chỉ là kẻ ngoài cuộc so với cơ hội
đổi đời của con em tư bản đỏ và quan chức.
Như vậy, nhìn tổng thể tất cả các yếu tố dẫn đến sự khác biệt về đời
sống của người dân Việt Nam và thiểu số quan chức, tư bản đỏ siêu giàu
chính là sự độc tài của cộng sản. Chính cộng sản đã tạo ra một cơ chế
cho cướp và làm giàu bất chính trên đời sống lương thiện của người dân.
Do đó, nếu muốn không có bất công thì ngay bây giờ, toàn dân Việt Nam
phải vùng lên để thay đổi số phận cho chính mình. Chỉ có dân chủ, tự do
thì mọi cơ chế kiểm soát mới được thực hiện nghiêm minh. Và khi đó chúng
ta không còn chứng kiến những đứa trẻ lang thang không có cơm ăn, nhà
ở... trong khi con cái của tư bản đỏ ăn một bữa sáng bằng lương của một
công nhân làm quần quật hàng tháng trời. Khi đó, sẽ không còn những nỗi
đau ngăn cách ngày hôm nay.
Hiền Sỹ
01/10/2013
No comments:
Post a Comment