Thứ Sáu, ngày 25.10.2013
Kính thưa quý thính giả, trong hiên
họp Khóa 6 đang diễn ra, Quốc Hội CSVN thảo luận nhiều vấn đề nhưng có
lẽ vấn đề được nhiều người quan tâm theo dõi nhất là chung quyết việc
sửa đổi và bổ xung Hiến Pháp 1992.
Vậy bản Hiến Pháp sau khi được sửa
đổi và bổ xung lần này sẽ như thế nào? Nó khác biệt với bản trước khi tu
chính ra sao? Và liệu nó có đáp ứng được nhu cầu của đất nước trong
giai đoạn hiện tại hay không?
Để trả lời các câu hỏi này, mời quý
vị theo dõi buổi thảo luận của chúng tôi với ông Trần Quốc Bảo, Chủ
Tịch HĐĐHTƯ/LLDTCNTQ. Ông Bảo tham dự cuộc thảo luận này từ Nam
California, Hoa Kỳ .
HS: Kính chào Ông Trần Quốc Bảo. Quốc Hội CSVN
đang thảo luận để thông qua Hiến Pháp. Theo dự đoán của Ông, bản Hiến
Pháp này sẽ khác biệt như thế nào với bản Hiến Pháp 1992, tức là bản
trước khi tu chính?
TQB: Xin chào anh Hải Sơn và quý thính giả đài phát
thanh ĐLSN. Theo tôi, các điểm căn bản của Hiến Pháp sẽ được thông qua
nay mai chẳng khác gì với Hiến Pháp 1992. Những điểm căn bản đó là:
1. Đảng CS tiếp tục là lực lượng nắm quyền độc tôn lãnh đạo
2. Sở hữu đất đai do nhà nước, tức do Đảng nắm giữ,
3. Mặt Trận Tổ Quốc, tức là 1 cơ cấu của Đảng, tiếp tục nắm qUyền chọn lựa các ứng viên đại biểu quốc hội,
4. Quân đội tiếp tục là công cụ của Đảng!
Nói cách khác, mặc dù dân chúng đã chán ngấy những điểm trên, nhưng
Đảng vẫn tiếp tục duy trì nó trong Hiến Pháp. Để tỏ vẻ có cải cách, có
dân chủ, Hiến Pháp được tu chỉnh này cũng sẽ có một số sửa đổi, bổ xung
nhưng chúng chỉ có tính cách "râu ria, làm cảnh" mà thôi, và chúng chẳng
che dấu, lừa bịp được ai!
HS: Thưa Ông, Ông dựa vào đâu để đưa ra nhận xét như vậy?
TQB: Tôi dựa vào kết quả Hội Nghị Ban Chấp Hành
Trung Ương kỳ 8 vừa qua, cả TRONG Thông Báo của Đảng CS lẫn trong bài
phát biểu bế mạc Hội Nghị này của TBT Nguyễn Phú Trọng đều nói rõ cái
chủ trương giữ nguyên các điều khoản này. Chẳng hạn trong bài phát biểu,
ông NPTrọng đã khẳng định vị trí của Đảng CS bằng cách đọc nguyên văn
điều 4 HP tức là Đảng CS là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội, vân
vân và vân vân...
HS: Theo như các cơ quan truyền thông của nhà cầm quyền CSVN thì Điều 4 có được sửa đổi. Xin Ông nói rõ hơn về sự kiện này.
TQB: Đây thật là một trò lừa bịp rất rẻ tiền của
Đảng CSVN. Vâng, đúng vậy – điều 4 mới này có khác với điều 4 cũ vì,
ngoài những điểm xác định vị trí độc tôn của Đảng CS giống y như điều 4
cũ thì điều 4 mới có thêm câu – tôi xin đọc nguyên văn câu này – "Đảng
gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của
nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình."
Tôi nói trò lừa bịp là vì nếu nói Đảng CS "chịu sự giám sát của nhân
dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình" thì
phải để nhân dân hành xử quyền trừng phạt nếu Đảng có những quyết định
sai, bằng cách xử dụng lá phiếu để bầu thành phần khác lên thay thế, chứ
đâu có thể Đảng quyết định sai, làm sai mà vẫn cứ tiếp tục ngồi trên
đầu, trên cổ nhân dân mãi như mấy chục năm qua! Thêm câu này vô càng làm
cho dân chúng kinh tởm sự tham quyền cố vị của tập đoàn lãnh đạo Đảng
CSVN!
HS: Ông vừa nói là những bổ xung chỉ có tính
cách "râu ria" cho có vẻ dân chủ, nhưng thực chất thì HP này vẫn in hệt
như cũ. Ông có thể cho một ví dụ về sự việc này.
TQB: Vâng, ví dụ tiêu biểu nhất có lẽ là cái Hội
Đồng Hiến Pháp vừa được thêm vào bản HP này. Chức năng của Hội Đồng này,
theo điều 120 của Hiến pháp tu chính, là "kiểm tra tính cách hợp hiến"
của các văn kiện do Quốc Hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, và các tòa án
ban hành. Nói cách khác, Đảng CS chế ra cái Hội Đồng này là bắt chước
theo kiểu "Tòa Hiến Pháp" của một số các nước khác, trong đó Tòa Hiến
Pháp tượng trưng cho ngành Tư Pháp, bên cạnh ngành Hành Pháp, và ngành
Lập Pháp trong thể chế dân chủ với "tam quyền phân lập". Nhưng điểm nực
cười ở đây là bản HP Việt Nam sắp sửa được thông qua Hội Đồng Hiến Pháp
này lại do Quốc Hội bầu ra, và chỉ có thẩm quyền "kiến nghị" nếu thấy QH
vi phạm Hiến Pháp. Và nực cười hơn nữa là đối tượng "kiểm tra" của HĐHP
này hoàn toàn không có Đảng CS, trong khi đó chúng ta đều biết Đảng mới
chính là cơ cấu ban hành những nghị quyết, chỉ thị nặng ký nhất! Và
chúng ta cũng biết chắc rằng khi Hội Đồng Hiến Pháp này thực sự được
hình thành thì các ủy viên của Hội đồng này đều là đảng viên đảng CS và
chức vụ chủ tịch của HĐ này có nhiều phần chắc sẽ do một ủy viên Bộ
Chính trị Đảng CSVN nắm giữ! Qua những sự kiện đó thì Hội Đồng HP chỉ là
loại cây kiểng để tạo có vẻ dân chủ nhưng chỉ là dân chủ giả hiệu mà
thôi!
HS: Như vậy, theo nhận định của Ông thì hậu quả của sự việc này sẽ ra sao?
TQB: Bản Hiến Pháp tu chính với nội dung gồm những
điểm chính yếu tôi vừa tóm lược đã làm hiển lộ rõ thêm tính cách ngoan
cố, tham quyền cố vị của tập đoàn lãnh đạo đảng CS hiện nay. Mặc dù, bao
tầng lớp dân chúng, từ trí thức, thanh niên sinh viên, hàng giáo phẩm
các tôn giáo, và ngay cả một số cán bộ, đảng viên còn tại chức, đã công
khai lên tiếng đòi hỏi phải thay đổi tận gốc rễ bảng Hiến Pháp, cụ thể
là loại bỏ vị trí độc tôn của Đảng CS, trả ruộng đất lại cho người dân,
mọi người phải được tự do ứng cử, quân đội, công an phải phục vụ tổ quốc
chứ không phụ thuộc vào một đảng phái nào. Thế nhưng Đảng CS đã bày ra
nhiều trò bịp bợm "lấy ý kiến nhân dân" kiểu "cả vú lấp miệng em" để
tiếp tục giữ nguyên những quy định cực kỳ phi lý, phản dân chủ! Hơn thế
nữa, Đảng CSVN, qua Nguyễn Phú Trọng, công khai lên án ai có ý kiến trái
ngược với Đảng trong vụ sửa đổi Hiến Pháp đều thuộc "thành phần xấu",
thuộc "thế lực thù địch", cũng như công khai xác định Hiến Pháp là văn
kiện pháp lý quan trọng nhất sau cương lĩnh Đảng!
Đây chẳng những là một thách thức mà còn là một sự khinh miệt đối với
toàn thể dân tộc. Với cao trào đấu tranh dân chủ hóa đất nước đang bùng
cao và lan rộng hiện nay, thái độ và hành động thách thức và khinh miệt
này của thành phần chóp bu đảng CS thì chẳng khác gì như "đổ thêm dầu
vào lửa"; nó sẽ giúp mau chóng thiêu rụi chế độ độc tài đảng trị CS trên
quê hương.
HS: Chân thành cám ơn Ông Trần Quốc Bảo đã dành
thời giờ chia sẻ với thính giả Đáp Lời Sông Núi về bản hiến pháp tu
chính của VN. Xin hẹn ông trong một buổi thảo luận sau của Đáp Lời Sông
Núi./.
No comments:
Post a Comment