Thứ Sáu, ngày 11.10.2013
Tại Việt Nam, các nhà trí thức
trong lòng chế độLê Hiếu Đằng và Hồ Ngọc Nhuận kêu gọi đa nguyên đa đảng
qua việc thành lập đảng đối lập dân chủ xã hội. Tiếp theo đó là lời kêu
gọi thành lập Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự của hằng trăm nhà trí thức cấp
tiến. Rõ ràng có một tương quan mật thiết giữa các khái niệm Dân Chủ và
Xã Hội Dân Sự …”. Mời quý thính giả nghe phần Bình Luận của Nguyễn Hưng
Quốc với tựa đề: “Xã Hội Dân Sự Và Dân Chủ” sẽ được Hướng Dương trình
bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay
Hầu như mọi người đều đồng ý: dân chủ là một thể chế tốt nhất trong
lịch sử, ít nhất cho đến lúc này. Tốt về phương diện đạo đức: Nó tôn
trọng những giá trị căn bản và phổ quát của nhân loại, trong đó, quan
trọng nhất là sự tự do, bình đẳng và nhân quyền. Tốt về phương diện kinh
tế: Dân chủ phát huy sáng kiến và năng lực của mọi người vốn là những
yếu tố cần thiết cho sự phát triển và ổn định. Và tốt về phương diện
chính trị, cả về đối nội lẫn đối ngoại: được xây dựng trên nền tảng pháp
quyền vững chắc, các quốc gia dân chủ vừa tránh được các cuộc bạo loạn
trong nội bộ vừa tránh được các xung đột vũ trang giữa họ với nhau.
Ngay cả những nhà độc tài hiện nay dường như cũng không phản đối
những điều vừa kể. Họ cũng nói đến dân chủ, cũng tự cho chế độ họ là dân
chủ, dù là một kiểu dân chủ... khác. Ở các nước xã hội chủ nghĩa, trước
đây, họ vừa tuyên dương dân chủ vừa chủ trương chuyên chính vô sản;
sau, tất cả đều đồng loạt từ bỏ khái niệm "chuyên chính" và chỉ nói đến
dân chủ, dù là dân chủ...xã hội chủ nghĩa.
Ai cũng đồng ý với nhau như vậy. Tuy nhiên lại có một nghịch lý: trên
thế giới, quá trình dân chủ hóa lại rất chậm chạp và đầy khúc khuỷu.
Văn hoá dân chủ là văn hoá của các công dân (civic culture), của
những người sống và hành xử như những công dân. Một cá nhân có thể là
một cái gì độc lập, nhưng một công dân, tự bản chất, bao giờ cũng là một
thành viên của một cộng đồng, chủ yếu là của một đất nước. Trong ý niệm
công dân, do đó, đã có sẵn hai ý niệm khác: sự liên đới và trách nhiệm.
Biểu hiện của hai ý niệm ấy là sự quan tâm đối với cái chung và hơn
nữa, sự tham gia vào những vấn đề chung.
Xin lưu ý: công dân là một hiện tượng lịch sử khá mới. Xưa, chỉ có
thần dân. Khái niệm công dân chỉ ra đời từ thời hiện đại. Có điều, trong
thời hiện đại, không phải ở đâu người ta cũng tìm cách nuôi dưỡng hoặc
phát triển những phẩm chất vốn gắn liền với ý niệm công dân. Chủ nghĩa
thực dân bao giờ cũng tìm cách chia rẽ dân chúng các nước thuộc địa để
họ không còn nghĩ đến cái chung; hoặc nếu nghĩ, chỉ thấy những cái chung
ấy đều là những thứ đáng bị chối bỏ: chúng là di sản của tình trạng mọi
rợ hoặc bán khai. Các chế độ độc tài theo thần quyền cũng phủ nhận tư
cách công dân, và thay vào đó, họ chỉ vun bồi một nền văn hoá sùng kính
và tuân phục, ở đó, chỉ có, trên cao, các sứ giả và dưới thấp là các tín
đồ. Dưới các chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa cũng vậy, một mặt, với
nguyên tắc "dân chủ tập trung", người ta thâu tóm hết quyền hành vào tay
một số người và đẩy tất cả những người còn lại vào thế ngoại cuộc; mặt
khác, với chủ trương thần thánh hoá lãnh tụ, người ta biến cái "dân chủ
tập trung" ấy thành một thứ siêu quyền lực, khống chế toàn bộ guồng máy
lãnh đạo, và mọi công dân biến thành "thần dân" chỉ biết cúi đầu vâng dạ
như xưa.
Trong văn hoá dân chủ, ngược lại, công dân luôn luôn cảm thấy mình là
một thành viên của cả cộng đồng, mình chia sẻ trách nhiệm với cộng
đồng, và mình có quyền để thực hiện những điều được chia sẻ ấy. Ý thức
dân chủ, trước hết, là ý thức về quyền; nhưng một ý thức về quyền đúng
đắn và thực sự dân chủ bao giờ cũng gồm hai mặt: quyền của mình và quyền
của người khác. Đối diện với hai loại quyền ấy, người ta vừa biết tranh
đấu lại vừa biết đối thoại, thương thảo, nhân nhượng và thoả hiệp.
Từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Mỹ luôn luôn có tham vọng
gieo rắc dân chủ khắp nơi trên thế giới vì họ tin đó là lý tưởng lớn và
chính đáng nhất, hơn nữa, đó cũng là phương cách tốt nhất để bảo vệ hoà
bình trên thế giới. Tuy nhiên, Mỹ chỉ thành công được ở hai nơi: Nhật và
Đức. Ở những nơi khác, họ đều thất bại. Vì không hợp... thổ nhưỡng.
Cái gọi là "thổ nhưỡng" ấy chính là văn hoá. Để xây dựng dân chủ, như vậy, trước hết, là xây dựng văn hoá dân chủ.
Văn hoá dân chủ được xây dựng bằng cách nào? Một trong những cách
chính được ghi nhận trong suốt mấy chục năm nay là: xây dựng xã hội dân
sự (civil society).
Nhận định về cuộc Cách mạng Hoa hồng tại Georgia, Tổng thống Mikheil
Saakashvili cho đó là đóng góp của xã hội dân sự tại nước ông. Sự thành
công của Nam Phi trong việc chuyển tiếp từ chế độ phân biệt chủng tộc
sang một chế độ dân chủ cũng được xem là một thành tích của xã hội dân
sự. Fareed Zakaria đề nghị chính phủ Mỹ, khi hoạch định chính sách ngoại
giao, nên xem việc thay đổi chính phủ như là phó sản (byproduct) của xã
hội dân sự. Liên Hiệp Quốc xem xã hội dân sự đóng vai trò trung tâm
trong việc xây dựng dân chủ. (1)
Dĩ nhiên, tự nó, xã hội dân sự, dù phổ biến và mạnh mẽ đến mấy, cũng
không thể làm lật đổ được một chế độ độc tài. Nhưng không có xã hội dân
sự, không có một nền dân chủ nào có thể được xây dựng và vững mạnh cả.
Nguyễn Hưng Quốc
No comments:
Post a Comment