Thứ Bảy, ngày 05.10.2013
Kính thưa quý thính giả,
Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm,
người mà dân gian gọi là Trạng Trình, là nhà văn lỗi lạc của nước Việt ở
thế kỷ 16. Cụ được người đời nhớ đến nhờ tư cách đạo đức, biệt tài về
thơ văn, giỏi về Dịch lý, Thuật số và có tài tiên tri về các sự kiện
lịch sử, mà nổi nhất là tiên đoán mấy trăm năm sau tên nước Đại Việt sẽ
đổi thành Việt Nam. Trong tiết mục "Danh nhân nước Việt" tối nay, chúng
tôi xin gửi đến quý thính giả bài "Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm" của
Việt Thái qua giọng đọc của Tam Thanh.
Quỷ dương, chết giữa đường đi trên trời,
Chuột sa chỉnh gạo, nằm chơi.
Trâu cày, ngốc lại chào đời bước ra,
Hùm gầm, khắp nẽo gần xa.
Mèo kêu rợn tiếng, quỷ ma tơi bời,
Rồng bay, năm vẽ sáng ngời.
Rắn qua, sửa soạn hết đời sa tăng,
Ngựa hồng, quỷ mới nhăn răng.
Đó là 8 câu trong Sấm Ký của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm tên là Nguyễn Văn Đạt, sinh năm Tân Hợi (1491) tại
làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương. Cha là Giám
sinh Nguyễn Văn Định, mẹ là bà Nhữ Thị Thục, con gái của Tiến sĩ Nhữ Văn
Lan (Thượng Thư bộ Hộ). Bà là một phụ nữ có bản lãnh khác thường, học
cao hiểu rộng lại giỏi về Thuật số và Tướng số, bà nghe lời cha kết
duyên với ông Nguyễn Văn Định, người có tướng sinh quý tử.
Nguyễn Bỉnh Khiêm được giáo dục từ nhỏ trong một gia đình mà nội
ngoại đều có học vấn uyên thâm. Đến tuổi trưởng thành, nghe tiếng Bảng
nhãn Lương Đắc Bằng ở làng Lạch Triều, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa
nổi danh trong giới sĩ phu đương thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã vào tận
Thanh Hóa để bái sư. Lương Đắc Bằng từng là một đại thần giữ chức Thượng
Thư dưới triều Lê, nhưng sau khi đưa ra những kế sách nhằm ổn định
triều chính không được vua Lê cho thi hành, ông từ quan về quê dạy học.
Nguyễn Bỉnh Khiêm vốn thông minh lại chăm chỉ học hành nên chẳng bao
lâu đã trở thành đồ đệ tâm đắc của Lương Đắc Bằng. Trước khi qua đời,
Lương Đắc Bằng trao lại cho Nguyễn Bỉnh Khiêm bộ sách quý về Dịch học là
"Thái Ất Thần Kinh", đồng thời ủy thác con trai cho Nguyễn Bỉnh Khiêm
dạy dỗ.
Đến năm 1535, đời Mạc Thái Tông, thời thịnh trị và vương đạo nhất của
nhà Mạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm đi thi và đỗ Trạng Nguyên năm 44 tuổi, được
bổ nhiệm làm Đông Các Hiệu Thư (chuyên việc soạn thảo, chỉnh sửa chữa
các văn thư của triều đình), sau đó giữ nhiều chức vụ như Tả Thị Lang bộ
Hình, Tả Thị Lang bộ Lại kiêm Đông các Đại học sĩ. Được phong tước
Trình Tuyền Hầu, sau đó thăng lên Trình Quốc Công nên dân gian gọi ông
là Trạng Trình.
Gần hai chục năm từ năm 53 tuổi tới 73 tuổi, Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy
không ở tại kinh đô nhưng vẫn lo việc triều chính, lúc bàn quốc sự, lúc
theo vua đi dẹp loạn, vua Mạc Thái Tông xem Cụ là quân sư. Những việc
trọng đại nhà vua sai sứ giả về hỏi, có khi lại đón Cụ lên kinh để luận
bàn, xong việc đưa Cụ lại trở về làng Trung Am. Ngoài 73 tuổi, Cụ mới
chính thức treo ấn từ quan, về quy ẩn nơi quê nhà và mất năm 1585, hưởng
thọ 94 tuổi.
Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm có nhiều môn đệ tiếng tăm lừng lẫy như: Phùng
Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ và Trương Thì Cử. Những người này
có sở học đạt đến trình độ uyên bác và đều là các bậc danh thần trong
thời Trung hưng.
Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có bút hiệu là Bạch Vân cư sĩ, được các môn
đồ tôn danh là Tuyết Giang Phu Tử, là một trong những nhân vật có tầm
ảnh hưởng chính trị nhất trong lịch sử, cũng như văn hóa Việt vào thế kỷ
16.
Về sau này, Đạo Cao Đài đã phong thánh cho Cụ và suy tôn là Thanh Sơn
Đạo sĩ hay Thanh Sơn Chơn nhơn. Người đời xem Cụ là nhà tiên tri số một
trong sử Việt, Cụ truyền lại nhiều câu sấm ký gọi chung là Sấm Trạng
Trình. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng được xem là người đầu tiên trong lịch
sử nhắc đến hai chữ Việt Nam thông qua câu Sấm "Việt Nam khởi tổ gầy
nên". Tên nước lúc Cụ tiên tri là Đại Việt, 300 năm sau đổi thành Nam
Việt và sau đó trở thành Việt Nam như hiện nay.
Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm chịu ảnh hưởng Phật giáo rất nhiều trong sáng
tác và đời sống. Sáng tác của cụ rất phong phú, gồm cả chữ Hán và chữ
Nôm. Về thơ chữ Hán có "Bạch Vân am thi tập", khoảng một ngàn bài. Và
thơ chữ Nôm, có "Bạch Vân quốc ngữ thi tập", hiện còn lại khoảng 180
bài. Cụ còn viết bài "Độc Phật kinh hữu cảm", có hai câu chót như sau:
Trong lòng ruộng đất bỏ hoang,
Cắt gai nhổ cỏ, hãy trồng giác hoa.
Người Việt luôn tự hào về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, một người đã
góp trí tuệ của mình cho nền văn hiến, nhất là đời sống dân sinh qua
việc khuyên bảo các vị vua chúa, vương quyền, tránh gây ra thảm cảnh đổ
máu vô ích trong những âm mưu tiếm đoạt quyền vị giữa các công hầu khanh
tướng.
Việt Thái
No comments:
Post a Comment