Thứ Hai, ngày 14.10.2013
Một chân lý bất dịch trong thuật
trị nước là: Bao lâu còn độc tài độc đảng, thì ngày đó còn quyền lực
tuyệt đối. Theo nhà tư tưởng chính trị lừng danh Anh Quốc Lord Acton thì
quyền lực đem lại tham nhũng và quyền lực tuyệt đối đem lại tham nhũng
tuyệt đối. Chỉ có thể đa nguyên đa đảng và tam quyền phân lập mới chấm
dứt tham nhũng tại Việt Nam mà thôi. Mời quý thính giả nghe phần Bình
Luận của Ngọc Huy với tựa đề: "Còn độc tài, còn tham nhũng" sẽ được Song
Thập trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Đã có nhiều lần đảng cộng sản tuyên bố "phê và tự phê", "phòng và
chống tham nhũng" nhưng chưa lần nào thành công mà thậm chí ngày càng tệ
hại hơn. Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến điều đó? Phải chăng chính
là cơ chế độc tài của đảng mà ra. Điều này hoàn toàn chính xác. Đảng và
Nhà nước cộng sản Việt Nam chỉ có thể phòng, chống tham nhũng thành
công khi nào có sự tiếp tay của dân, nhưng chừng nào dân còn bị đè đầu
bóp cổ, chưa có quyền làm chủ đất nước và đảng với nhà nước còn độc tài,
độc đảng thì tham nhũng còn phá nát xã hội khiến nhân dân còn lầm than.
Đó hoàn toàn không phải là khẩu hiệu để tuyên truyền chống phá đảng
và nhà nước như luận điệu của đảng vu cáo là do "thế lực thù địch" kích
động. Mà đó chính là những sự thật được các báo chí lề đảng công nhận
điều này. Đó cũng chính là những thảm trạng của cơ chế độc đảng toàn trị
hiện nay đem lại cho Việt Nam.
Thực tế tình trạng tham nhũng trong đảng và trong hệ thống cầm quyền
của nhà nước đã "hết thuốc chữa" được chứng minh thêm một lần nữa khi
ông Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ trong cuộc điều trần
trước Ủy ban Thượng vụ Quốc hội ngày 18/9 vừa qua đã thừa nhận: "Tình
hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp,
nhiều lĩnh vực với những thủ đoạn tinh vi, kín đáo, khó phát hiện". Để
khẳng định thêm sự thật xót xa cho người dân thì ông Chủ tịch Hội đồng
Dân tộc Ksor Phước tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18/9
cũng cho biết: "Thực tế có nhiều vụ việc nghiêm trọng, kéo dài vẫn chưa
xử lý được, làm giảm lòng tin của nhân dân. Hiện nay, tham nhũng lại
diễn ra cả ở lĩnh vực hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, người có công, giáo
dục, y tế, văn hóa... "Có những vụ án thông tin đã đưa ra rồi, kể cả ý
kiến của Chính phủ nhưng cả năm trời vẫn rơi vào im lặng. Chính sự im
lặng đó khiến lòng dân không yên". Đỉnh điểm của sự việc này chính là
câu phát biểu của Bà Doan – phó chủ tịch nước: "Ăn của dân không từ một
chỗ nào".
Gần đây, cộng sản còn cho xây dựng một kế hoạch rất to tát trên giấy
tờ về việc chống tham nhũng. Ở Kế hoạch này thì mục tiêu 7 đoàn công tác
được lập ra không phải là để phát hiện các vụ tham nhũng, hoặc truy tố
các phạm nhân tham nhũng, mà là để kiểm tra việc phát hiện các vụ tham
nhũng đã xẩy ra, giám sát các vụ xử án, theo dõi các phạm nhân thi hành
án lệnh về tội tham nhũng. Nói cách khác, chức năng của các đoàn công
tác này là đi thanh tra, đi giám sát, tìm hiểu việc thi hành các biện
pháp phòng chống tham nhũng mà Đảng đã đề ra tại một số địa phương hoặc
một số cơ quan. Như vậy đây có thể coi chỉ là hình thức mà thôi vì thực
chất nó là cưỡi ngựa xem hoa. Cũng vì ăn chia không đều và đấu đá nội bộ
nên mới sinh ra việc có một đoàn kiểm tra để xăm xoi xem anh làm thế
nào để được ăn chia. Vì thực chất có thể sẽ có một vài cán bộ trung cấp
bị xử tù nặng hơn, hoặc bị khiển trách, như là những con tốt thí, để làm
cảnh, để xoa dịu dư luận. Còn nạn tham nhũng vẫn tiếp tục hoành hành,
như đã thấy trong suốt những năm qua.
Trên thực tế đó là sự tranh chấp thế lực giữa Tổng bí thư Đảng và Thủ
tướng chính phủ, tức là giữa phe Trọng và phe Dũng. Tranh chấp này nó
biểu lộ từ vụ Ban Chỉ đạo về phòng chống tham nhũng trước đây thuộc
Chính phủ, tức do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm, nhưng sau hội nghị
trung ương 6 vào đầu năm nay thì được đặt trực thuộc Bộ Chính trị, do
Tổng bí thư Trọng làm trưởng ban. Và để đánh trả lại Trọng, Dũng đã vô
hiệu hóa Nguyễn Bá Thanh, người được Trọng mang từ Đã Nẵng ra Hà Nội
phong cho chức Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương. Nó hoàn toàn không mang
lại những hiệu quả chống tham nhũng thực tế nào hết.
Đảng cộng sản Việt Nam thực ra đứng ngoài và đứng trên luật pháp,
không ai, không có cơ quan độc lập nào kiểm soát chế tài, nên đảng viên
vừa tự tung tự tác, lại bao che cho nhau. Tổng bí Thư hay Thủ Tướng có
nắm Ban Chỉ Đạo phòng chống tham nhũng thì chung cuộc kết quả cùng vậy,
cũng đưa ra Hội Nghị để rồi nội bộ phê bình nhau, rồi xin lỗi nhau và
cuối cùng, vì quyền lợi của Đảng, các tay chóp bu vẫn bình chân như vại,
như chúng ta đã từng thấy bao nhiêu năm qua. Hậu quả thì người dân và
đất nước lãnh đủ. Hãy nhìn những Vinashine, vinaline vv... để thấy điều
đó. Chỉ có những con tốt nhỏ nhoi bị đưa ra xử còn những người từng
tuyên bố "Không chống được tham nhũng sẽ từ chức" như thủ tướng Dũng vẫn
yên vị và còn thậm chí "xung phong" làm thủ tướng thêm khóa nữa. Ngoài
ra việc không chống được tham nhũng cũng cần phải nói đến yếu tố do sự
quản lý yếu kém trong vấn đề kinh tế cũng như nhân sự do quan hệ con ông
cháu cha mà đảng cộng sản cũng tạo kẽ hở cho tham nhũng ngay từ cấp cơ
sở đã gây bức xúc trong nhân dân.
Như vậy, muốn có sự thay đổi phải có dân chủ, có đa đảng, đa nguyên
để giám sát lẫn nhau như các nước tự do trên thế giới. Đó chính là căn
nguyên mà chúng ta cần đấu tranh để có tam quyền phân lập thì mới chống
tham nhũng có hiệu quả. Nói cách khác, đảng cộng sản có hô hào gì chống
tham nhũng cũng chỉ là một hình thức mị dân. Chỉ khi nào không còn độc
tài thì mới hết tham nhũng. Nếu còn độc tài thì dân tộc chúng ta sẽ tiếp
tục bị những con sâu của đảng đục khoét tới tận cùng xương tủy mà thôi.
Ngọc Huy
13/10/2013
No comments:
Post a Comment