TN: Kính thưa quý
vị thính giả của đài Đáp Lời Sông Núi, sau đây là tiết mục Trả Lời Thư
Tín do Thùy Ngân thực hiện. Ông Tây Sơn, quản nhiệm đài Đáp Lời Sông Núi
sẽ hầu chuyện với quý thính giả đã gửi thư hay gọi vào đà trong thời
gian qua.
Ông Lê Trung Ngân, Nghệ An: Theo như thông báo
của Hội Nghị BCH Trung Ương Đảng kỳ 8 ngày 9 tháng 10 thì đảng đã chấp
thuận các đề nghị tu chính và chỉ thị quốc hội thông qua trong cuộc họp
lần thứ sáu vào ngày 21 tháng 10. Xin quý đài cho biết hiến pháp sắp
thông qua này có khác gì nhiều với hiến pháp hiện hành không?
TS: Thưa ông Lê Trung Nhân, Hội Nghị Ban Chấp Hành
Trung Ương Đảng kỳ 8 đã dành một phần thời gian quan trọng để thảo luận
về sửa đổi hiến pháp. Tuy nhiên, dựa trên những gì ghi trong bản thông
báo của hội nghị này thì có nhiều phần chắc là hiến pháp tu chính sẽ
không khác mấy với Hiến Pháp1992. Những điểm quan trọng nhất như đảng CS
là lực lượng lãnh đạo duy nhất quy định trong điều 4, đất đai vẫn là
của nhà nước, quân đội vẫn là công cụ của đảng, vv... vẫn giữ nguyên.
Những điều khoản mới thêm vào, chẳng hạn như thành lập thêm cái gọi là
Hội Đồng Bảo Hiến, chỉ để tạo dáng vẻ rằng VN có một cơ quan tài phán
độc lập, kiểu như Tối Cao Pháp Viện của Hoa Kỳ, để giải thích và bảo vệ
hiến pháp. Thế nhưng sự lố bịch ở đây là Hội Đồng Bảo Hiến này rồi cũng
sẽ do các đảng viên đảng CS nắm giữ, có thể sẽ do một ủy viên bộ Chính
Trị làm chủ tịch! Cho nên đây cũng chỉ là một trò hề dân chủ. Nói tóm
lại chừng nào còn điều 4 trong hiến pháp thì chừng đó HP vẫn chỉ là tấm
giấy lộn, không hơn không kém! ,
TN: Ông Nguyễn Lữ, Huế: Đọc Tuyên bố chung Việt
Nam- Trung Quốc ngày 15 tháng 10 nhân chuyến viếng thăm VN của Thủ tướng
Trung Hoa Lý Khắc Cường, tôi thấy ở điểm số 9 có nói hai bên Việt-Trung
đã ký "Thỏa thuận về việc thành lập Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà
Nội". Đài nhận định như thế nào về việc thành lập Viện Khổng Tử này?
TS: Thưa ông Nguyễn Lữ, đây là điểm gây xôn sao dư
luận trong mấy ngày qua. Xôn xao vì, trong khi Trung Cộng dùng mọi thủ
đoạn để lấn chiếm biển đảo của VN thì nhà cầm quyền VN lại tạo điều kiện
để du nhập và quảng bá rộng rãi cái văn hóa của kẻ xâm lấn! Sự kiện này
nói lên 2 điều:
Thứ nhất, nhà cầm quyền CSVN đã tỏ ra nhu nhược, hèn kém trước bá
quyền phương Bắc. Tính chất này cũng đã phản ảnh rất rõ ràng trong bản
tuyên bố chung, qua việc lập đi, lập lại nhiều lần cái gọi là "16 chữ
vàng và 4 tốt", nhưng hoàn toàn không đề cập gì đến việc đòi hỏi Trung
Cộng phải trả lại các hải đảo đã chiếm của VN bằng vũ lực!
Thứ hai, chấp nhận thành lập viện Khổng Tử tại VN, nhà cầm quyền CSVN
hầu như đã không lưu tâm đến chủ trương Trung Cộng sử dụng "quyền lực
mềm" để ảnh hưởng, nếu không muốn nói là "tâm thực" các nước lân bang,
hầu thực hiện giấc mộng "hán hóa" toàn cõi ĐNA của Bắc Kinh.
TN: Ông Lâm Quang, Sài Gòn: Ở Mỹ, việc tranh
chấp giữa Hành Pháp do đảng Dân Chủ nắm giữ và Lập Pháp do đảng Cộng Hòa
chiếm ưu thế đã khiến cho nhà nước phải ngưng hoạt động trong một số
lãnh vực, gây nhiều khó khăn cho dân chúng. Như vậy, rõ ràng là chế độ
Dân Chủ mà Đài ĐLSN cổ súy đâu có tốt lành gì hơn cái mà các ông gọi chế
độ "độc tài" ở Việt Nam?
TS: Thưa Ông Lâm Quang, vâng, dĩ nhiên việc tranh
chấp ảnh hưởng giữa hai đảng, Cộng Hòa và Dân Chủ, đã khiến cho việc vận
hành của chính phủ Mỹ bị gián đoạn một thời gian, gây phiền nhiễu cho
người dân. Tuy nhiên, trục trặc này chỉ thỉnh thoảng mới xẩy ra, chẳng
hạn lần trước là vào năm 1996, tức là 17 năm sau mới lại diễn ra. Quan
trọng hơn, dân chúng sẽ nhận định về lối hành xử của mỗi đảng và sẽ thể
hiện sự ủng hộ hay phản đối lối hành xử này bằng lá phiếu của mình. Dư
luận chung cho rằng đảng Cộng Hòa đã gây ra tình trạng trục trặc này cho
nên có thể sẽ không còn nắm đa số tại Hạ viện trong lần bầu cử tới. Và
đó là sự khác biệt căn bản giữa chế độ độc tài và dân chủ. Trong chế độ
độc tài, kẻ cầm quyền tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm, không ai kiểm
soát, ngăn chận, và dù có sai lầm thì vẫn tiếp tục nắm quyền. Trong thể
chế dân chủ, thành phần cầm quyền cũng có lúc hành xử sai lầm, nhưng
dân chúng sẽ có phản ứng và sẽ truất quyền kẻ lãnh đạo bằng lá phiếu
trong các kỳ bầu cử. Nói như thủ tướng Anh Winston Churchill "Dân Chủ là
thể chế chính quyền tệ hại nhứt ngoại trừ sau khi tất cả mọi hình thức
chính quyền khác đều đã thử nghiệm qua".
TN: Bà Quế Phan, Hà Nội: Theo dõi các bài của
quý đài về sự kiện tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, tôi nhận thấy đài không
có thiện cảm với ông Giáp, thậm chí còn có nhận định là ông Giáp "có
tội với đất nước", như trong mục Trả lời Thư tín ngày 6 tháng 10 vừa
qua. Thế nhưng, qua tang lễ của tướng Giáp, một sự thật không thể chối
cãi là rất đông đảo dân chúng đã tỏ ra thương tiếc, xưng tụng ông, trong
đó có một số lớn là thanh niên, sinh viên. Đài ĐLSN giải thích hiện
tượng này như thế nào?
TS: Thưa Bà Quế Phan, hiện tượng này rất dễ hiểu.
Trước hết, ông Võ Nguyên Giáp là người đã không còn nắm quyền lực từ lâu
cho nên tên tuổi ông không dính líu nhiều đến các sai trái, tội lỗi của
đảng CSVN trong thời gian qua, nhất là từ 1975 trở lại đây. Vì vậy, so
các tay lãnh tụ CS khác, ông Giáp tỏ ra ít có tai tiếng, dễ được cảm
tình của quần chúng hơn.
Hơn nữa, guồng máy tuyên truyền nhồi sọ của đảng CSVN rất hiệu quả
trong việc biến đổi từ xấu thành tốt và ngược lại. Với guồng máy này,
CSVN đã huyền thoại hóa những kẻ tội đồ thành anh hùng dân tộc.
Nói về số người xưng tụng, thương tiếc ông Giáp, không rõ Bà Quế Phan
có để ý một sự kiện là ở ngoài Bắc thì số lượng này đông đảo, ồn ào hơn
ở trong Nam. Chúng tôi nêu chi tiết này là để chứng minh cho bà thấy
rằng, thời gian và mức độ bị tuyên truyền ở trong Nam ít hơn ở ngoài Bắc
nên hiệu quả của nó đã khác đi nhiều.
Thưa quý thính giả, nhân nói về cái chết của viên tướng CS Võ Nguyên
Giáp, đài cũng nhận được một thính giả gọi vào nêu ý kiến về cái chết
này. Dù cho biết danh tánh, nhưng theo đề nghị của ông, chúng tôi xin
phát lên để toàn thể quý thính giả đài ĐLSN cùng theo dõi:
Mục trả lời thư tín tuần này xin tạm ngưng nơi đây, Cám ơn quý thính
giả đã gửi thư hay gọi vào đài trong thời gian qua. Thùy Ngân xin hẹn
gặp lại quý thính giả của đài Đáp Lời Sông Núi vào kỳ tới. Xin kính chào
tạm biệt.
No comments:
Post a Comment