Việt Nam thoả thuận hợp tác trên biển với Trung Quốc
Phái đoàn Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận những nguyên tắc hợp tác trên biển ít nhậy cảm trong 2 ngày họp mặt tại Bắc Kinh.
Kết quả buổi họp đi theo đường lối của lãnh đạo 2 nước dựa trên các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển đã ký kết vào ngày 11 tháng 10 năm 2011, và từ các cuộc đàm phán về biên giới lãnh thổ giữa hai nước. Được biết, đôi bên đã thảo luận việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác trong các lãnh vực như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học hàng hải, cứu cấp trên biển, ngăn chặn và hạn chế thiệt hại từ thiên tai. Hai nước đồng ý hợp tác trên nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng và lưỡng lợi. Lần đàm phán thứ nhì về hợp tác trên biển sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào cuối năm nay.
Úc quan tâm cá nhập cảng từ Việt Nam chứa kháng sinh bị cấm
Bác sĩ John Turnidge, chủ tịch Hiệp Hội Vi Sinh Học Úc cho biết kết quả thử nghiệm các loại cá nhập cảng từ Việt Nam đang gây quan tâm đến người dân Úc vì cá có chất Enrofloxacin, một loại kháng sinh bị cấm.
Bác sĩ Turnidge giải thích thêm rằng loại kháng sinh này sẽ thay đổi vi khuẩn trong người ăn cá và dẫn đến tình trạng cơ thể chống lại kháng sinh. Do đó các loại thuốc kháng sinh không còn hiệu quả cho một bệnh nhân từng ăn cá từ Việt Nam. Bà Narelle Clegg, một quan chức từ bộ Canh Nông Úc xác nhận tình trạng cá nhập cảng nhiễm kháng sinh tuy ở mức độ thấp nhưng đang gia tăng. Được biết trong năm nay, nhân viên kiểm tra Úc đã chận 5 kiện hàng cá nhập cảng từ Việt Nam có chất Enrofloxacin như cá basa phi lê, cá tra, cá rô, và cá đông lạnh. Giáo sư Peter Collignon thuộc khoa truyền nhiễm tại đại học Australian National University chỉ trích chính quyền Úc ít kiểm soát các loại kháng sinh nguy hiểm. Số liệu từ chính phủ Úc cho thấy trong sáu tháng cuối năm 2011, có 209 vụ xét nghiệm cho loại kháng sinh fluoroquinolones, và 2 vụ cho chloramphenicol, có thể gây chết người. Hiện nay thực phẩm nhập cảng từ Trung Quốc vào Úc bị trả lại nhiều nhất là 13%, kế đến là thực phẩm từ Ấn Độ, Ý, Nhật, Nam Hàn và Pháp. Số lượng hải sản nhập cảng từ Việt Nam vào Úc trong 5 tháng qua là 162 triệu mỹ kim, tăng 10 triệu so với năm ngoái.
Lãnh tụ dân chủ Miến Aung San Suu Kyi trở thành ngôi sao sáng tại hội nghị Kinh Tế Thế Giới
Bà Aung San Suu Kyi đi đến đâu cũng được tán thưởng và phóng viên bao quanh tại hội nghị Kinh Tế Thế Giới cho vùng Đông Á tại Bangkok vào hôm thứ sáu. Sau 15 năm bị quản thúc tại gia, dân biểu Suu Kyi, 66 tuổi đã được xuất ngoại sau 24 năm, và được hàng ngàn cư dân Miến tại Samut Sakhon, phía nam Bangkok đón chào trọng thể. Bà Suu Kyi hứa tìm cách cải thiện đời sống cho hàng triệu cư dân Miến tại Thái. Lãnh tụ dân chủ Miến tuyên bố sẽ cố gắng thay đổi chính quyền Yangon nhanh chóng để người Miến có thể trở về nước làm ăn sinh sống. Trong buổi gặp mặt phó thủ tướng Thái Yubumrung vào hôm sau, dân biểu Suu Kyi đã yêu cầu chính quyền Thái không để giới thương gia bóc lột công nhân Miến Điện. Bà nêu thí dụ tình trạng chủ nhân Thái giữ thông hành của công nhân Miến trái phép để họ không thể kiếm việc khác tốt hơn. Bà cũng phàn nàn tình trạng nhân công bị thương nghề nghiệp chưa được chăm sóc đầy đủ. Dân biểu Suu Kyi đã gặp nhiều nguyên thủ các nước trong khu vực tại bữa tiệc do thủ tướng Thái Yingluck Shinawatra khoản đãi vào thứ năm. Sau bài diễn văn tại hội nghị, bà Suu Kyi đã trả lời báo chí quốc tế và tham dự một diễn đàn phụ nữ Á Châu. Sinh hoạt hội nghị Kinh Tế Thế Giới tại Bangkok lần này đã bị mờ nhạt vì hình ảnh của ngôi sao dân chủ Aung San Suu Kyi khiến ông Pascal Lamy, đại diện cho tổ chức mậu dịch quốc tế WTO phải báo động chính sách bảo vệ của 20 nền kinh tế lớn trên thế giới đang ngăn mức giao thương trong khu vực giảm còn 4%.
Nam Hàn phản đối Trung Quốc tiếp tục giam giữ chiến sĩ dân chủ Nam Hàn Kim Young-hwan
Bộ ngoại giao Nam Hàn phản đối việc Trung Quốc tiếp tục giam giữ ông Kim Young-hwan hơn 2 tháng qua về tội danh "gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia" cho dù Bắc Kinh hứa sẽ xét xử theo luật pháp Trung Quốc. Chính quyền Seoul cho đây là một hành động vi phạm nhân quyền. Các tổ chức nhân quyền quốc tế và nghị viện Châu Âu cũng yêu cầu Trung Quốc thả ngay ông Kim. Tưởng cần nhắc lại, ông Kim Young-hwan, 49 tuổi, đã bị bắt tại Dalian, nằm phía đông bắc của tỉnh Liaoning của Trung Quốc vào ngày 29 tháng 3 cùng với ba đồng nghiệp người Nam Hàn. Bộ công an Trung Quốc đã đưa 4 người Nam Hàn đến thành phố biên giới Bắc Triều Tiên Dandong mà các tổ chức nhân quyền nghi ngờ Bắc Kinh đã hội ý với Bình Nhưỡng. Hiện nay không ai biết rõ nhóm ông Kim đã đến Trung Quốc để làm gì, nhưng bạn bè của ông Kim cho rằng họ muốn đến vùng biên giới để quan sát tình hình người Bắc Hàn trốn qua Trung Quốc. Ông Kim Young-hwan được coi là một người chống chế độ độc tài nổi tiếng. Trong thập niên 1980, ông đứng đầu trong phong trào sinh viên Nam Hàn chống chính phủ quân sự đưa đến tiến trình cải cách dân chủ. Hiện nay người Nam Hàn coi Trung Quốc như là một người hàng xóm độc tài cho dù mức thương mại giữa hai nước phát triển mạnh.
No comments:
Post a Comment