Thứ Sáu ngày 01.06.2012
Lời dẫn: Tiến trình dân chủ hoá cho một dân tộc là một tiến trình đầy chông gai và thử thách. Các quốc gia dân chủ tây phương đã trả bằng máu và nước mắt, qua nhiều thế hệ đấu tranh mới đạt đến những thành quả hôm nay. Các quốc gia dân chủ tại Á Đông như Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Phi Luật Tân, Nam Dương cũng phải vượt nhiều chông gai hiểm trở. Vấn đề là CSVN phải tránh đường để dân tộc Việt Nam sớm dấn thân vào tiến trình dân chủ hoá này hầu bắt kịp các quốc gia văn minh trên thế giới. Mời quý thính gia theo dõi bài bình luận: «Ai Cập và Tiến Trình Dân Chủ Hóa Tại Các Quốc Gia Độc Tài» của Đà Giang, qua giọng đọc của Vân Khanh.
Thế kỷ thứ 21, nhất là trong thập niên 2010, đã đánh dấu kỷ nguyên đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa tại các quốc gia độc tài cuối cùng trên thế giới. Đặc biệt là cuộc cách mạng Hoa Lài tại Trung Đông và các cải tổ chính trị tại Miến Điện.
Dĩ nhiên thiện chí về dân chủ hóa của giới lãnh đạo đất nước là một yếu tố ắt có, nhưng chưa đủ. Những quốc gia có truyền thống độc tài qua nhiều thế hệ thường luôn vắng bóng các định chế pháp trị nghiêm chỉnh, xã hội dân sự thiếu lành mạnh và nguyên khí của quốc gia cũng bị suy vi cùng cực. Chính vì thế, một khi dấn thân vào tiến trình dân chủ hóa, kinh nghiệm cho thấy các quốc gia này sẽ gặp nhiều trở lực, và kỹ năng để giải quyết những trở lực này sẽ ngắn hạn hay kéo dài còn tùy thuộc điều kiện của mỗi nước.
Điển hình vào thời điểm này tại Ai Cập, một nước tại Trung Đông có dân số tương đương với Việt Nam. Cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên (vòng đầu) vào ngày 25/5 vừa qua có kết quả như sau: -
- Ứng viên của Lực Lượng Huynh Đệ Hồi Giáo (Muslim Brotherhood) là Mohammed Morsi, dẫn đầu với 27.5 % số phiếu.
- Đại diện phe quân đội là cựu Thủ tướng Ahmed Shafik, về nhì với 26 % số phiếu.
- Các ứng viên khác là: Hamdeen Sabahi (23.5 %), Abdel Moneim Aboul Foutouh 19.5 % và Amr Moussa (với hơn 10 % số phiếu).
Theo tân hiến pháp, thì 2 ứng viên cao phiếu nhất sẽ là các ứng viên vòng nhì tức chung kết. Ứng viên nào được đa số sẽ đắc cử vào chức vụ tổng thống.
Kết quả cuộc bầu cử này tự nó là một trở lực, mà toàn dân Ai Cập phải vượt qua trong tiến trình dân chủ hóa. Vì sao là một trở lực?
Lý do quan trọng nhất, là sau nhiều thập niên dưới chế độ độc tài độc đảng của Mubarak và đảng Dân Chủ Quốc Gia, xã hội dân sự Ai Cập không thể có sự hiện hữu của các đảng phái lành mạnh. Vì thế, kết quả là 2 ứng viên được vào chung kết đều thuộc 2 khuynh hướng không hoàn hảo do môi trường chính trị của đất nước.
Theo phóng viên Christophe Ayad của tờ báo Le Monde, ngày 25/5/2012, nhận định: Đối với nhiều người Ai Cập, thì cuộc tương tranh giữa 2 ứng viên Morsi và Shafik là một cuộc tương tranh tệ hại, bởi dân chúng Ai Cập sẽ phải chọn lựa giữa một nhân vật có khả năng xây dựng nhà nước ý thức hệ Hồi Giáo, và một nhân vật có khuynh hướng trở về trật tự chính trị cũ của cựu Tổng thống Mubarak. Ông Ahmed Khairy, phát ngôn nhân của Đảng Nhân Dân Ai Cập Tự Do tóm lược: Cuộc tương tranh này là "cuộc đối đầu giữa một người chủ trương phát xít Hồi Giáo và một người chủ trương phát xít quân phiệt".
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là tiến trình dân chủ hóa tệ hại hơn giai đoạn độc tài đã qua. Hiện nay xã hội Ai Cập đã dân chủ hơn thời Mubarak rất nhiều. Quốc gia này đã có một quốc hội lập pháp, đa nguyên, đa đảng. Sau cuộc bầu cử tổng thống thì Ai Cập sẽ có một nền dân chủ tam quyền phân lập rõ rệt, dù tân tổng thống thuộc bất cứ khuynh hướng nào.
Trở lực mà dân tộc Ai Cập đang phải đối diện là những trở lực mà Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan, Nam Dương và Phi Luật Tân đã trãi qua. Ngày nay các nước này đã ổn định ở những mức độ khác nhau, và nghiễm nhiên được thế giới công nhận là những quốc gia dân chủ chân chính.
Trong giai đọan chuyển biến từ chế độ độc tài sang dân chủ, thường có 2 hiện tượng quan trọng xảy ra. Đó là sự sụp đổ của bộ máy công an mật vụ và vai trò nổi bật của quân đội. Mặc dù trên nguyên tắc cả 2 lực lượng vũ trang này đều là cột trụ của độc tài, nhưng có sự khác biệt căn bản giữa công an và quân đội. Công an là lực lượng bị quần chúng khinh khi và căm thù. Trong khi quân đội có trách nhiệm cao cả là bảo vệ quốc gia và chủ quyền dân tộc. Vì thế, uy tín của quân đội luôn được duy trì trong vai trò tương đối nổi bật. Các nước Á Châu kể trên cũng đều trãi qua giai đoạn này.
Đặc biệt tại các nước Hồi giáo thì ý thức hệ Hồi giáo giữ một vai trò quan trọng. Trong quá khứ, sự tương tranh giữa Hồi Giáo và quân đội đã gây khó khăn cho tiến trình dân chủ hóa tại Nam Dương. Giờ đây đang gây trở ngại cho Ai Cập. Nhưng Nam Dương đã vượt qua trở lực này và chắc chắn Ai Cập cũng sẽ thành công tương tự.
Tại Việt Nam thời hậu cộng sản, một khi đất nước ta gia nhập tiến trình dân chủ hóa thì chắc chắn tòan dân sẽ chứng kiến bộ máy công an mật vụ bị sụp đỗ. Tuy nhiên, vai trò của quân đội còn tùy thuộc vào ý thức của các tướng lãnh về tiến trình dân chủ hóa, và hiểm họa diệt vong từ phương Bắc.
Với tiến trình dân chủ hóa đầy chông gai trước mắt mà dân tộc nào cũng phải trải qua, trên con đường thăng tiến để sánh vai cùng cộng đồng nhân loại văn minh. Ngày nay mọi người đều ý thức rằng, dân chủ không thể trao cho một dân tộc nào miễn phí. Quốc gia nào muốn đạt tới một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chân chính cũng phải trả bằng máu và nước mắt của chính dân tộc họ. Dù đường đầy chông gai và có phải hy sinh bao nhiêu xương máu và nước mắt, dân tộc Việt cũng sẽ không chùn bước.
Đà Giang
26/5/2012
No comments:
Post a Comment