Quốc Hội thông qua Luật Biển khiến Trung Quốc phản đối
Hôm thứ năm 21 tháng 6, quốc hội Việt Nam lần đầu tiên đã thông qua Luật Biển với 495/496 phiếu thuận khiến Trung Quốc cực lực phản đối.
Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng việc thông qua Luật Biển rất quan trọng vì đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay sau đó, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân đã triệu ông Nguyễn Văn Thơ, đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh đến trao kháng thư. Phát ngôn nhân Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố hành động đơn phương của Việt Nam đi ngược lại thoả thuận giữa lãnh đạo hai nước trong nỗ lực duy trì hoà bình và ổn định tại Biển Đông. Bắc Kinh hôm nay cũng ra thông cáo thành lập thành phố cấp địa khu Tam Sa để quản lý các đảo, bãi ngầm, và vùng biển quanh quần đảo Tây Sa tức Hoàng Sa, Trung Sa và Nam Sa tức Trường Sa. Đây là hình thức nâng cấp về mặt hành chánh đối với 2 quần đảo tranh chấp. Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cho rằng Trung Quốc đã có những chỉ trích vô lý đối với việc làm chính đáng của Việt Nam đồng thời phản đối Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa. Được biết Luật Biển gồm 7 chương và 55 điều, sẽ có hiệu lực từ ngày mùng 1 tháng giêng năm 2013.
Thượng viện Úc yêu cầu Việt Nam cải thiện nhân quyền
Thượng nghị sĩ Ron Boswell đã đệ trình một kiến nghị với hơn 55 ngàn chữ ký trong chiến dịch vận động của cộng đồng Người Việt Tự Do Úc Châu kêu gọi chính quyền Canberra gây áp lực buộc Việt Nam cải thiện nhân quyền. Ông Boswell cho biết Úc sẽ không ngồi yên khi thấy các chiến sĩ nhân quyền bị đàn áp và bắt giam. Thượng nghị sĩ Mark Furner cho biết chính quyền Úc sẽ yểm trợ cuộc vận động tại quốc hội cho nhân quyền tại Việt Nam. Ông Furner cho rằng một cộng đồng gương mẫu như cộng đồng Người Việt Tự Do Úc Châu rất đáng được hỗ trợ khi có những quan tâm về nhân quyền. Ông cũng tỏ ra ngưỡng mộ sự đóng góp mạnh mẽ của cộng đồng người Việt trong cuộc gây quỹ cứu trợ nạn lụt tại tiểu bang Queenlands vào năm 2010. Được biết kiến nghị này đề nghị chính phủ Úc bổ nhiệm các thành viên quốc hội vào các cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam và cho cộng đồng người Việt tham gia nhiều hơn vào cuộc đối thoại. Ngoài ra, điều kiện viện trợ cho Việt Nam phải bao gồm việc cải thiện nhân quyền. Cuộc vận động chữ ký trên mạng nhắc đến việc giam giữ không xét xử ông Võ Minh Trí, tức Việt Khang, một nhạc sĩ trẻ bị bắt năm 2011 về tội sáng tác nhạc chỉ trích cường quyền tại Việt Nam.
Nga kết án 2 giáo sư đại học bán tài liệu tối mật cho Trung Quốc
Giáo sư Yevgeny Afanasyev và Svyatoslav Bobyshev thuộc đại học St. Petersburg đã bị kết án 12 năm tù về tội bán tài liệu chế hỏa tiễn nguyên tử mới nhất của Nga cho Trung Quốc. Tài liệu tối mật này cũng có sơ đồ chế tạo và phát hiện hoả tiễn Bulava phóng từ tàu ngầm sau khi các trở ngại kỹ thuật được giải quyết để trở thành tài liệu chính của chương trình chế vũ khí hạt nhân của Nga trong tương lai. Được biết vào năm ngoái, một tuần trước khi ông Putin công du Trung Quốc, mật vụ Nga đã bắt giữ điệp viên Trung Quốc Tun Sheniyun trong lúc tìm cách mua kỹ thuật chế hệ thống chống hoả tiễn của Nga. Được biết chính quyền Putin dự tính đưa một số tầu ngầm được trang bị hoả tiễn Bulava đến vùng biển ráp ranh giới với Trung Quốc khi loại hoả tiễn này được đem ra xử dụng. Trong khi đó cơ quan mật vụ Anh Quốc MI5 đã báo động đến các công ty Anh về việc một loại virút đánh cắp sơ đồ trên nhu liệu AutoCAD và gửi về Trung Quốc. Các loại sơ đồ xây cao ốc, chế tạo máy móc được gửi đến hai công ty cung cấp dịch vụ internet tại Trung Quốc là 163.com và qq.com. Công ty an ninh mạng ESET phỏng đoán có đến hàng chục ngàn sơ đồ bị đánh cắp từ nhiều công ty mà phần lớn nằm tại Peru.
Ai Cập hoãn công bố kết quả bầu cử tổng thống
Khi cả nước Ai Cập đang chờ đợi vị tân tổng thống đầu tiên trong vòng 3 thập niên thì ủy ban bầu cử tuyên bố sẽ hoãn công bố kết quả cuộc bầu cử cho đến thứ bảy hoặc chủ nhật tuần này. Một hội đồng thẩm phán sẽ duyệt xét khoảng 400 đơn tố cáo gian lận bầu cử từ cả 2 phía. Giám sát viên quốc tế cho rằng những vấn đề xẩy ra không đủ nghiêm trọng hay qui mô đến mức có thể thay đổi kết quả cuộc bầu cử. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Rodham Clinton tuyên bố Hoa Kỳ mong đợi quân đội trợ giúp tiến trình chuyển đổi dân chủ. Quân đội nên giữ vai trò thích hợp là không cố gắng can thiệp, chi phối hoặc phá hoại các cơ cấu pháp định. Một quan chức Mỹ cho rằng chính quyền Hoa Kỳ lo ngại việc cựu thủ tướng Ahmed Shafiq đắc cử có thể đưa đến các cuộc biểu tình gây thêm bất ổn và quân đội sẽ thẳng tay đàn áp.
No comments:
Post a Comment