Wednesday, June 6, 2012

Tin Tức thứ Ba ngày 05.06.2012


Dân chiếm trụ sở ủy ban nhân dân xã Liên Hiệp để phản đối bị cưỡng chế đất

Theo bản tin từ Dòng Chúa Cứu Thế, vào 7 giờ sáng thứ hai, khoảng 500 người dân tại xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội đã chiếm trụ sở ủy ban nhân dân xã và biến nơi đây thành nơi nấu cháo tập thể.

Người dân tại đây cho biết đây là hình thức phản kháng đối với việc nhà cầm quyền tự tiện quy hoạch, giải toả và đền bù không thoả đáng số đất đai của dân. Được biết, người dân tại xã Liên Hiệp đã mang trống đánh liên tục, chở đến nồi niêu, gạo và biến trụ sở thành khu bếp tập thể của nhà nông. Video clip phổ biến trên mạng cho thấy già trẻ lớn bé lui tới trụ sở, và một đống củi chất cao giữa sân. Nhiều nơi khác trong trụ sở ủy ban nhân dân xã cũng thấy chất củi. Người dân đã căng biểu ngữ trước cổng và trên tầng lầu của trụ sở với những khẩu hiệu chống tham nhũng, lạm quyền, trả đất cho dân sống và làm việc. Phúc Thọ là một huyện thuần nông với diện tích khoảng 113 cây số vuông nằm bên bờ hữu ngạn của cả hai con sông: sông Hồng và sông Đáy. Việc chiếm trụ sở ủy ban nhân dân xã cho thấy người dân phản đối chính sách của nhà cầm quyền, và muốn tự mình lập lại trật tự kể từ khi có sự phản kháng của nông dân tại Tiên Lãng, Hải Phòng. Hiện nay đất đai cho dù được coi là sở hữu của toàn dân, nhưng do nhà nước thống nhất quản lý nên trở thành sở hữu của nhà cầm quyền cùng với những người có chức quyền gây ra mọi tội ác.

Việt Nam thiếu thiện chí sau 17 năm bang giao với Hoa Kỳ

Trong cuộc tiếp đón bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta tại Hà Nội, đại tướng Phùng Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng Việt Nam cho biết sẽ cho phép phái đoàn đến thêm 3 nơi để tìm kiếm hài cốt lính Mỹ còn mất tích trong cuộc chiến. Điều này cho thấy nhà cầm quyền Hà Nội thiếu thiện chí hợp tác cho dù hai nước đã bang giao 17 năm qua. Hai nơi được mở là tại Quảng Bình và Quảng Trị có máy bay rớt. Nơi thứ ba là Kon Tum ráp ranh giới Miên Lào. Ông Ron Ward, một chuyên viên trong phái đoàn tìm lính Mỹ mất tích có trụ sở tại Hà Nội cho biết có ít nhất 4 binh sĩ Hoa Kỳ tử trận trong 3 nơi này. Tuy nhiên ông Ward cũng nhắc lại rằng còn 8 nơi khác mà Việt Nam cấm phái đoàn đến tìm hài cốt lính Mỹ mất tích. Các chuyên viên tìm hài cốt e rằng càng ngày càng khó nhận diện hài cốt vì loại đất nhiều phèn chua tại Việt Nam hủy hoại hài cốt rất nhanh. Phái đoàn sẽ gặp rất nhiều trở ngại nếu Việt Nam tiếp tục kéo dài thời gian tìm kiếm. Ngoài ra người dân biết đến các vùng có thể là nơi chôn lính Mỹ đang già yếu không còn nhớ nhiều hoặc chết dần. Hiện nay còn khoảng 1 ngàn 300 người lính Mỹ mất tích trong cuộc chiến trong đó Hoa Kỳ hy vọng kiếm được và nhận ra 600 hài cốt. Lần đầu tiên, bộ trưởng quốc phòng hai nước cũng trao đổi những bức thư của người lính Mỹ và nhật ký của người bộ đội đã chết trong cuộc chiến để trao lại cho gia đình.

Trung Quốc phản đối Hoa Kỳ đưa hạm đội trở lại Á Châu

Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Quốc Liu Weimin cho rằng ý định dồn lực lượng đến vùng biển Tây Thái Bình Dương của Hoa Kỳ là một chiến lược không phù hợp với thời điểm hiện nay. Bắc Kinh kêu gọi Washington tôn trọng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và hợp tác trong tình hữu nghị để phát triển và bảo đảm an ninh tại Á Châu-Thái Bình Dương. Tuy nhiên tại hội nghị Shangri-La ở Singapore mới đây, thứ trưởng bộ quốc phòng Nhật Shu Watanabe cho biết Tokyo quan tâm đến khoảng ngân sách quốc phòng khổng lồ nhưng khó kiểm chứng của Trung Quốc để hiện đại hoá quân đội. Trung Quốc cho biết mỗi năm ngân sách quốc phòng tăng khoảng 11,2% và năm nay sẽ chi khoảng 106 tỉ cho quân đội. Được biết Hoa Kỳ tỏ ý muốn dùng lại cảng Cam Ranh cho tàu chiến lui tới như trong thời chiến tranh. Cam Ranh cách Sài Gòn khoảng 354 cây số, là cứ điểm chiến lược quan trọng trong 100 năm qua vì là đảo có độ sâu dễ dàng cho tàu lớn cập bến. Cam Ranh được dùng từ thời Pháp thuộc trong thế kỷ 19, và Nhật đã chiếm đóng trong thời thế chiến thứ hai. Hoa Kỳ đã dùng Cam Ranh làm căn cứ và xây thêm phi đạo cho chiến đấu cơ lui tới trong thời chiến tranh. Nga đã dùng cảng Cam Ranh cho đến năm 2002. Giáo sư Úc Carl Thayer cho rằng việc Hoa Kỳ muốn dùng cảng Cam Ranh chứng tỏ Hoa Kỳ muốn hậu thuẫn cho Việt Nam.

Kiểm duyệt trên mạng về ngày tưởng niệm cuộc tàn sát tại Thiên An Môn

Mỗi năm vào ngày 4 tháng 6, nhà cầm quyền Bắc Kinh lại tìm đủ mọi cách kiểm duyệt những ý kiến, trao đổi trên mạng liên quan đến cuộc tàn sát sinh viên tại quãng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Trên mạng internet, người dân Trung Quốc không thể tìm những bài viết, hình ảnh liên quan đến những con số như 6, 4, 89 và chữ "hôm nay". Dân mạng sẽ đọc được hàng chữ như "Chiếu theo luật, việc tìm kiếm thông tin liên quan đến số "89" không thể thực hiện được". Ngoài ra, qua dịch vụ tìm kiếm của sina.com và baidu.com, dân mạng có thể đọc được các bài viết được nhà nước chấp thuận như bài báo đăng trên tờ Nhật Báo Trung Quốc có tựa đề "Cuộc Thảm Sát Thiên An Môn là Chuyện Giả Tưởng". Năm ngoái dân mạng đã trao đổi với nhau trên mạng trong một thời gian ngắn khi gọi ngày 4 tháng 6 là ngày 35 tháng 5. Năm nay cũng có một cư dân mạng tại Thượng Hải thoát khỏi quồng máy kiểm duyệt qua một thông điệp ngắn như "Đèn cầy. Không bao giờ quên". Một blogger nhiều người biết đến trên mạng cũng gửi được vài tấm hình chụp quân đội Trung Quốc tại quãng trường Thiên An Môn ngay sau cuộc đàn áp. Thị trường chứng khoán giảm mạnh tại Á Châu hôm thứ hai, nhưng chỉ số giảm của Shanghai Composite Index rơi đúng vào số 64.89. Vào lúc thị trường chứng khoán chấm dứt trong ngày, sau hàng chữ Shanghai Composite Index là hàng loạt những từ bị cấm truy cập

No comments:

Post a Comment