Thứ Tư ngày 13.06.2012
Mông Cổ là một quốc gia Trung Á giáp với Liên bang Nga về phía bắc và Trung Cộng về 3 phía còn lại. Đây là quốc gia có diện tích hơn 1 triệu rưỡi cây số vuông, lớn thứ 18 trên thế giới nhưng dân số chỉ khoảng 3 triệu người. Phần lớn đất đai Mông Cổ không thể trồng trọt được, chỉ toàn thảo nguyên, đồi núi và sa mạc. Thủ đô và thành phố lớn nhất của Mông Cổ là Ulan Bator, với hơn 1 triệu dân.
Vùng đất thuộc quốc gia Mông Cổ ngày nay xuất phát từ đế quốc Mong Cổ do Thành Cát Tư Hãn thành lập năm 1206. Vào thế kỉ 13, Đế quốc Mông Cổ đã tiến hành những cuộc chiến tranh chinh phục khắp châu Á và châu Âu. Lúc bấy giờ đế chế Mông Cổ trở thành quốc gia rộng lớn và hùng mạnh nhất thế giới. Vào thời đó, Việt Nam cũng đã bị quân Mông Cổ tiến đánh để thôn tính, nhưng nhờ toàn dân một lòng kháng cự nên đã thoát được sự thống trị cuả Mông Cổ.
Sau khi Nhà Nguyên sụp đổ cuối thế kỷ 16, hầu hết lãnh thổ Mông Cổ bị sáp nhập và chịu sự đô hộ của Nhà Thanh. Khi Nhà Thanh sụp đổ vào năm 1911, Mông Cổ tuyên bố độc lập. Năm 1921 dưới sự bảo trợ của Liên Xô, Mông Cổ chính thức tách khỏi Trung Quốc, trở thành một quốc gia theo mô hình Cộng Sản Xã hội Chủ nghĩa. Mông Cổ được quốc tế công nhận là một quốc gia độc lập từ năm 1945.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu vào cuối năm 1989, Mông Cổ tự tiến hành cuộc Cách mạng Dân Chủ vào năm 1990, kết quả là chế độ đa đảng được thành lập. Bản hiến pháp mới ra đời vào năm 1992 đưa nước này chuyển sang thể chế cộng hòa nghị viện và kinh tế thị trường.
Qua vị trí địa dư của Mông Cổ cộng thêm với truyền thống văn hóa nặng sắc thái du mục, nhiều người cho Mông Cổ khó có thể trở thành một nước dân chủ. Thêm vào đó, dân tộc Mông Cổ đã sống trong môi trường xã hội phong kiến kéo dài hàng ngàn năm, lại nối tiếp thêm 70 năm dưới chế độ Cộng Sản chuyên chính như một chư hầu Liên Xô, cho nên có lập luận cho rằng cần phải có hàng trăm năm mới hy vọng chuyển đổi được tâm thức người dân Mông Cổ để có thể sinh hoạt hài hoà trong môi trường dân chủ.
Thế nhưng, thực tế đã chứng minh, chỉ sau 20 năm được xây dựng và phát triển theo mô thức dân chủ, quốc gia Mông Cổ ngày nay đã hoàn toàn đổi khác, ít ai có thể ngờ. Từ một quốc gia cô lập, bất ổn, nghèo khổ, cùng hạng với Afghanistan, Nigeria và Somalia, ngày nay Mông cổ trở thành một trung tâm du lịch an toàn và đầy hấp lực văn hóa. Hai mươi năm trước đường phố thủ đô Ulan Bator gần như hoang vắng nhưng ngày nay tấp nập và phồn vinh.
Về mặt chính trị, Mông Cổ theo chế độ Cộng Hoà Nghị Viện, với Tổng Thống có nhiệm kỳ 4 năm và có quyền tái tranh cử thêm 1 nhiệm kỳ thứ hai. Quốc Hội chỉ gồm 1 viện duy nhất, gọi là "Đại Khural Quốc gia", với 76 đại biểu do dân bầu cùng lần với tổng thống . Chính phủ đứng đầu là Thử Tướng do quốc hội bầu, và các bộ trưởng do Thủ tướng đề nghị sau khi tham khảo cùng Tổng thống và được quốc hội chấp thuận. Cơ chế chính trị này được vận hành với sự tham gia tích cực cuả 18 đảng chính trị sinh hoạt công khai và bình đẳng trên các căn bản do Hiến Pháp 1992 cuả Mông Cổ quy định.
Về mặt kinh tế, theo tạp chí Economist, dù kinh tế thế giới còn đầy khó khăn, mức phát triển kinh tế của Mông Cổ trong ba tháng giữa 2011 đã tăng 21% so với cùng thời kỳ trong năm trước đó. Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế dự đoán kinh tế Mông Cổ sẽ tăng trung bình 14% từ 2012 đến 2016. Theo dự phóng cuả Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, tổng sản lượng quốc nội bình quân (GDP) cuả Mông Cổ vào cuối năm 2012 có thể lên đến 5000 mỹ kim. Nếu đạt được mức này, Mông cổ sẽ qua mặt Nam Dương, để đứng ngang hàng với Trung Cộng và Thái Lan.
Sự thành công của công cuộc dân chủ hóa tại Mông Cổ một lần nữa đã chứng minh dân chủ là một ý niệm phổ quát, có giá trị vượt không gian và thời gian. Nói cách khác, dân chủ là ước vọng bẩm sinh cuả con người, dù người này sinh ở đâu, thuộc sắc tộc nào. Và khi có dân chủ, con người sẽ phát triển trọn vẹn để vươn lên.
Bài học Mông Cổ cũng đã mạnh mẽ phủ nhận lập luận cho rằng có nhiều đảng phái sẽ tạo ra tình trạng bất ổn chính trị. Ngược lại, nhờ đa đảng nên đảng chiếm đa số, như trường hợp Đảng Nhân Dân Mông Cổ hiện nay, phải luôn luôn tìm cách thu phục nhân tâm bằng những chính sách ích nước, lợi dân thực sự, để mong được dân chúng tiếp tục ủng hộ trong các cuộc bầu cử tới. Đồng thời nhất cử nhất động của các đảng viên đảng cầm quyền, đang nắm giữ các chức vụ trong chính phủ, đều bị các đảng đối lập chú mục theo dõi . Đó chính là lý do tại sao Mông Cổ, dù với một quá khứ đày tính phong kiến và chịu ảnh hưởng nặng nề của văn hoá Trung Hoa, thế mà trong bối cảnh bột phát kinh tế đày lợi lộc như hiện nay, tệ nạn tham nhũng hầu như hoàn toàn không có, khác xa với Trung Cộng và Việt Nam.
Ước vọng dân chủ đã nở hoa ở Mông Cổ và nó đang nở hoa tại Bắc Phi, Trung Đông, cũng như tại nhiều nơi khác trên thế giới. Ước vọng dân chủ rồi cũng sẽ nở hoa tại Việt Nam. Đó là quy luật tất yếu, dù thành phần cai trị độc tôn hiện tại có chấp nhận hay không./.
LLDTCNTQ
No comments:
Post a Comment