Thứ Bảy ngày 23.06.2012
Lời dẫn: TBT Nguyễn Phú Trọng đang gặp một nghịch luận không lối thoát. Đó là lãnh đạo một tập thể gồm toàn những cá nhân đã hoàn toàn mất đi sự liêm chính của con tim. Một tập thể như thế mà tự trao cho mình trách nhiệm phòng chống tham nhũng, thì khác nào trao cho ông này điệp vụ truy tìm lông rùa và sừng thỏ. Mời quý thính giả lắng nghe bài phân tích của Đà Giang qua sự trình bày của Vân Khanh.
Một trong những hiện tượng nổi bật của nhân loại sau cuộc cách mạng Bolshevik vào tháng 10 năm 1917, là hễ nơi nào có xã hội chủ nghĩa thì nơi đó bất công và tham nhũng đầy rẫy.
Lý do đơn giản, vì xã hội chủ nghĩa đưa đến việc tập trung các phương tiện sản xuất vào sự quản lý của các đảng CS. Các đảng viên sẽ trở thành những nhà tư bản đỏ, đứng trên và ngoài luật pháp và hiến pháp. Lord Acton, một tư tưởng gia chính trị người Anh có câu nói bất hủ là: "Quyền lực đem lại sự tham nhũng. Quyền lực tuyệt đối đem lại sự tham nhũng tuyệt đối" (Power corrupts, and absolute power corrupts absolutely).
Đứng trước quốc nạn ô nhục này, nhất là tiếp theo các vụ xì căn đan Vinashin và Vinalines làm thất thoát hằng tỷ mỹ kim, đảng CSVN đã phản ứng ra sao?
Báo Vietnamnet ngày 15/6/2012 đã long trọng đăng tin, với tựa đề: "Tăng sự lãnh đạo của đảng về chống tham nhũng". Báo này ngoài việc cho biết đảng đã quyết định chuyển nhiệm vụ phòng chống tham nhũng từ thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua Bộ Chính Trị, còn thông báo các biện pháp như sau: -
1. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
2. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế, xã hội.
3. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách về công tác tổ chức, cán bộ.
4. Tiếp tục hoàn thiện thể chế và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, để nâng cao hiệu quả công tác.
5. Tăng cường vai trò giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân.
6. Đổi mới, nâng cao năng lực của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và cơ quan thường trực, tham mưu.
Trước hết, việc chuyển quyền phòng chống tham nhũng từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua bộ chính trị dưới quyền của TBT Nguyễn Phú Trọng, không có ý nghĩa thực tế nào cả, Đơn giản là vì thực thể chịu trách nhiệm, tức đảng CSVN, vẫn không thay đổi từ trước đến giờ. Cả Nguyễn Phú Trọng lẫn Nguyễn Tấn Dũng đều là những thành viên cột trụ của cơ chế này. Các danh từ sử dụng cho các biện pháp này cũng cũ rích và nặng mùi tuyên truyền như: nâng cao, tiếp tục, đổi mới... Hơn 6 thập niên qua đảng càng nâng cao, tiếp tục và đổi mới chừng nào thì quốc gia càng lâm nguy chừng nấy. Đây là sự tương quan hiển nhiên giữa quyền lực tuyệt đối, và tình trạng tham nhũng vô giới hạn tại Việt Nam. Quan trọng hơn nữa, từ lâu người CSVN đã đánh mất sự liêm chính của con tim, dẫn đến mọi lời nói và hành động của họ không còn phản ảnh thành ý của những người Việt Nam bình thường.
Trong thuật trị nước truyền thống của Đông Phương, sách Đại Học có ghi: "Thành ý, chính tâm, cách vật, trí tri, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Tập đoàn lãnh đạo CSVN vốn chưa bao giờ có thành ý hay chính tâm, là những điều kiện ắc có để phân biệt đúng sai, để chấn chỉnh đạo đức bản thân, dạy dỗ con cái nghiêm minh và chăm lo quốc sự.
Vì thế khi ông TBT Nguyễn Phú Trọng nói đến tăng cường dân chủ thì lại bám chặc điều 4 hiến pháp, nói đến giám sát chính quyền thì từ chối tam quyền phân lập, nói đến minh bạch hóa quyền sở hữu đất đai thì muốn nhà nước quản lý, nói đến khuyến khích doanh thương thì bám lấy cái đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa. Những mâu thuẫn trong tư duy và hành động của ông, tiêu biểu cho sự băng hoại đạo đức xuyên mọi cơ chế của đảng từ trung ương đến địa phương. Cụ thể nhất là công văn về việc kê khai tài sản thu nhập của các đảng viên trong năm 2011 của Bộ Tư Pháp CSVN.
Nhìn bề mặt, việc kê khai tài sản và văn kiện kê khai này không kém phẩm chất hơn các nước dân chủ trên thế giới. Nhưng khi phân tích kỹ, chúng ta nhận thấy có sự khác biệt giữa chế độ CSVN và các nước dân chủ. Đó là bản kê khai tài sản của các đảng viên chỉ gửi về lưu trữ ở cấp bộ liên hệ và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng mà thôi! Đố ai biết được các lãnh đạo tham những có kê khai hay không? Kê khai những gì? Và những lời khai của họ có trung thực hay không?
Đơn cử trường hợp tại nước Úc thì việc này rất minh bạch. Chỉ cần vào website của Quốc hội Liên bang Úc Đại Lợi (www.aph.gov.au), bấm vào "Công tác Quốc hội" (parliamentary business) xem "bản kê khai tài sản thành viên" (register of members interests). Sau đó, bấm vào tên của đương kim Thủ tướng Úc là bà Julia Gillard, thì mọi người trên thế giới kể cả giới truyền thông tư nhân sẽ thấy các chi tiết cụ thể. Chẳng hạn, tài sản chính của bà Julia Gillard chỉ gồm 1 căn nhà ở khiêm nhượng tại một khu lao động thuộc tiểu bang Victoria, và 1 căn nhà đầu tư tại thủ đô Canberra. Tài sản của bà còn ít hơn nhiều người Việt Nam tỵ nạn tại Úc. Bản kê khai tài sản này minh bạch cho công chúng có thể vào xem, nên nó phải vô cùng chính xác. Vì nếu bà Julia khai sai hay cố tình che giấu, thì báo chí tư nhân khắp thế giới sẽ phanh phui ra lớn chuyện. Kết qủa dù bà là nguyên thủ của một quốc gia cũng bị bắt buộc phải từ chức. Chưa kể đây là bản kê khai cho quốc hội, mà quy luật của Quốc hội chế Úc là nếu phỉnh gạt quốc hội (misleading parliament) thì vị dân biểu hay thượng nghị sĩ đó sẽ phải từ chức.
Nếu TBT Nguyễn Phú Trọng có thành ý, thì ông phải ra luật cưỡng bách kê khai tài sản một cách công khai trên trang mạng của quốc hội. Hơn nữa tham nhũng tại Việt Nam là một quốc nạn, do đó chính quyền cần phải tu chính Bộ luật Hình sự, kết án chung thân khổ sai, và sung vào công quỹ toàn bộ tài sản của bất cứ cán bộ nào đã khai man. Dĩ nhiên đòi hỏi này sẽ vô cùng khó khăn cho ông. Vì nếu thực hiện, thì chỉ cần qua một đêm toàn bộ 4 triệu đảng viên của ông sẽ biến thành hư vô, và dân chủ sẽ đến với Việt Nam lập tức mà không tốn một giọt máu nào!
Đà Giang
16/6/2012
No comments:
Post a Comment