Thứ Sáu ngày 01.06.2012
Lời dẫn: Khi người nông dân bị đẩy ra khỏi ruộng vườn thì thường được đền bù theo giá tượng trưng, nhưng sau đó cũng chính mảnh đất này vào tay các nhà đầu tư thì giá lại cao gấp nhiều lần so với số tiền đã trả cho người nông dân. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả một bài viết của Phúc Lộc Thọ có tựa đề: "THẾ LỰC THÙ ĐỊCH NÀO ĐỨNG SAU CÁC DỰ ÁN ĐẦU TƯ NHẮM VÀO ĐẤT CỦA NÔNG DÂN ?" sẽ được Di An trình bày để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
...Tại sao các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước không đưa vào tầm ngắm, nghiên cứu xem những kẻ đứng sau các dự án đầu tư nhắm vào đất của bà con nông dân để soi xét động cơ, mục đích và hệ quả của chính sách, biện pháp này xem có đúng là nguy hại gấp vạn lần những thế lực thù địch siêu hình, tưởng tượng khác...
Chính những kẻ ban hành và thực thi chính sách cướp đất của nông dân mới là thế lực thù địch hữu hình của nông dân, của chế độ nhưng lại đang được tiếp tay, dung túng, bảo kê của chính quyền của một số nơi, một số cấp...
Theo số liệu của Thanh tra tổng kết trong nhiều năm: 70 % số vụ khiếu nại dân sự mà cơ quan này phải đứng ra giải quyết liên quan tới đất đai; Cụ thể hơn liên quan tới các dự án công nghiệp, dự án kinh doanh dịch vụ liên quan tới việc thu hồi đất canh tác, đất thổ cư của nông dân...Cụ thể hơn: do người nông dân bị thu hồi đất, tuy có được đền bù theo chính sách nhưng sự đền bù đó không thể bù đắp được thiệt hại của người nông dân vì đất là tư liệu sản xuất truyền đời của người nông dân, không có nó người nông dân không biết dựa vào đâu để kiếm sống; chưa kể viện đền bù này lại được triển khai không minh bạch, không công bằng thậm chí còn bị xà xẻo, hà lãm...
Người Trung Quốc có câu: Phi nông bất ổn; 60 % dân số sống ở nông thôn, thử hình dung khi một bộ phận không nhỏ người nông dân bị cướp mất nhà cửa ruộng vườn, tất yếu họ sẽ mang theo cả một núi hận thù đối với chế độ vì đất đai, vườn tược, nhà cửa của họ mà họ đang thừa hưởng bị tước đoạt.
Khi người nông dân bị đẩy ra khỏi ruộng vườn và thường được đền bù theo giá tượng trưng, sau đó cũng chính mảnh đất đó vào tay các doanh nghiệp, nhà đầu tư nên nhiều khu đất đã được mua đi bán lại với giá cao gấp nhiều lần so với số tiền đã trả cho người nông dân... Trước tình cảnh đó làm sao người nông dân không cay đắng?!
Cách đây mấy năm, dự án khu đô thị Ciputra ở Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội được triển khai; nhiều người đều biết; đây là một khu trồng đào nổi tiếng của Hà Nội, gắn với một làng nghề tồn tại hàng thế kỷ nay... Thế nhưng khi Hà Nội ban hành chính sách biến khu này thành khu đô thị mới, lập tức hàng ngàn nông dân ở đây bị trắng tay trong phút chốc...
Theo thông tin mà người viết bài này biết: mỗi mét vuông đất ở Nhật Tân nếu có cây đào trên đó được đền bù 350.000 đ, vì là đất nông nghiệp; thế nhưng khi thu hồi đất, Hà Nội quay sang cho đấu giá và giá đất của khu đô thị này lên tới 50 triệu đồng/m2.
Điều trớ trêu cuộc đấu thầu này đã có những đề thầu khiến cho chính những chủ nhân của khu đất đó muốn quay trở lại tham gia đấu thầu cũng bị loại ngay ra ngoài./.
Phúc Lộc Thọ
No comments:
Post a Comment