Tuesday, June 26, 2012

Tin Tức Chủ Nhật ngày 24.06.2012


Đức Giám Mục Kontum yêu cầu cường quyền trả lại các cở sở tôn giáo

Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, giám mục Kontum đã gửi thư đến chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Kontum yêu cầu nhà nước trả lại các cở sở tôn giáo đã mượn sau năm 1975.

Được biết nghành giáo dục tỉnh Kontum sắp cho đập Trung Tâm Tình Thương của tòa giám mục tọa lạc tại số 12 Nguyễn Huệ để xây trường đào tạo sư phạm mẫu giáo. Toà giám mục đã gửi thư xin lại cơ sở này nhưng chính quyền địa phương cứ khất lần kể từ khi mượn vào năm 1978. Đức cha Oanh coi thái độ im lặng của nhà nước đứng nhìn một cơ quan phi tang cơ sở mượn đồng nghĩa với tội ác. Ngài nhắc đến các cơ sở công giáo đã bị đập phá như Tu Viện Nữ Tử Bác Ái ở số 11 Nguyễn Huệ, Kontum, đã có từ 1936, nhưng cường quyền đã mượn và đập phá để xây trường Nguyễn Tất Thành khiến các nữ tu phải đi ở đợ suốt hơn 30 năm qua. Các nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng bị đuổi ra khỏi tu viện suốt ba mươi mấy năm nay khi nhà nước muốn xử dụng cơ sở nhà dòng. Cuối thư đức cha Hoàng Đức Oanh khẳng định không xin ân huệ mà chỉ mong được đối xử công bằng như một người dân trong xã hội có pháp luật và mong tài sản giáo hội được trả lại trong tinh thần tôn trọng sự thật.

Ba Nghị Sĩ Mỹ đòi thả ngay Blogger Điếu Cày

Tin từ Washington 16 tháng 6, 2012: Trong một văn thư đề ngày 15 tháng 6, 2012, gửi thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, ba nghị sĩ Thượng Viên liên bang Hoa Kỳ cùng ký tên, đã đòi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả tự do ngay cho blogger Nguyễn Văn Hải, tự Điếu Cày. Tác giả bức thư là các Nghị Sĩ Richard J. Durbin, Barbara Boxer, và John Cornyn đã nhấn mạnh về trường hợp blogger Điếu Cày: Chúng tôi quan tâm sâu xa về những chuyện liên quan tới việc bắt giữ và tái bắt giữ ông, cũng như tin tức cho biết gia đình ông đã bị ngăn cản thăm viếng. Trang mạng chính thức của Bộ Ngọai giao Hoa Kỳ cũng nêu rõ về trường hợp ông Nguyễn Văn Hải như sau: "Việc ông Điếu Cày bị bắt vào năm 2008 đã trùng hợp với vụ đàn áp hàng loạt những công dân làm báo và một nghị định hạn chế tự do Internet và kiểm duyệt các blog cá nhân. Những hạn chế này tiếp tục cho tới nay". Vụ này đã được nêu ra bởi Ủy ban Bảo vệ Ký giả, và được nhắc tới trong một bài bình luận trên tờ New York Times, ngày 19 tháng 4, 2012. Trong phần kết luận, văn thư nói: Chúng tôi ủng hộ gia tăng liên lạc song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, nhưng quan tâm về thành tích nhân quyền của Việt Nam - kể cả chiều hướng gia tăng đàn áp – có thể phương hại tới mối liên lạc giữa hai nước. Vì thế, các tác giả đã yêu cầu Việt Nam trả tự do ngay và vô điều kiện đối với ông Nguyễn Văn Hải, cũng như tất cả những người bị giam giữ trong hoàn cảnh tương tự

Cảnh sát quốc tế, Interpol chính thức khởi lệnh truy nã ông Dương Chí Dũng

Trang mạng cảnh sát quốc tế interpol đã chính thức đăng lệnh truy nã ông Dương Chí Dũng với tội danh lừa đảo. Điều này có nghĩa là ông Dũng bị nghi ngờ đã không còn có mặt tại Việt Nam và nó cũng đưa ra câu hỏi những ai đã liên quan đến việc ông bỏ trốn. Trước đó, Bộ Công An Việt Nam phát lệnh truy nã ông Dũng, cựu Chủ tịch Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Vinalines, vào ngày 19/5, một ngày sau quyết định khởi tố và bắt tạm giam. Ông Dũng đã vắng mặt khi công an khám xét nơi ở và nơi làm việc. Theo lời ông Nguyễn Đình Hương, trong một cuộc trao đổi với phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam thì để trốn ra nước ngoài thì ông Dũng phải có sự chuẩn bị, lên kế hoạch rất kỹ và phải có thời gian từ trước đó. Và nếu trường hợp trốn đi nước ngoài, tội phạm kinh tế thích trốn sang Canada.

Trung Quốc muốn đưa giàn khoan tối tân nhất đến khai thác dầu khí trong vùng biển tranh chấp

Ông Wang Yilin Chủ tịch tập đoàn dầu khí quốc doanh Trung Quốc CNOOC cho rằng giàn khoan dầu lớn nhất hiện nay có thể được coi như một vùng lãnh thổ di động trong chiến lược khai thác dầu khí ngoài khơi trong vùng biển của Trung Quốc. Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã chi 1 tỉ mỹ kim để thiết kế một giàn khoan dầu tối tân đang khai thác ngoài khơi Hong Kong với ý định đời xuống vùng biển tranh chấp để khai thác dầu. Ông Liu Feng, một chuyên viên thuộc viện Nghiên Cứu Biển Trung Quốc cho biết giàn khoan Haiyang Shiyou 981 thuộc loại chuyên khai thác trong vùng biển sâu. Giáo sư Lin Boqiang, giám đốc trung tâm nghiên cứu Kinh tế Năng Lượng tại đại học Hạ Môn cho rằng nếu Trung Quốc không khai thác dầu khí trong vùng biển tranh chấp thì các nước khác sẽ làm. Tập đoàn dầu khí quốc doanh CNOOC trị giá 89 tỉ mỹ kim đang hoạt động tại Trung Quốc và nhiều nước khác như Indonesia, Iraq, Úc, Châu Phi, Bắc và Nam Mỹ. Kể từ tháng trước giàn khoan 98 đã bắt đầu khai thác dầu khí tại vùng biển phiá nam các Hong Kong 320 cây số.

No comments:

Post a Comment