Thứ Tư ngày 20.06.2012
Lời dẫn: Một trong những kỹ năng trọng yếu của người CS là sử dụng danh từ như một phương tiện gạt gẫm, cướp chính quyền, cướp của cải, cướp tự do và giữ những gì họ cướp bằng bạo lực. Chính vì thế, khi họ đặc quốc hiệu là "Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, độc lập tự do hạnh phúc" thì toàn dân hiểu ngược lại là không có sự hiện hữu của thể chế cộng hòa, cũng không có xã hội chủ nghĩa, không có độc lập, tự do hoặc hạnh phúc gì cả. Khi họ nói tới "báo chí cách mạng" thì đó là báo chí phản cách mạng nhất. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài bình luận của Bán Nguyệt San Tự Do Ngôn Luận, với tựa đề Có tự do thì báo chí mới trung thực!, qua giọng đọc của Song Thập.
Ngày 21-06 tới đây được cộng sản gọi là "Ngày Báo chí Cách mạng VN". Nó phát xuất từ việc Hồ Chí Minh (lúc ấy mạo nhận là Nguyễn Ái Quốc) sáng lập báo "Thanh Niên" ngày 21-6-1925.
Trong lịch sử báo chí đất Việt, từ những năm 60 trong thế kỷ 19 đã có "Gia Định báo" rồi một số báo khác lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và vài địa phương khác nữa. Nhưng báo "Thanh Niên" đã mở ra một dòng báo chí mới do người CS chủ trương và gọi là "báo chí cách mạng", nói là để đấu tranh "vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội". Do ý nghĩa này, năm 1985, đảng CSVN đã ra Quyết định số 52 lấy ngày 21-6 hằng năm làm "Ngày báo chí VN" và đến năm 2000 thì đổi thành "Ngày Báo chí Cách mạng VN".
Trước năm 1975, nền báo chí CS này nhờ một mình một chợ đã "thành công" trong việc xô cả nhân dân miền Bắc lao vào cuộc Cải Cách Ruộng Đất đẫm máu, giết hàng trăm ngàn nông gia vô tội, qua những bài báo của HCM, Trường Chinh, Trần Huy Liệu... đã vu khống địa chủ và đề cao chuỗi tàn sát ấy như một cuộc cách mạng "long trời lở đất"; tiếp đó là vào trận chiến triệt hạ phong trào Nhân văn Giai phẩm, tiêu diệt giới trí thức miền Bắc, qua các bài báo của Tố Hữu, Phạm Huy Thông. Ngơi một thời gian, công cụ truyền thông độc quyền của đảng tiếp tục huy động nhân dân miền Bắc xông vào cuộc chiến "giải phóng" miền Nam qua việc dối trá trình bày VNCH như một địa ngục, nơi đó nhân dân đói khổ triền miên, Mỹ Ngụy kềm kẹp tứ bề và chính quyền chỉ là tay sai Đế quốc; qua việc dựng lên những anh hùng "dổm" như Lê Văn Tám, Nguyễn Văn Bé... để kích thích thanh niên lao mình vào chỗ chết; rồi qua việc vẽ ra hình ảnh Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa như chốn đầy phúc lạc. Thứ báo chí tuyên truyền dối trá này, khốn thay, lại được sự hỗ trợ của nhiều "trí thức thiên tả" ngây thơ ngoài nước thuộc phong trào phản chiến và nhiều "trí thức thiên cộng" khờ khạo trong nước thuộc MTGiải Phóng Miền Nam. Đến khi từng đoàn dân miền Bắc vượt qua sông Bến Hải để vào Nam sau năm 1975 thì mới bể đầu vì thấy mình đã bị báo của Đảng lừa gạt cách trắng trợn.
Thế là từ cuộc "sáng mắt" nhân dân này, báo chí cách mạng xem ra chuyển sang hướng ru ngủ và che giấu. Biết người miền Nam đa phần có tín ngưỡng, đảng truyền những tổ chức hay giáo hội quốc doanh cho ra đời các tờ báo "kết hợp tôn giáo với XHCN" để ru ngủ tín đồ. Điển hình như tờ "Công giáo và Dân tộc" của Ủy ban Đoàn kết CG, tờ "Giác Ngộ" của Giáo hội Phật giáo VN... Các công cụ đội lốt tôn giáo này là thứ thuốc độc bọc đường, dùng giáo lý để tô son trát phấn cho cái chế độ vốn coi niềm tin vào những thực thể thiêng liêng là kẻ thù số một, và để lôi kéo tín hữu tin vào "Thánh Hồ" hơn vào "Đức Chúa" hoặc "Đức Phật", hầu họ nhắm mắt trước những sai lầm lẫn tội ác của nhà cầm quyền, đồng thời họ sẽ mù quáng tin tưởng vào đường lối chủ trương thâm độc của đảng. Việc che giấu thì nay được thực hiện đặc biệt với những sự kiện mang tầm quốc tế. Chẳng hạn khi VN -ngày 24-9-1982- tham gia hai Công ước Quốc tế Nhân quyền, thì chẳng tờ báo nào trong nước đăng nguyên vẹn hai văn kiện quan trọng này cho toàn dân được biết, và cho tới nay vẫn vậy. Sáng ngày 14-3-1988, để bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc trong một cuộc chiến bi hùng, 64 chiến sĩ Quân đội Nhân dân VN đã hy sinh trên bãi Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, thế mà chẳng có một giòng tin tức hay tuyên dương trên báo đài CS ngay lúc ấy lẫn sau này. Đến ngày giáp năm biến cố, nhiều báo chí cố công gợi lại kỷ niệm nhưng đa phần đều bị cấm cản. Hiệp định biên giới Việt Trung đã được ký kết ngày 30-12-1999 nhưng cho tới nay, đã có công báo hay đảng báo nào đăng đầy đủ văn bản cùng với đồ bản của Hiệp định này cho quốc dân được am tường?
Đầu thế kỷ 21, khi các phương tiện truyền thông hiện đại như điện thoại di động, mạng lưới toàn cầu, xa lộ thông tin được phổ biến tại đất Việt, thì hầu như chẳng còn mấy ai tin vào báo chí của đảng. Thế là báo chí cách mạng chuyển sang kiểu "nói lấy nói được" hay "tảng lờ im lặng" một cách trơ trẽn, vì biết đa phần dân chúng vẫn chưa tiếp cận được với nền thông tin tự do và đảng vẫn còn có thể dùng bạo lực hành chánh để tiếp tục bưng bít tai mắt và đầu độc tâm trí học sinh sinh viên lẫn viên chức trong bộ máy công quyền.
Nhìn lại nền báo chí cách mạng, ai cũng thấy nó chưa bao giờ trung thực, vì nó chưa bao giờ được tự do, trái lại bị lèo lái và sử dụng bởi những con người sống chỉ vì một mục đích: thu tóm trong tay mọi quyền lực để tha hồ thụ hưởng mọi quyền lợi, bất chấp dân tộc, đất nước. Vì thế nền báo chí đó cũng chưa bao giờ "nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt được mối quan hệ giữa báo chí với công chúng" cả; trái lại nó đã và đang góp phần tạo nên những nhà báo viết theo đơn đặt hàng, những công dân hãi sợ trước cường quyền hay vô cảm trước vận nước, một quốc gia ngày càng thụt lùi, hỗn loạn và có nguy cơ bị ngoại bang xóa sổ. Thứ báo chí thiếu trung thực đó chỉ có lòng trung thành, nhưng trung thành trong việc bênh vực dối trá thì đã là một sự phản bội gây tác hại cho chính chủ của nó là đảng cs và toàn dân ./.
BAN BIÊN TẬP
No comments:
Post a Comment