Tuesday, June 26, 2012

BÁO CHÍ versus QUỐC HỘI ?


Thứ Hai ngày 25.06.2012     

Lời dẫn: Trong một chế độ dân chủ, báo chí được coi là đệ tứ quyền, ngoài tam quyền phân lập là hành pháp, tư pháp và lập pháp. Trong các quốc gia dân chủ, không những báo chí tư nhân mà ngay cả những cơ quan ngôn luận của chính phủ, đều có trách nhiệm đạo đức và sự độc lập của nhà báo. Luật lệ của quốc gia và ngay cả hiến pháp cũng long trọng bảo vệ thiên chức của người làm báo. Tại Việt Nam, báo chí còn phải cúi đầu tủi hổ bao lâu với những lạm dụng quyền lực và thối nát của nhà nước, trước khi dũng cảm đứng lên vì dân diệt bạo? Xin quý thính giả nghe phân tích của Thường Sơn qua giọng đọc của Song Thập.
Ngày 21 tháng 6 năm nay – ngày kỷ niệm lớn nhất của báo chí Việt Nam, lại trùng với thời điểm mà kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XIII kết thúc.
Cũng là sự kết thúc của tiếng nói phản biện xã hội, trong đó hẳn phải có tiếng nói của báo chí.

Cái kết thúc ấy lại được khơi mào bằng tính chất hết sức đặc biệt của kỳ họp Quốc hội lần này. Chưa bao giờ, kể cả kinh tế vào giai đoạn năm 2008–2009 và nay,nền kinh tế của đất nước này lại đặt lên vai Quốc hội quá nhiều hậu quả như năm 2012.
Với nguyên do vừa sâu xa vừa lộ liễu như thế, trọng trách của Quốc hội là làm sao phải giải quyết được thực trạng có đến gần 1/3 số doanh nghiệp Việt Nam đã thực sự lâm vào vòng phá sản và giải thể, khoảng 60% doanh nghiệp đang hoạt động cầm chừng với tỷ lệ hàng tồn kho chiếm đến một nửa hoặc hơn thế, còn tình trạng doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng lao đao cùng khốn quẫn...
Kể cả những sự vụ như trận thua tán gia bại sản của Tập đoàn tàu biển Việt Nam (Vinalines), đã trở nên nổi tiếng nhờ vào cuộc trốn chạy của nhân vật Dương Chí Dũng kèm một lệnh truy nã mà chỉ có thể chứng tỏ sự bất lực của các nhân viên công lực thuộc của Bộ Công an, nhưng lại có thể là một sự bất lực cần thiết để bảo vệ cho uy tín của người đứng đầu chính phủ.
Tất cả những chủ đề trên đã kéo dài triền miên trong vô số uẩn ức, trong suốt cả tháng trời họp Quốc hội. Nhưng uẩn ức lớn nhất có lẽ không thuộc về chính những người được đảng cử vào quốc hội, mà lại liên quan đến những kẻ đứng ngoài hành lang Quốc hội. Đó là cánh báo chí.
Vào kỳ họp cuối năm 2011, không khí chất vấn vẫn còn đó. Khi đó, báo chí và đại biểu quốc hội còn tỏ ra vồ vập, hoặc ít nhất cũng có vài tò mò mới mẻ đối với các tân bộ trưởng và vài bộ trưởng như Đinh La Thăng (Bộ Giao thông Vận tải), Vương Đình Huệ (Bộ Tài chính), Nguyễn Văn Bình (Ngân hàng Nhà nước).
"Quốc hội nào, Chính phủ nấy" – như một ẩn ý của Dương Trung Quốc. Nhưng là một nhà sử học, có lẽ những ý tưởng của ông cũng chỉ dừng lại ở đó. Không có điều kiện và có lẽ cũng không thể bàn sâu hơn về các vấn đề kinh tế, sự im lặng triết học của ông đã trở thành điểm nhấn cuối cùng cho hình ảnh "nghị gật" phổ biến trong đại trà các đại biểu Quốc hội.
Vài tờ báo đã cố gắng làm những gì có thể – truyền tải và diễn đạt những ý kiến phản biện của những nhà kinh tế học trong nước và cả nước ngoài. Song tất cả cũng chỉ dừng lại ở đó, không có một tiến triển nào sâu sắc hơn. Công cuộc giải cứu doanh nghiệp cũng vì thế mà dần trôi vào quên lãng, đặc biệt từ thời điểm thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đề nghị thành lập công ty mua bán nợ với số vốn điều lệ 100.000 tỷ đồng.
Nét chấm phá cuối cùng của báo chí đã được kết thúc bằng vụ án PMU 18, khi cùng với việc khởi tố một kẻ ăn cắp tiền ODA để tắm bia và chơi gái, Bộ Chính trị đã chỉ đạo cho Bộ Công an khởi tố luôn hai phóng viên của báo Tuổi Trẻ và Thanh niên. Những người này sau đó đã phải nhận lãnh án tù. Cú dằn mặt báo chí đã có kết quả trong suốt một thời gian dài.
Uẩn ức tích nén lại càng dễ bùng nổ. Sau một thời gian quá lâu bị mô tả như một trạng thái "cầm tù tư tưởng", vận hội mới đã đến với các tờ báo Việt Nam khi vụ Tiên Lãng ở Hải Phòng nổ ra. Hơn 1.400 bài báo chỉ trong hai tháng với tinh thần ủng hộ cá nhân Đoàn Văn Vươn đã đủ cho thấy thái độ phản ứng như thế nào của báo giới.
Cũng từ vụ Thái Bình năm 1997, đến mãi gần đây người ta mới nhận ra chân dung của báo chí Việt Nam đang vừa bị phân hóa, mà lại vừa hội tụ gần như đầy đủ những yếu tố mà chính đảng cầm quyền vẫn thường lo sợ là "diễn biến hòa bình".
Nhưng trước mắt, báo giới lại vừa trải qua một phản ứng của Ban Tuyên giáo Trung ương mà những câu chuyện ở quán cóc thường gọi đó là "khủng bố trắng". Do vậy, không ngạc nhiên là vào kỳ họp Quốc hội vừa qua, tâm trạng của báo giới càng trở nên trầm uẩn và bàng quan. Không tính đến những tờ báo "lề đảng" như Nhân dân và Quân đội Nhân dân, phần lớn các báo khác đều tỏ ra đặc biệt thờ ơ với những sự kiện tại Quốc hội.
Những vấn đề chủ chốt của nền kinh tế vẫn hầu như không được giải quyết.
Vì sao lại như thế?
Có lẽ phải đảo ngược lại ẩn ý của đại biểu Dương Trung Quốc: "Chính phủ nào, Quốc hội nấy".
Thường Sơn

No comments:

Post a Comment