Tuesday, June 12, 2012

Thời Sự Trong Tuần – Chủ Nhật ngày 10.06.2012


ML: Chào anh Tây Sơn, xin anh cho biết những sự kiện đáng ghi nhận trong tuần qua tại Việt Nam
TS: Kính chào thính giả của đài ĐLSN và chị Mỹ Linh. Trong tuần qua chúng ta nghe nói đến chuyện hàng trăm người dân tại xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội đã chiếm trụ sở ủy ban nhân dân xã và biến nơi đây thành nơi nấu cháo tập thể. Đây là hình thức phản kháng mới mẻ đối với việc nhà cầm quyền tự tiện quy hoạch, giải toả và đền bù không thoả đáng số đất đai của dân. Vào ngày 5 tháng 6, kỷ niệm một năm người yêu nước xuống đường, vài chục bạn trẻ không hẹn mà gặp tại quãng trường Nhà Thờ Đức Bà cùng với nhóm trẻ No-U Sài Gòn ca hát mừng một năm biến cố người Việt Nam yêu nước xuống đường biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng.

Tại Ninh Thuận, ông Phan Ngọc Tuấn bị kết án 5 năm tù về tội danh "truyên truyền chống nhà nước" khi ông đã mạnh dạn tố cáo tội ác của nhà cầm quyền Hà Nội. Trong khi đó, thêm một tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ trong lúc đánh bắt cá trong quần đảo Hoàng Sa. Qua chuyến công du Việt Nam tuần qua, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Leon Panetta tỏ ý muốn dùng cảng Cam Ranh cho chiến lược trở lại Á Châu-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Việt Nam muốn mua một số vũ khí từ Hoa Kỳ, nhưng không nhắc đến điều kiện cải thiện nhân quyền. Món quà Việt Nam trao cho ông Panetta là mở thêm 3 nơi cho phép phái đoàn Hoa Kỳ đến tìm hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh. Hoa Kỳ thấy rõ Việt Nam không thể trở thành một đồng minh tin cậy cho dù trở lại bang giao 17 năm qua.
ML: Anh Tây Sơn có ghi nhận gì thêm về chuyến đi của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Penetta trong tuần qua ?
TS: Ông Panetta cho biết Hoa Kỳ muốn xích lại gần hơn với các nước như Việt Nam, Ấn Độ và Singapore trong chiến lược trở lại Á Châu-Thái Bình Dương. Đây là chiến lược giúp các nước trong vùng tự bảo vệ tốt hơn để bảo đảm mức lưu thông tự do của hàng hải trong vùng biển Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Việt Nam vẫn chưa có thái độ dứt khoát vì còn chịu áp lực mạnh từ Trung Quốc. Ấn Độ thì dứt khoát chỉ muốn hợp tác khi cần. Riêng có Singapore, một đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ đang sẵn sàng kế hoạch đón tàu chiến Hoa Kỳ hoạt động trong vùng Tây Thái Bình Dương. Singapore đang nghiên cứu một dự án của Canada giúp thiết lập một cơ sở hậu cần giống như Canada đã làm tại Kuwait và Jamaica để trở thành một hải cảng quân sự quan trọng. Chuyến đi vừa qua của bộ trưởng quốc phòng Mỹ có thể trở thành một điểm son trong chính sách ngoại giao của tổng thống Obama. Trong cuộc vận động cho nhiệm kỳ hai, tổng thống Obama sẽ dùng thành quả của chính sách ngoại giao để lấn át đối thủ là cựu thống đốc Mitt Romney. Chiến lược trở lại Á Châu sẽ diễn tiến nhanh chậm thế nào chắc còn tùy thuộc vào kết quả cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay tại Hoa Kỳ. Nếu tổng thống Obama tái đắc cử và không muốn cắt các chương trình an sinh xã hội, quốc hội đa số thuộc đảng cộng hoà sẽ khó lòng ngăn mức cắt giảm 600 tỉ mỹ kim ngân sách quốc phòng trong 10 năm tới. Tuy nhiên, nếu ông Romney đắc cử, nhiều chương trình an sinh xã hội sẽ bị cắt và ngân sách quốc phòng có thể được duy trì để có được một quân đội hùng mạnh nhất thế giới như lời ông hứa với cử tri.
ML: Xin anh cho biết tình hình thế giới trong tuần qua có gì đáng chú ý ?
TS: Mỗi năm vào ngày mùng 4 tháng 6, nhà cầm quyền Bắc Kinh lại tìm đủ mọi cách cấm người dân nhắc đến cuộc tàn sát sinh viên tại quãng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Chỉ số thị trường chứng khoán tại Thượng hải bắt đầu bằng số 2346.89 ý chỉ 23 năm sau ngày 4 tháng 6 năm 89, và Composite Index giảm đúng vào số 4.89. Vào lúc thị trường chứng khoán chấm dứt trong ngày, sau hàng chữ Shanghai Composite Index là hàng loạt những từ người dân bị cấm truy cập. Hình thức vượt qua sự kiểm soát của thành phần dân chủ tại Trung Quốc thật đáng khen. Tại Bắc Kinh, tổng thống Nga Vladimir Putin xác quyết quan hệ quân sự với Trung Quốc và gia tăng mức thương mại giữa hai nước lên đến 100 tỉ mỹ kim vào năm 2015. Tại Washington, tổng thống Phi Benigno Aquino đã được tổng thống Obama tiếp đón, nhưng Hoa Kỳ không tuyên bố mạnh mẽ sẽ bảo vệ Phi nếu có chiến tranh với Trung Quốc như đối với Đài Loan nếu bị Trung Quốc xâm lăng. Trong khi đó Nga và Trung Quốc đang giúp Iran chuẩn bị cho cuộc đàm phán về vũ khí hạt nhân vòng 3 với các nước tây phương trong hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc cùng với Đức tại Moscow.
ML: Vì thời gian có hạn, xin chấm dứt phần Thời Sự Trong Tuần nơi đây và hẹn gặp lại anh trong tuần tới.

No comments:

Post a Comment