Lời dẫn: Đáp ứng lời yêu cầu của một số thính giả, từ nay tiết mục Lá thư Úc châu sẽ trình bày những nét đại cương về các tiểu bang của nước Úc và thủ phủ của các tiểu bang này. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả Lá thư Úc châu của Bửu Sơn giới thiệu vài nét về tiểu bang New South Wales và thủ phủ Sydney qua sự trình bày của Bạch Mai để tiếp nối chương trình tối hôm nay.
Vài nét về lịch sử và địa lý tiểu bang New South Wales, nước Úc Đại Lợi
Theo thống kê năm 2010, New South Wales là tiểu bang có 4 triệu 500 ngàn cư dân, được xem là tiểu bang đông dân nhất của nước Úc. New South Wales nằm ở phía Đông Nam lục địa Úc. Nam giáp Victoria, Bắc giáp Queensland, Tây giáp South Australia còn Đông hướng ra biển Tasman.
Dân cư của New South Wales được gọi là New South Welshman hoặc Cornstalk (tiếng lóng). Sydney là thành phố lớn nhất và cũng là thủ phủ của tiểu bang này.
Địa danh "New South Wales" không có nguồn gốc rõ rệt. Tên này có thể khai sanh để kỷ niệm vùng South Wales ở Anh hay cũng có thể là để chỉ định một xứ Wales mới ở vùng Nam bán cầu.
Trong nhật ký hải trình khi đi khảo sát bờ biển phía đông của lục địa Úc, Phó đô đốc James Cook đặt tên bờ biển phía đông của Úc là "New Wales", sau đó sửa lại trong nhật ký hải trình thành "New South Wales".
Những cư dân nguyên gốc của vùng New South Wales này là những bộ lạc Thổ dân sinh sống khoảng 40 ngàn năm trước. Captain Cook phát hiện vùng đất này trong chuyến hành trình dọc theo bờ biển phía đông của Úc vào năm 1770.
Ngày 26 tháng Giêng năm 1788, cách đây 224 năm, thuyền trưởng Arthur Phillip dẫn đầu 11 chiếc thuyền buồm, xuất phát từ Anh quốc, đã cập vào vùng đất mà ngày nay có tên là Sydney Cove, chính thức cho công cuộc khai phá và thành lập quốc gia Úc Đại Lợi.
Đoàn thuyền buồm đầu tiên này được dân Úc gọi là "The First Fleet", mang theo 759 tù nhân Anh, trong đó có 191 tù nhân nữ, 13 trẻ em, cùng với 211 thủy thủ và 46 thành viên trong gia đình của thủy thủ đoàn và 9 nhân vật trong nhóm chỉ huy.
Nhóm người đầu tiên này đã đặt chân tại vùng đất phía nam của hải cảng Sydney Harbour Bridge ngày nay, bắt đầu cho việc khai phá tiểu bang đầu tiên mang tên New South Wales. Thuyền trưởng Arthur Phillip, sau đó đã trở thành Thống đốc của tiểu bang và ông đã chọn ngày 26 tháng Giêng hàng năm làm ngày kỷ niệm thành lập tiểu bang New South Wales.
Vì giá trị lịch sử của sự kiện này, vào năm 1946, chính phủ liên bang và chính phủ các tiểu bang cùng đồng ý chọn ngày 26 tháng Giêng hàng năm làm ngày Quốc Khánh cho cả nước Úc, chính thức đặt tên cho ngày này là "Australia Day".
Hiện nay, mỗi tiểu bang có một chính quyền dân cử, đứng đầu là Thủ hiến. Cuộc bầu cử quốc hội Tiểu bang New South Wales đã diễn ra vào Thứ Bảy 26 tháng 3 năm 2011 và ông Barry O'Farrell trở thành thủ hiến của tiểu bang này.
Vài nét về Sydney, thủ phủ của tiểu bang New South Wales
Sydney tọa lạc trên một vùng đồng bằng trầm tích ven biển giữa Thái Bình Dương về phía Đông, và dãy núi Blue Mountains về phía Tây. Thành phố Sydney có vịnh Botany là vịnh biển tự nhiên lớn nhất thế giới. Còn có hải cảng Jackson, và hơn 70 vùng vịnh và bãi biển, bao gồm cả bãi biển Bondi nổi tiếng.
Khu vực nội thành của Sydney có diện tích 1687 km² giống như Luân Đôn mở rộng. Khu vực đô thị là 12.145 km², một phần lớn của khu vực này là công viên quốc gia và các vùng đất chưa bị đô thị hóa.
Khí hậu
Sydney có khí hậu cận nhiệt đới với mùa hè ấm áp và mùa đông mát mẻ, có lượng mưa trải đều trong năm. Thời tiết ôn hòa ở gần vùng biển, và nhiệt độ khắc nghiệt hơn tại các vùng phía Tây nằm sâu trong lục địa.
Giáo dục
Sydney là nơi có một vài trường đại học nổi tiếng nhất nước. Đại học Sydney, thành lập vào năm 1850 là trường đại học đầu tiên trên nước Úc. Và Sydney có 5 trường đại học, 4 trường Cao đẳng Kỹ thuật và 919 trường Trung học và Tiểu học.
Chính quyền
Theo lịch sử, Sydney được quản lý bởi Cumberland County (1945-1964), nay không còn nữa, những công việc địa phương được điều hành bởi Hội Đồng Thành Phố (City Council), do cư dân bầu. Đứng đầu Hội Đồng này là Thị Trưởng, chịu trách nhiệm với chính quyền của tiểu bang. Hiện nay Sydney có 38 Hội Đồng Thành Phố.
Người Việt sống tập trung nhiều nhất tại 3 vùng: vùng Cabramatta, thuộc Hội Đồng Thành Phố Fairfield, nơi này được xem là thủ phủ của người Việt tại Úc. Kế đến là Bankstown, nơi đặt tượng đài thuyền nhân, trung tâm phố xá được chính quyền đổi tên thành Sài Gòn Plaza. Sau cùng là vùng Marrickville gần trung tâm thành phố Sydney.
Vì vậy, trong những lần biểu tình chống cộng sản Việt Nam tại Sydney thường có từ 2 ngàn đến 10 ngàn đồng bào tham dự, nên Sydney được xem là thành trì chống cộng tại Úc. Ông Nguyễn Văn Thanh hiện đang là Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tiểu bang này.
Về những sự việc mới xảy ra:
*Thứ nhất:
Tiền Úc hiện đang giảm đến mức thấp nhất trong vòng 5 tháng vừa qua, hối suất chỉ còn 98.4 xu so với 1 mỹ kim. Các nhà bình luận về kinh tế tiên đoán hối suất đồng Úc kim có thể giảm xuống còn 84 xu so với 1 mỹ kim vào cuối năm 2012. Đây là tin vui cho giới nông gia nhưng là tin buồn cho giới nhập cảng và những người sắp đi du lịch nước ngoài.
*Thứ hai:
Liên hiệp Nghiệp đoàn Công nhân (ACTU) yêu cầu Ủy ban Giao tế Kỹ nghệ (FWA) chấp thuận tăng lương $19. 40 Úc kim cho 1 triệu 400 ngàn công nhân viên làm việc tại hãng xưởng và các cơ sở thương mại. Việc tăng lương này, nếu được, sẽ bắt đầu từ ngày 1/7/2012.
Thứ Ba:
Ngày 2 tháng 7 năm 1976, tức là chỉ 14 tháng sau ngày xâm chiếm miền Nam, chế độ cộng sản phế bỏ tên Sài Gòn. Năm nay, để đánh dấu 36 năm Sài Gòn mất tên, Phong Trào Quốc Dân đòi trả tên Sài Gòn chọn ngày 2 tháng 7 hàng năm là NGÀY SÀI GÒN. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, đại diện cho Phong trào gửi thông báo mời đồng bào đến đền thờ Quốc Tổ tại Melbourne vào lúc 1 giờ chiều ngày Chủ Nhật 1/7/2012 để ông trình bày về sự việc này./.
Vì thời gian có hạn Bạch Mai xin hẹn gặp quý thính giả trong tiết mục "Lá thư Úc châu" lần tới. Thân ái kính chào tạm biệt.
No comments:
Post a Comment