Wednesday, June 13, 2012

Tin Tức thứ Tư ngày 13.06.2012


Nông dân khiếu kiện Văn Giang không gặp được đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hưng Yên

Sáng sớm thứ ba 12 tháng 6, khoảng 300 nông dân Văn Giang đã đến Văn Phòng Quốc Hội tại 35 Ngô Quyền, Hà Nội để xin gặp đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hưng Yên, nhưng ban Dân Nguyện Quốc Hội cho biết nông dân không được gặp đại biểu Quốc Hội.

Không ít lâu sau công an, cảnh sát 113, cảnh sát giao thông được điều động đến rất đông. Khoảng 9 giờ 30 sáng, công an đã bắt 24 nông dân lên xe búyt, đưa đến trung tâm Phục Hồi Nhân Phẩm Lộc Hà từng là nơi bắt giữ những người yêu nước biểu tình chống Trung Quốc xâm lăng vào năm ngoái. Ông Lê Văn Dũng, một nông dân khiếu kiện từ xã Xuân Quang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cho biết dân oan đã gửi thư đến đại biểu quốc hội từ tuần trước. Khi thấy thư không được nhận, dân oan nóng ruột kéo đến văn phòng Quốc Hội để khiếu nại việc thu hồi đất không theo đúng qui định pháp luật. Vào lúc 7 giờ tối, 24 nông dân bị bắt sáng nay đã được thả ra.

Việt Nam sắp gửi dân qua giúp việc nhà cho Ả-rập Xê-út

Tờ Sharq Daily loan tin Việt Nam đã đồng ý xuất cảnh lao động người Việt qua làm việc nhà cho các gia đình Ả-Rập Xê-út sau khi nước này đồng ý những điều kiện mướn người. Hiện nay Ả-Rập Xê-út phải quay sang Việt Nam và Cam Bốt để tìm người giúp việc nhà sau khi Nam Dương và Phi Luật Tân cấm người dân của họ qua Ả-Rập Xê-út làm nô bộc vì thường bị chủ nhân đối xử tàn nhẫn. Những cuộc thương thảo vài tháng qua giữa Ả-rập Xê-út và hai nước cung cấp người giúp việc nhiều nhất trong bao năm nay là Nam Dương và Phi Luật Tân đã bế tắc. Hai nước này đòi Ả-rập Xê-út phải bảo vệ môi trường làm việc cho dân nước họ, và người giúp việc phải được trả mức lương cao hơn cộng thêm các quyền lợi an sinh căn bản khác. Được biết Việt Nam và Cam Bốt đòi Ả-rập Xê-út cho người giúp việc nhà có được ít nhất 8 giờ nghỉ ngơi mỗi ngày, được bảo hiểm sức khoẻ, được trả mức lương hợp lý, và tiền lương được chuyển trực tiếp vào ngân hàng. Hiện nay có hơn 2 triệu người giúp việc cho các gia đình tại Ả-Rập Xê-út mà phần lớn là người Á Châu.

Hãng tàu dầu Iran kiếm được loại bảo hiểm 1 tỉ mỹ kim cho dù bị cấm vận

Quan chức NITC, hãng tàu chở dầu lớn nhất tại Iran cho biết đã mua được bảo hiểm cho tàu chở dầu đến các nước Á Châu cho dù hết mua được bảo hiểm từ Âu Châu kể từ khi bị cấm vận vào năm ngoái. Công ty NITC đã mua được bảo hiểm 1 tỉ mỹ kim từ tổ hợp P&I gồm những khách hàng của chủ tàu được thành lập để bảo hiểm các công ty vận chuyển, thương tích cá nhân hoặc bảo vệ môi trường mà khoảng chi phí rất cao so với loại bảo hiểm thông thường. Quan chức NITC cho biết vẫn tiếp tục bán dầu thô từ Iran đến Á Châu cho dù một số nước cho hay đã cắt giảm nhiều số lượng dầu mua từ Iran. Một quan chức của hãng lọc dầu Sinopec mới cho biết sẽ mua ít đi 1/5 số lượng dầu Iran trong năm nay. Vào thứ hai vừa qua, chính quyền Tokyo đã nộp giấy tờ bảo hiểm cho tàu chở dầu Iran đến Nhật lên tới 7 tỉ 600 triệu mỹ kim trong trường hợp tàu dầu gặp nạn trên đường tới Nhật. Chính quyền Obama đang muốn cắt khoảng tiền bán dầu của Iran để buộc nhà cầm quyền Tehran ngưng chương trình chế vũ khí nguyên tử. Vào hôm thứ ba, thứ trưởng hải quân Iran Abbas Zamini loan tin Iran đang dự tính chế tầu ngầm nguyên tử. Lời tuyên bố này chứng tỏ Iran sẽ lấy cớ tiếp tục tinh luyện uranium vào mục đích khác thay vì nhận dùng để chế vũ khí.

Khoảng 50 ngàn người Nga biểu tình chống Putin

Hôm thứ ba, phóng viên quốc tế cho biết khoảng 50 ngàn người Nga đã tuần hành trên các con đường tại trung tâm thành phố Moscow để biểu dương lực lượng phản kháng chống chính quyền Putin cho dù một số lãnh tụ đối lập bị công an đến tận nhà dằn mặt vào hôm trước. Cuộc biểu tình này chứng tỏ người dân Nga không khiếp sợ sắc luật chống biểu tình mà tổng thống Putin ký vào tuần trước nhằm triệt hạ làn sóng chống đối ông ta. Được biết, ban tổ chức biểu tình đã xin giấy phép, và cuộc xuống đường được tổ chức chặt chẽ, không gây bạo động như cuộc biểu tình vào trước ngày nhậm chức tổng thống của ông Putin. Tổng thống Putin nhìn nhận hiện nay có nhiều ý kiến về tình hình và tương lai của Nga. Ông cho rằng các cuộc tranh luận rất cần thiết trong một nước dân chủ. Được biết, phân nửa ngân quỹ của Nga đến từ nguồn dầu thô nhưng giá dầu lại đang giảm. Nhiều chương trình cải tổ mà tổng thống Putin hứa với cử tri sẽ khó lòng thực hiện được trong lúc mức lạm phát gia tăng gây khó khăn cho hàng triệu người trong giới lao động. Ông Vladimir Kirillin, một công nhân tham gia cuộc biểu tình cho rằng ông Putin không bao giờ chịu đối thoại. Người Nga muốn đất nước tiến bộ thì phải xuống đường nêu nguyện vọng và kiếm lãnh tụ khác thay thế.

No comments:

Post a Comment