Thursday, May 31, 2012

Chuyện nước Đức và một tổng thống phải từ chức


Thứ Năm ngày 31.05.2012     

Lời dẫn: Tại Việt Nam dân càng khốn khổ, cán bộ càng tham nhũng thì địa vị của Hùng, Dũng, Sang , Trọng càng bền vững vì điều 4 hiến pháp chống lưng cho đảng CSVN đứng trên và ngoài hiến pháp và luật pháp. Khi so sánh với một nền dân chủ pháp trị chân chính như Đức Quốc thì người Việt Nam nào cũng phải nhục nhã ngậm ngùi. Mời quý thính giả nghe bài bình luận với tựa đề Chuyện nước Đức và một tổng thống phải từ chức của Dương Thạch qua giọng đọc của Song Thập.
Từ cuối năm 2011, suốt hai tháng truyền thông Đức dồn dập đưa tin về những vấn đề của Tổng thống đương nhiệm Christian Wullf.
Dư luận bàn tán xôn xao, các hãng thăm dò ý kiến liên tục phỏng vấn thăm dò ý kiến quần chúng. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Đức gặp phải những vấn đề khá "nhạy cảm" khi bị báo chí phanh phui một số việc mà đúng ra một Tổng thống không nên làm.

Qua sáng 17-2-2012, trước báo chí trong lâu đài Bellevue (dinh tổng thống), ông Christian Wulff tuyên bố từ chức tổng thống.
Cơn bão tố xẩy đến trong cuộc đời chính trị của Christian Wullf cuối năm 2011 khi báo chí phanh phui ông có "vấn đề".
Sau khi báo chí loan tin vụ ông Wulff vay tiền, dân chúng Đức tuy phê phán nghiêm khắc việc này nhưng không đòi hỏi ông Wulff phải từ chức. Giới đối lập cũng rất thận trọng và không công kích nặng nề nhưng đòi hỏi ông Wulff cần chấm dứt xì căng đan này bằng cách minh bạch hóa mọi chuyện. Thế nhưng sau vụ vay tiền báo chí tiếp tục phanh phui thêm nhiều vụ "nhạy cảm" khác trong khi ông Wulff tiếp tục phạm nhiều lỗi lầm, ông đã không minh bạch hóa mọi chuyện mà thường chống chế cho đến khi không làm khác được nữa thì mới thừa nhận.
Về chuyện vay tiền này của ông Wulff, một số người Việt ở Đức nghĩ rằng ông Wulff là người đáng thương hại vì ông ta trong sạch không có đủ tiền mua nhà mới phải đi vay, như vậy có gì đâu mà lên án ông ta, họ cho rằng phe tả cố ý chống phá ông Wulff, thậm chí có người còn kêu gọi bày tỏ cảm tình và ủng hộ ông Wulff nữa. Những nhận định này hoàn toàn sai lầm, có lẽ do thiếu thông tin. Thật ra ông Wulff đã có một đời vợ trước vốn là bạn thời sinh viên, ly dị năm 2006. Luật Đức bảo vệ phụ nữ nên các ông chồng khi ly dị thường rất tốn kém, ông Wulff cũng không thoát khỏi hoàn cảnh này.
Sau đây là những yếu tố chính khiến Tổng thống Đức Christian Wulff bị cáo buộc, chỉ trích và cuối cùng phải từ chức:
* Ông Wulff đã không nói thật khi trả lời câu chất vấn của đảng Xanh trong nghị viện tiểu bang Niedersachen.
* Ông Wulff đã thiếu trung thực khi tuyên bố lãi suất giống như ngoài thị truờng. Nếu ông Wulff phải trả lãi suất như giá thị trường thì chẳng có ai chỉ trích ông được. Sự thực lãi suất mà ông được hưởng thấp hơn ngoài thị trường. * Ông Wulff đã tìm cách ngăn cản báo Bild trong việc loan tin. Đây là một lỗi lầm trầm trọng nhất của ông Wulff. Hiệp hội Nhà báo Đức đã lên tiếng chỉ trích kịch liệt. Quyền tự do báo chí là một quyền căn bản được ghi trong Hiến pháp Đức, không ai được xâm phạm.
* Ông Wulff có thể đã vi phạm Luật Bộ trưởng, nhận ưu đãi lợi lộc (lãi suất thấp, chi phí khách sạn, nghỉ hè miễn phí...) hay cấp ưu đãi bổng lộc trong lúc làm Thống đốc
Trong những tuyên bố đầu tiên, ông Wulff nói ông đã làm lỗi lầm nhưng không vi phạm luật pháp. Điều này có thể đúng, nhưng không vi phạm luật pháp chưa đủ, vì chức Tổng thống là chức vụ cao nhất của nước Đức và là đại diện của 80 triệu dân Đức, do đó Tổng thống phải là người có trách nhiệm, có đạo đức để làm gương cho dân chúng và cần được dân chúng kính trọng.
Tại Đức, Tổng thống, thành viên trong nội các và các dân biểu liên bang hay tiểu bang được hưởng quyền bất khả xâm phạm (quyền miễn tố) nhưng luật không bảo vệ họ trước các truy tố đòi bồi thường theo luật dân sự. Luật này chỉ nhằm mục đích đảm bảo khả năng làm việc của Quốc hội. Quyền miễn tố sẽ đương nhiên chấm dứt khi những người này mãn nhiệm.
Sau một năm rưỡi ở chức vụ Tổng thống Đức, Christian Wulff đã phải từ chức và quyền miễn tố của ông cũng chấm dứt, như thế công tố viện có thể tiến hành điều tra về sự vi phạm Luật Bộ trưởng.
Rút ra bài học gì trong sự kiện này?
- Christian Wulff khi từ chức, mặc dù chịu áp lực nặng nề của dư luận, vẫn chứng tỏ ông còn tư cách và lòng tự trọng. Giả thử ông cứ cố đấm ăn xôi không từ chức, khi công tố viện điều tra xong, hoặc không khởi tố hoặc đưa ra tòa nhưng tòa xử trắng án thì ông vẫn là Tổng thống. Ở một nước nhược tiểu hay toàn trị khó có chuyện tổng thống từ chức này.
- Quyền tự do báo chí là một quyền căn bản và cao quý trong một quốc gia dân chủ thực sự. Báo chí có quyền điều tra, phê bình chỉ trích ngay cả tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng, tướng tá đương nhiệm. Vì thế ở những nước thực sự có dân chủ, báo chí cũng hay được gọi là "quyền thứ tư" sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong một nước độc tài toàn trị chỉ có báo chí "lề phải", nếu có một xì căng đan như báo chí và Tổng thống Đức Christian Wulff thì có lẽ báo bị đóng cửa, nhà báo đã bị tống vào tù, thậm chí còn bị giết.
- Trong một nhà nước dân chủ pháp trị như CHLB Đức, nền tư pháp hoàn toàn độc lập, không bị chính quyền, nhà nước chi phối, gây áp lực. Tư pháp được quyền điều tra các quan chức trong chính quyền nếu họ bị nghi ngờ vi phạm luật pháp. Trong các nước độc tài toàn trị cũng có viện này viện nọ tòa này tòa kia nhưng tư pháp chỉ để trưng bày cho đẹp, còn viện này tòa nọ khi xử lý cứ phải chờ "chỉ đạo" của thủ tướng, của bộ trưởng, của cấp trên, và bản án đã được định trước từ bao giờ.
Đau lòng khi trông người mà nghĩ đến ta!
Dương Thạch

No comments:

Post a Comment