Ngày 10.05.2012
Lời dẫn: Cách đây chỉ mới vài ba tháng, cả 60 triệu dân Miến Điện còn đang nghẹt thở dưới chế độ độc tài. Bỗng dưng, từ đầu năm 2012, như một phép lạ, không khí chính trị ở đó thay đổi hẳn. Rồi, bây giờ, người ta chủ trương cho dân chúng được quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài Bình Luận của Nguyễn Hưng Quốc với tựa đề: "Nhìn Miến Điện, nghĩ về Việt Nam" qua sự trình bày của Song Thập để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Tôi có một người bạn mới đi du lịch ở Miến Điện về. Từ ngày về hưu, anh đi khá nhiều nước thuộc châu Á, từ Việt Nam đến Lào, Cam Bốt, Thái Lan, Mã Lai, Hàn Quốc, Trung Quốc và gần đây nhất là Miến Điện. Trong tất cả các nước ấy, anh đặc biệt thích và hết lời khen ngợi Miến Điện.
Khen Miến Điện qua 3 điểm chính:
-Thứ nhất là các ngôi chùa, theo anh, tuyệt đẹp.
-Thứ hai là người dân, phần lớn thật thà, chất phác và hiếu khách.
-Và cuối cùng, là những thay đổi đang diễn ra với một tốc độ rất nhanh trong xã hội. Nhanh đến độ mọi người, ngay cả du khách, cũng cảm nhận được tốc độ của những sự thay đổi ấy. Ở Miến Điện một tuần, những ngày sau cùng đã thấy khác hẳn những ngày trước đó.
Anh nói: Từ Miến Điện về lại Việt Nam, tự nhiên mình thấy buồn.
Hỏi lý do, anh đáp: Thật ra, về kinh tế cũng như xã hội, Việt Nam khá hơn Miến Điện nhiều. Nhưng trong khi ở Miến Điện, mình thấy được sự vận động, và có hy vọng. Ở Việt Nam, ngược lại, chỉ thấy sự ngưng trệ và đầy bế tắc.
Cách đây chỉ mới vài ba tháng, cả 60 triệu dân Miến Điện còn đang nghẹt thở dưới chế độ độc tài. Bỗng dưng, từ đầu năm 2012, như một phép lạ, không khí chính trị ở đó thay đổi hẳn. Chính phủ công khai nhìn nhận số nợ nần họ phải gánh chịu (11 tỉ Mỹ kim). Rồi người ta tổ chức bầu cử. Chưa hết. Còn cho phép đảng đối lập của bà Suu Kyi vốn bị trấn áp cả chục năm nay, được phép tham gia cuộc tranh cử. Cũng chưa hết. Người ta còn cho phép các tổ chức nhân quyền của Liên Hiệp Quốc đến quan sát cuộc bầu cử ấy. Rồi người ta mời Bộ trưởng ngoại giao Mỹ, bà Hillary Clinton đến thăm. Rồi, bây giờ, người ta chủ trương cho dân chúng được quyền tự do ngôn luận.
Tại sao?
Tại kinh tế, sau mấy chục năm bị cấm vận, đã kiệt quệ rồi ư? Đó chỉ là một phần. Với những tên độc tài, nợ nần quốc gia hay sự cùng khổ của dân chúng, thật ra, ít khi là vấn đề. Dân chúng cùng khổ thì dân chúng ráng chịu. Nợ nần bây giờ trả không xong thì con cháu sẽ trả. Kiểu lập luận như thế, chúng ta rất dễ dàng nghe thấy đây đó, kể cả ở Việt Nam.
Tại các tên độc tài sợ hãi khi chứng kiến các cuộc cách mạng bùng nổ ở châu Phi và Trung Đông mà kết quả là cái chết thảm khốc của các bạo chúa từng có thời thét ra lửa ư? Có thể. Nhưng không phải ai cũng có thể phản ứng một cách hòa dịu và khôn ngoan như vậy trước các nỗi sợ hãi.
Lý do chính, theo nhiều nhà bình luận quốc tế, nằm ở một số cá nhân. Cụ thể là hai cá nhân: một người thức thời và một người dũng cảm.
Người dũng cảm chính là bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo không biết mệt mỏi trong cuộc tranh đấu cho dân chủ tại Miến Điện trong suốt mấy chục năm qua. Trong dáng dấp nhỏ nhắn và dáng điệu từ tốn, hiền lành, bà có một sức chịu đựng và một nghị lực phi thường. Bà chấp nhận tù tội, chấp nhận nguy hiểm, chấp nhận sống một cách cô đơn – đến độ không thể về Anh được lúc chồng hấp hối - để tiếp tục tranh đấu. Bây giờ dường như sự tranh đấu của bà đã bắt đầu có kết quả.
Tuy nhiên, kết quả đó khó đến được lúc này nếu không có một kẻ cầm quyền thức thời: tướng Thein Sein, người mới lên thay thế tướng Than Shwe trong vai trò Tổng thống vào tháng 3 năm 2011. Khác với người tiền nhiệm vừa độc tài vừa tàn bạo, khăng khăng bám víu quyền lực một cách mù quáng, bất chấp dân chúng cũng như cả dân tộc, Thein Sein biết lắng nghe người khác, biết không thể sử dụng bàn tay sắt để kìm kẹp dân chúng được nữa. Ông quyết định thay đổi. Và khi đã quyết định, ông thực hiện các quyết định ấy một cách nhanh chóng và quyết liệt.
Nhưng không ít người băn khoăn: Liệu nhiệt tình và tâm huyết của họ có thể thành hiện thực?
Băn khoăn như vậy vì nhiều lý do, trong đó, lý do này là đáng kể nhất: Cả Thein Sein và Suu Kyi đều đã 66 tuổi và đều có sức khoẻ khá yếu. Thein Sein thì bị bệnh tim; Suu Kyi thì, sau mấy chục năm gian khổ, dường như đã yếu đi rất nhiều. Có lúc bà có vẻ như không chịu đựng được nữa. Nếu một trong hai người có vấn đề gì thì tương lai đất nước Miến Điện sẽ đi về đâu?
Qua các cuộc cách mạng ở Syria, Ai Cập, Yemen, Libya... vào năm ngoái, người ta đã nhận ra mấy đặc điểm nổi bật của các cuộc cách mạng thời đương đại, ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21:
- Thứ nhất, vai trò cực kỳ quan trọng của các phương tiện truyền thông xã hội. - Thứ hai, của những con người bình thường, vô danh.
- Và thứ ba, đáng kể hơn hết, sự vắng mặt của các lý thuyết gia và các nhà lãnh đạo.
Tuy vậy, cũng không thể phủ nhận vai trò của cá nhân đối với các biển chuyển của lịch sử. Các lý thuyết gia cộng sản trước đây đều đề cao vai trò của quần chúng và hạ thấp đến độ hầu như phủ nhận hoàn toàn vai trò của cá nhân. Nhưng trong thực tế, tất cả các cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, lúc bắt đầu cũng như lúc kết thúc, đều gắn liền với hình ảnh của các cá nhân.
Ở đây, việc đề cao tuyệt đối hay phủ nhận tuyệt đối vai trò của cá nhân rõ ràng là không đúng. Trường hợp của Thein Sein và Suy Kyi là như vậy.
Hiện nay, giới quan sát chính trị thế giới không phải chỉ theo dõi các phát ngôn cũng như các chính sách của họ mà còn theo dõi, với rất nhiều lo âu, cả từng cơn ho hay hơi thở mệt nhọc của họ nữa./.
Nguyễn Hưng Quốc
No comments:
Post a Comment