3 tín đồ Công giáo bị bắt về tội 'chống phá chính quyền'
Việt Nam bắt giam 3 người dân tộc thiểu số theo đạo Cơ đốc giáo ở vùng cao nguyên trung phần, cáo buộc họ 'hoạt động chống phá nhà nước'.
Tin AFP ngày 9/5 cho hay 3 người tên là Runh, Byưk, và Jơnh ở tỉnh Gia Lai bị khởi tố về tội 'phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc', theo điều 87 Bộ luật Hình sự. Báo chí trong nước nói họ là thành viên thuộc tổ chức ly khai có võ trang FULRO .
FULRO tức Mặt trận Thống Nhất Giải phóng các Sắc tộc bị Áp bức được thành lập vào những năm 1950 là tổ chức chính trị đấu tranh đòi thành lập một nhà nước độc lập cho các bộ tộc của người thiểu số ở cao nguyên trung phần. Tổ chức này được Mỹ ủng hộ trong cuộc chiến tranh Việt Nam trước khi chính thức giải tán vào đầu thập niên 90.
Báo Công an Nhân dân tố cáo 3 người bị bắt cộng tác với Kok Ksor, một sáng lập viên của FULRO hiện đang sống lưu vong ở Mỹ.
Việt Nam cáo giác những người này đã kích động đòi độc lập sau vụ bất ổn tại khu vực hồi năm 2001 và cho biết công an đã thu giữ được một số võ khí tự chế trong đó có cung nỏ và giáo mác mà theo chính quyền là được sử dụng để chống lại lực lượng thi hành công vụ.
Người Thượng trong nhiều năm nay phản đối việc chính quyền tịch thu đất đai và đàn áp quyền tự do tín ngưỡng của họ. Từ năm 2001 tới 2004, có khoảng hai ngàn người Thượng bỏ trốn sang đất Miên sau khi nhà cầm quyền Việt Nam đàn áp tàn nhẫn các vụ biểu tình của người Thượng ở Tây Nguyên
Cộng sản VN đang nhức nhối vì tệ nạn tham nhũng
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ 5 khai mạc hôm 7 tháng 5 vừa qua tại Hà Nội và sẽ kết thúc vào ngày 15 tháng 5.
Trọng tâm của hội nghị lần này được cho biết nhắm đến các việc sửa hiến pháp, giải quyết khiếu kiện đất đai và chiến dịch chống tham nhũng, lãng phí. Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì đây là những vấn đề nhức nhối, bất cập, mâu thuẫn khiến người dân bức xúc.
Đề cập đến chính sách đất đai, ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng đây là một lãnh vực rộng lớn, phức tạp, nhạy cảm, việc sử dụng đất đai còn lãng phí hiệu quả thấp, tệ nạn tham nhũng chưa bị đẩy lùi, các quy định về đất đai còn chồng chéo, việc quản lý của cơ quan nhà nước còn nhiều yếu kém.
Qua trao đổi với RFA, luật sư Hà Huy Sơn, Trưởng Văn Phòng Luật Hà Sơn tại Hà Nội nói lên quan điểm của ông về phương cách làm sao chấm dứt những vụ chiếm đoạt đất đai, tài sản, vẫn kéo dài lâu nay ở Việt Nam:
"Những bất cập về đất đai hiện nay là do chưa có sự công nhận quyền sở hữu của tư nhân về đất đai. Như các kiến nghị trước đây của tôi, để không xảy ra những vụ như Tiên Lãng, Văn Giang hay Vụ Bản, Nam Định, hoặc nhiều vụ thu hồi đất khác, thì pháp luật về đất đai của Việt Nam nên sửa đổi, nhà nước cần công nhận quyền tư hữu đất đai của người dân và coi đất đai như một thứ hàng hóa, vận hành theo cơ chế thị trường như các loại hàng hóa khác."
Kế đó, dân oan Lê Thị Kim Thu, ở Đồng Nai, 24 năm đi khiếu kiện từ địa phương tới trung ương, bị ngồi tù 18 tháng tại trại giam Ninh Bình, nói lên nỗi oan ức của những người dân oan đòi quyền sống:
"Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, đến nay đã 37 năm rồi, ở Việt Nam không còn những vụ nhỏ bé về tranh chấp đất đai nữa mà toàn những vụ lớn, liên quan đến các quan lớn, làm cách nào để giải quyết 'thấu tình, đạt lý'. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, phải xem xét lại vấn đề, trả lại tài sản cho dân oan. Người dân mất tiền, mất của, họ có thể chịu đựng được, chứ không thể chịu được oan ức.
Nhà cầm quyền chỉ đưa ra những lời mị dân thôi. Dân oan không sợ chết, đối với công an họ không còn sợ hãi nữa, cho dù có chết, họ vẫn đấu tranh tìm con đường sống."
Luật sư Hà Huy Sơn nói lên cảm nghĩ của ông vì sao công tác chống tham nhũng, lãng phí vẫn yếu kém, chiếu lệ, chưa dẹp bỏ hẳn được:
"Vấn đề gốc rễ của quốc nạn tham nhũng tại Việt Nam, theo tôi, chính là sự thiếu dân chủ và thiếu minh bạch trong các hoạt động của nhà nước."
Phát hiện các thi thể gần xác máy bay Nga lâm nạn ở Indonesia
Nhân viên cứu nạn Indonesia cho biết đã phát hiện các thi thể gần xác chiếc máy bay Nga đâm xuống sườn núi ở phía nam thủ đô Jakarta trong chuyến bay biểu diễn.
Giới chức cho biết công tác này vẫn tiếp tục, nhưng cho rằng, ít có cơ may tìm thấy người sống sót.
Tổng thống Indonesia, Susilo Bambang Yudhoyono nói, chiếc máy bay gặp nạn được định vị hôm nay tại một sườn núi dốc thuộc Mount Salak, một núi lửa đã ngưng hoạt động nằm ở miền nam thủ đô.
Thân nhân của các nạn nhân đợi chờ tại một sân bay ở Jakarta khóc khi nghe tin vị trí máy bay lâm nạn.
Thoạt đầu, thời tiết xấu đã cản trở công tác tìm kiếm chiếc máy bay, cất cánh từ sân bay Halim ở Jakarta, sau 2 giờ chiều địa phương hôm thứ Tư.
Đông Nam Á lo ngại làm Trung quốc bực tức về hiệp định Biển Đông
Vụ tranh chấp bộc phát giữa Trung Quốc và Philippines về một hòn đảo đã làm cho tình hình căng thẳng trở lại quanh vùng biển Đông. Vụ tranh chấp cũng nêu ra thời hạn chót vào tháng Bảy để phải có một qui tắc hành xử chung tại vùng biển giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Hôm qua truyền thông Trung Quốc loan tin hầu hết các cơ sở du lịch của Trung Quốc đã ngưng đưa người du lịch đến Philippines và nhà cầm quyền công bố một cảnh báo về an ninh cho các công dân của họ ở Philippines vì có thể sẽ có những vụ biểu tình chống Trung Quốc vào cuối tuần này.
Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi, hôm thứ Năm đòi hỏi Philippines phải bảo đảm an toàn cho các công dân Trung quốc.
Ông cho biết, bên phía Philippines đã khuyến khích người dân cả trong và ngoài nước tổ chức biểu tình chống Trung Quốc. Điều này đã gây lo ngại và phản ứng mạnh từ phía nhân dân Trung Quốc. Ông nói nhà chức trách phải có những biện pháp hữu hiệu để bảo đảm an toàn cho các kiều dân của Trung Quốc tại Philippines.
Người ta lo ngại về chuyện có thể xảy ra đụng độ lớn khi Hoa Kỳ ủng hộ đồng minh Philippines, với con số các vụ bán vũ khí gia tăng.
Để làm dịu bớt căng thẳng, Hiệp Hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã đưa ra một thời hạn chót là tháng Bảy để đạt được một hiệp định, Thái Lan trở thành nước điều phối giữa ASEAN – Trung Quốc. Những quốc gia khác của ASEAN là Miến Điện, Indonesia, Lào và Singapore.
Hơn 55 người thiệt mạng trong vụ đánh bom hai lần tại một địa điểm ở Syria
Sau vụ nổ bom ở Syria nhắm vào đoàn xe trong đó có các quan sát viên Liên Hiệp Quốc đã khiến Liên Hiệp Quốc cũng như Hoa Kỳ lên án.
Hôm qua, giới hữu trách Syria cho biết một vụ đánh bom tự sát 2 lần tại một địa điểm ở Damascus đã làm ít nhất 55 người thiệt mạng và 370 người bị thương, khiến cho vụ này là vụ tấn công đẫm máu nhất ở Syria kể từ khi cuộc nổi dậy của phe đối lập bắt đầu diễn ra cách đây 14 tháng.
Giới truyền thông Syria cho hay 2 kẻ đánh bom xe tự sát mang theo 1.000 kg chất nổ đã kích nổ trong hai vụ liên tiếp ở quận Qazaz ở thủ đô trong giờ đi làm buổi sáng ngày hôm qua.
Các vụ nổ đã gây nên cảnh tượng kinh hoàng với xe cộ bị cháy đen và thi thể người chết nằm la liệt trên đường phố.
Chính phủ đã qui trách nhiệm cho "các phần tử khủng bố" đằng sau vụ nổi dậy chống lại Tổng thống Bashar al-Assad.
Hiện chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về những vụ nổ này. Đặc sứ quốc tế Kofi Annan, người giám sát các quan sát viên Liên Hiệp Quốc, đã gọi 2 vụ đánh bom này là "ghê rợn."
Liên Hiệp Quốc cho biết có hơn 9.000 người thiệt mạng trong vụ bạo động có liên quan đến cuộc nổi dậy chống chính phủ bắt đầu nổ ra từ tháng Ba năm 2011.
Lễ kỷ niệm Ngày Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 18 tại Quốc hội Hoa Kỳ
Buổi lễ được tổ chức tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ từ 10:30 sáng tới 2 giờ chiều ngày 10/5 (giờ thủ đô Washington DC) kêu gọi sự chú ý của công luận quốc tế về tình hình nhân quyền đang xuống cấp trầm trọng tại Việt Nam, đồng thời đánh dấu 18 năm Ngày Nhân Quyền cho Việt Nam.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, cho đài VOA biết:
"Vấn đề chính chúng tôi nhấn mạnh năm nay là tình trạng nhân quyền tại Việt Nam đã không được cải thiện mà còn tồi tệ hơn.
Thứ nhất, chúng tôi đòi hỏi chính phủ Mỹ không phát triển bang giao với Việt Nam.
Thứ hai, yêu cầu chánh phủ Mỹ đòi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam phải thả hết tất cả các tù nhân chính trị đang bị giam giữ bất hợp pháp.
Thứ ba, chúng tôi yêu cầu các vị dân biểu, thượng nghị sĩ Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ, và các tổ chức nhân quyền quốc tế có mặt tại buổi lễ Nhân quyền hôm nay ủng hộ cho công cuộc tranh đấu vì nhân quyền tại Việt Nam."
Bà Sanchez cũng kêu gọi cử tri người Mỹ gốc Việt vận động các dân cử đại diện của mình thúc đẩy cho các đạo luật về nhân quyền Việt Nam được thông qua./.
No comments:
Post a Comment