Thứ Hai ngày 28.05.2012
Lời dẫn: Một chế độ độc tài thống trị qua một guồng máy công an tàn ác vô pháp, vô thiên, ức hiếp dân lành. Kẻ sĩ Việt Nam, từ lâu đã có truyền thống hào hùng trừ gian diệt bạo. Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm tuy bị CSVN tàn sát trong quá khứ, nhưng hào khí và gương sáng của họ sẽ soi đường cho thế hệ mai sau. Ngày giới trẻ và sĩ phu Việt Nam đứng lên khơi dậy bầu nhiệt huyết của họ, sẽ đánh dấu giai đoạn cáo chung của cường quyền CSVN. Mời quý thính giả đón nghe bài bình luận của Ngô Nhân Dụng qua giọng đọc của Vân Khanh.
Chuyện chỉ có thể xảy ra tại Việt Nam. Một đám công an ở Nha Trang đánh đá, tra tấn một phụ nữ làm công. Chỉ vì bà này bị người chủ nhân giàu có nghi ngờ và tố cáo bà lấy trộm tiền.
Nạn nhân là bà Trần Thị Lan bị "đánh đá bằng cả tay chân, bằng dùi cui và cả bằng roi điện suốt ba ngày, mang thương tích khắp người," phải điều trị hàng tuần lễ trong bệnh viện.
Trong thế giới văn minh cảnh sát công an không phải là những người quyết định ai có tội hay không có tội. Vì phán xét này thuộc thẩm quyền của tòa án, là ngành tư pháp. Trong thế giới văn minh nếu có một người bị kết tội ăn cắp thì cũng chỉ bị phạt tù hay phạt tiền; không ai "trừng phạt" một người ăn trộm món tiền trị giá "hơn một ngàn đô la" bằng dùi cui, roi điện. Mà nếu có ai bị tòa kết án thì việc trừng phạt không phải là nhiệm vụ của công an. Ðánh đấm người ta đến bầm tím là hành động của côn đồ, du đãng, người có tư cách không ai làm. Năm thằng đàn ông xúm lại đánh đấm một phụ nữ tay không là hành vi hèn hạ đáng xấu hổ. Ðám công an Nha Trang này vừa vi phạm luật pháp, vừa làm trái với đạo lý sơ đẳng của loài người, vừa làm cho chính họ nhục nhã.
Với tất cả các thành tích như thế, đại úy công an Trần Bá Tuấn vừa được tòa phúc thẩm tha bổng, xóa bỏ bản án 9 tháng tù treo.
Chuyện này chỉ có thể xảy ra dưới chế độ cộng sản. Bởi vì chế độ cộng sản từ bản chất vẫn công nhiên trà đạp trên các nguyên tắc sơ đẳng của pháp luật, vẫn quen thói bất chấp đạo lý làm người. Chắc Ðại úy Trần Bá Tuấn và đám công an Nha Trang cũng không nghĩ là họ phạm pháp. Họ chỉ làm theo thói quen, như lối các lãnh tụ cộng sản vẫn làm kể từ khi cướp chính quyền ở nước ta. Thái độ và hành vi "bất chấp pháp luật" đã được Hồ Chí Minh, Trường Chinh đặt thành khuôn mẫu ngay từ thời họ phát động Cải cách Ruộng đất, dưới sự chỉ đạo của các cố vấn Trung Cộng. Vụ cướp ruộng, cướp nhà "long trời lở đất" này đã giết oan hàng trăm ngàn người dân Việt Nam, trong đó có những người đã đóng góp rất nhiều cho cuộc kháng chiến chống Pháp.
Sau thời gian xảy ra vụ này, những nhà trí thức Việt Nam đã cảnh cáo tình trạng bất chấp pháp luật của chế độ cộng sản. Sớm nhất, là trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm với các ông Phan Khôi, Nguyễn Hữu Ðang, và Giáo Sư Nguyễn Mạnh Tường. Ngày 30 tháng 10 năm 1956, sau khi Trường Chinh ra trước Mặt Trận Tổ Quốc thú nhận các lỗi lầm về chiến dịch Cải cách Ruộng đất, Luật gia Nguyễn Mạnh Tường đã dõng dạc nêu lên các nguyên tắc của luật pháp để cho ông tổng bí thư đảng cộng sản nghe một bài học. Ông nói: "Khi thi hành chính sách này (Cải cách Ruộng đất) người ta đã vi phạm luật pháp." Vì đảng cộng sản chủ trương "thà giết chết oan 10 người còn hơn bỏ sót một địa chủ," trong khi nguyên tắc của pháp lý là "thà bỏ sót 10 người có tội còn hơn là kết tội oan một người". Nguyễn Mạnh Tường đã dũng cảm phê phán các lãnh tụ đảng lúc đó: "Những người lãnh đạo có trách nhiệm vụ Cải cách Ruộng đất không thể chỉ đứng ra xin lỗi, nhận đảng đã sai lầm. Xin lỗi không phải là một hành động của luật pháp. Giết người rồi, không thể chỉ xin lỗi mà xí xóa được." Với tư cách một luật gia (ông đã có hai bằng tiến sĩ, luật và văn chương ở Pháp từ năm 1932, lúc 22 tuổi) Nguyễn Mạnh Tường đề nghị phương pháp giải quyết: Quốc Hội phải lập một ủy ban điều tra vụ Cải cách Ruộng đất, rồi đưa ra tòa án; "(T)òa sẽ phân xử, kết án, tùy theo trách nhiệm nặng, nhẹ của mỗi người, từ lãnh đạo cao nhất trở xuống."
Nhà nghiên cứu văn học Thụy Khuê, trong cuốn sách mới xuất bản về vụ Nhân Văn Giai Phẩm đã tinh tế nhận xét rằng các lời lẽ "Giết người rồi, không thể chỉ xin lỗi mà xí xóa được" và "từ lãnh đạo cao nhất trở xuống" đã tấn công thẳng vào Hồ Chí Minh cũng như toàn bộ lãnh đạo đảng cộng sản. Vì sau vụ Cải cách Ruộng đất, Hồ Chí Minh chỉ đứng ra xin lỗi. Không một lãnh tụ cộng sản nào chịu trách nhiệm pháp lý trong vụ Cải cách Ruộng đất cả! Họ đã tạo ra thói quen "ngồi lên trên pháp luật" làm gương cho các cán bộ, như đại úy công an Trần Bá Tuấn ở Nha Trang bây giờ!
Phong trào Nhân Văn Giai Phẩm quy tụ những người trí thức can đảm nhất ở miền Bắc Việt Nam trong thời đại của họ.
Lê Ðạt đã dùng những câu thơ để lên án chế độ độc tài chuyên chế: "Ðem bục công an máy móc đặt giữa tim người - Bắt tình cảm ngược xuôi theo đúng luật đi đường nhà nước!" Ngày nay không thấy người cầm bút nào trong quân đội bầy tỏ được sĩ khí rực rỡ như vậy.
Ngày nay không phải chỉ trong giới viết văn làm báo mà ngay cả giới thanh niên ở Việt Nam đa số vẫn cúi đầu khúm núm đi "theo lề đường" do đảng cộng sản chỉ định. Một vụ Ðoàn Văn Vươn đã đưa tới những vụ Văn Giang, Vụ Bản, dấy lên ở khắp các vùng nông thôn đau khổ. Nhưng thanh niên thành phố còn mê man đi ôm hôn ghế ngồi của các ca sĩ thần tượng ngoại quốc!
Thanh niên Việt Nam ngày nay cần đọc lại những vần thơ như Lê Ðạt viết. Ông diễn tả khát vọng của tuổi trẻ thời 1955, lời thơ nay đọc lại vẫn còn làm náo nức lòng người: "Phải quét sạch mây đen / cho khung trời rộng mở - Chặt hết gông xiềng / cho những cánh bay lên - Ngày và đêm / mộng bay đầy cuộc sống - Khát vọng theo khát vọng - Không gì ngăn cản được con người!" Khi đọc lại câu chuyện cuộc tranh đấu "trứng chọi đá" của giới trí thức Việt Nam trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, chúng ta hãnh diện làm người Việt Nam. Nhìn lại những tấm gương của họ, chúng ta thấy còn hy vọng. Bầu máu nóng của các nhà tranh đấu dân chủ ngày nay đang sôi lên để tiếp nối chí khí bất khuất của Phan Khôi, Trần Dần, Nguyễn Hữu Ðang. Họ cho phép chúng ta hy vọng hào khí dân tộc sẽ còn sáng mãi.
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment