Sunday, May 13, 2012

PHÁP TRỊ VÀ PHÁP CHẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA


Thứ Bảy ngày 12.05.2012     

Lời dẫn: Chế độ cộng sản chỉ có luật rừng, nhưng chính luật rừng này sẽ gây ra tai họa cho các cấp lãnh đạo nếu họ không mau chóng thay đổi thành một chế độ dân chủ pháp trị chân chính. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài Bình Luận của Đà Giang với tựa đề "Pháp trị và pháp chế xã hội chủ nghĩa"qua sự trình bày của Vân Khanh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Cuộc khủng hoảng và thanh trừng giới lãnh đạo tại Trung Quốc cho thấy, khía cạnh quan trọng của tiến trình dân chủ hoá tại các nước cộng sản trên thế giới. Quan trọng là vì yếu tính pháp trị của một nền dân chủ chân chính sẽ đem lại sự ổn định lâu bền, bảo vệ hữu hiệu tài sản và danh dự cũng như sinh mệnh cho mọi hữu thể pháp lý, trong đó có giới lãnh đạo cộng sản.

Ông Bạc Hy Lai, nguyên là một ủy viên Bộ chính trị cai trị tỉnh Trùng Khánh với gần 30 triệu dân. Trong vị trí cao như vậy, mà chỉ cần qua một đêm là họ Bạc có thể tán gia bại sản, tiền đồ tiêu tan, trước khi có bất cứ một toà án chí công vô tư nào xét xử.
Hiện tượng này chỉ xảy ra ở những nước theo pháp chế xã hội chủ nghĩa, mà không hề xảy ra trong một nền dân chủ pháp trị.
Vào ngày 27 tháng 4 vừa qua, người dân sinh sống trong các chế độ pháp trị trên thế giới vô cùng ngạc nhiên, khi được biết qua tin tức từ tờ New York Times, về các sự kiện đằng sau cuộc thanh trừng ông Bạc Hy Lai như sau:
1. Đảng CSTQ có một quốc sách, là đặt máy nghe lén và thu băng tất cả các điện thoại cá nhân cũng như tập thể, mà họ nghi ngờ là có tư tưởng đối kháng.
2. Điều ngạc nhiên và buồn cười, là chính quyền tỉnh của ông Bạc Hy Lai lại còn cả gan áp dụng tập tục phổ thông này, để nghe lén điện thoại của ông chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào.
3. Nguồn tin từ bên trong cho biết, việc các cấp lãnh đạo CSTQ thu thập tin tức và nghe lén điện thoại nhau, để canh chừng và đấu đá lẫn nhau là điều rất phổ thông.
Ngạc nhiên hơn nữa, là điều 40 của hiến pháp Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc (CHNDTQ) ghi rõ:
"Tự do trao đổi quan hệ và sự riêng tư của các trao đổi này của công dân nước CHNDTQ được luật pháp bảo vệ. Không một tập thể hay cá nhân nào, vì bất cứ lý do gì, có thể vi phạm quyền tự do và sự riêng tư này. Trừ các trường hợp vì nhu cầu an ninh quốc gia hay nhu cầu điều tra các tội hình sự, an ninh công cộng, hoặc các cơ quan công tố được cho phép cấm đoán quan hệ theo đúng thủ tục do luật pháp quy định."
Tại Mỹ và Úc, hiến pháp không đề cập đến quyền riêng tư của công dân một cách long trọng như trong hiến pháp Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ có Sắc luật về Sự Riêng tư các Quan hệ Điện tử (Electronic Communications Privacy Act). Việc nghe lén hay thu băng lén các cuộc điện đàm riêng tư của người khác, là một tội hình luật.
Tại Úc, có Sắc luật về Sự Riêng tư (Privacy Act, 1988), Sắc luật về Thu thập và Nghe Thông tin Điện thoại (Telecommunications Interception & Access Act, 1979), với mục tiêu chế tài các hành vi phạm pháp.
Tương tự ngay vào thời điểm này tại Anh Quốc, tập đoàn báo chí News Limited của ông trùm báo chí, Rupert Murdoch đang khủng hoảng, và bị cảnh sát điều tra cũng như bị quốc hội hạch hỏi, vì những nghi ngờ vi phạm luật về sự riêng tư.
Điều mà dân chúng ở các quốc gia tự do không hiểu, là tại sao hiến pháp quy định rõ như vậy mà chính quyền các cấp coi không ra gì? Nhưng nếu họ biết thêm về pháp chế xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì sẽ càng ngạc nhiên.
Chẳng hạn, hiến pháp CHXHCNVN năm 1992, điều 73 ghi rõ:
"Thư tín, điện thoại, điện tín của công dân, được bảo đảm an toàn và bí mật."
Thế nhưng trên thực tế, các máy điện toán và điện thoại của người dân thường xuyên bị công an tịch thu, mà không cần án lệnh xét xử của bất cứ một toà án nào. Điện thoại quan hệ với thân nhân, bạn bè của công dân sinh sống tại hải ngoại cũng đều bị công an nghe lén. Người dân còn bị công an cảnh cáo, là không được tiếp tục liên hệ với các thành phần chống phá nhà nước.
Khi Việt kiều về nước thì bị khám xét vô cùng khắc khe. Nếu họ bị chụp hình trong lúc tham gia các cuộc biểu tình, sinh hoạt cộng đồng hải ngoại, hay bị nghi ngờ là có liên hệ đến các nhân vật đối kháng thì họ sẽ bị công an tịch thu điện thoại, máy điện toán và không cho phép nhập cảnh. Trong trường hợp nặng hơn thì bị giam giữ vô thời hạn.
Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, là ví dụ điển hình cho các tội vu khống vô căn cứ dưới sự cai trị của chế độ độc tài này.
Vụ án Bạc Hy Lai đã gây chấn động trong nội bộ đảng CSTQ, không phải vì họ lo sợ quần chúng mất niềm tin nơi chế độ, bởi các chế độ độc tài không cần niềm tin của quần chúng để cai trị. Họ chỉ cần làm cho dân chúng sợ hãi đến mức độ không dám công khai phản kháng là đủ. Họ biết là quần chúng không tin vào khả năng và đức độ của giới cầm quyền. Và họ cũng biết là quần chúng nghĩ, đằng sau vụ án này là hiện tượng đấu đá và tranh giành quyền lực giữa các lãnh tụ.
Nhưng điều họ sợ hãi nhất, là ngay cả nếu địa vị của họ có ngang hàng hay cao hơn địa vị của ông Bạc Hy Lai đi nữa, thì tài sản, danh dự của chính họ và con cháu họ cũng vô cùng bấp bênh dưới pháp chế xã hội chủ nghĩa. Các giới lãnh đạo đều biết rõ PCXHCN chỉ là những xảo ngữ, nhằm tô hồng cho luật rừng xanh mà trong đó chỉ có kẻ mạnh hiếp kẻ yếu mà thôi!
Từ những suy tư này, các thành phần cao cấp trong đảng CSTQ và các đại gia thượng lưu xã hội, bắt đầu mơ ước được sống trong một nền dân chủ pháp trị chân chính.
Sự phản tỉnh nội tâm của các giới lãnh đạo không phải vì lý tưởng dân chủ, mà chỉ vì quyền lợi cá nhân. Đây chính là động lực chính để dân chủ hoá TQ. Từ lâu họ đã ý thức chân lý này, nên ngay cả ông Bạc Hy Lai đã cho con trai mình du học tại Harvard, cũng là cơ hội thuận tiện cho việc di tản tài sản sang các nước tây phương, để tương lai họ được đảm bảo, đã là một truyền thống trong giới lãnh đạo CSTQ và CSVN.
Khi chính cả giới lãnh đạo cũng kinh hoàng trước tính luật rừng của Pháp chế Xã hội Chủ nghĩa, thì quy luật tự nhiên là chế độ cộng sản phải bị triệt tiêu.
Đà Giang
28/4/2012

No comments:

Post a Comment