Saturday, May 26, 2012

Có thể vượt qua Trung Quốc


Thứ Ba ngày 22.05.2012     

Lời dẫn: Việt Nam có thể chạy đua với Trung Quốc hay không? Có nhiều yếu tố cho thấy Việt Nam có khả năng đạt được mục tiêu đó. Với điều kiện chính quyền không ngăn cản tiềm năng phát triển của người dân, đặc biệt là các thanh niên sắp vào đời và các nhà kinh doanh tư nhân. Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài Bình Luận của Ngô Nhân Dụng với tựa đề: "Có thể vượt qua Trung Quốc" qua sự trình bày của Song Thập để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Trước hết, nếu giả thiết Việt Nam và Trung Quốc cùng theo một tốc độ phát triển, thì trong một thế hệ nữa chắc chắn kinh tế nước ta sẽ bắt đầu vượt qua họ, nhờ một yếu tố hiển nhiên: Người Trung Quốc ngày càng già hơn. Tức là số người Trung Quốc làm việc sẽ ít đi; số người "nghỉ hưu" sẽ tăng lên. Hiện nay cứ 100 người Trung Hoa thì có 72 người đang trong tuổi làm việc; đến năm 2050, sẽ chỉ còn 61 người trong hoạt động sản xuất. Giống như cứ 7 người đang làm việc họ sẽ mất 1 người.

Một nguyên nhân gây ra tình trạng là người ăn vẫn đông mà người làm thì bớt đi vì chính sách một con thi hành từ lâu. Nhưng còn một lý do khác là phụ nữ bớt sinh đẻ.
Ưu thế của Việt Nam là dân số trẻ hơn Trung Quốc; số người trong tuổi làm việc tiếp tục tăng lên trong khi Trung Quốc giảm đi. Lực lượng lao động rẻ tiền ở Trung Quốc đang cạn dần, các công nhân tranh đấu đòi hỏi tăng lương 20% một năm. Vì thế, hiện nay nhiều công ty quốc tế như Nike đã bỏ Trung Quốc sang nước ta mở nhà máy lắp ráp, để tiếp tục được trả lương rất thấp.
Tất nhiên, người Việt Nam không thể nào cứ tiếp tục chạy sau Trung Quốc; họ bỏ rớt cái gì thì mình lượm! Chúng ta không thể cứ theo đuôi bắt chước họ, đem bán rẻ sức lực người lao động nước mình. Muốn chạy đua với Trung Quốc, nước ta phải tìm cách "đi bước trước!" Chúng ta có thể nhìn thấy cuộc cách mạng công nghiệp sắp tới tạo cơ hội cho các ngành hoạt động kinh tế mà chính Trung Quốc cũng chưa đặt chân vào.
Trung Quốc đã chiếm ưu thế so với nước ta là vì họ đã bắt đầu làm ăn theo lối Mỹ từ năm 1978, trong lúc Việt Nam vẫn còn coi Liên Xô là khuôn mẫu để học tập. Nhưng từ khi cải cách kinh tế, Trung Quốc vẫn chỉ dựa trên nền kinh tế thế giới cũ, thiên về sản xuất, nhất là sản xuất hàng loạt, dùng số lớn để hàng được giá rẻ. Chính nền kinh tế cũ đó, bắt đầu từ thế kỷ 19, 20, hiện nay đang dần dần biến đổi. Sẽ đến ngày sản xuất hàng loạt không phải là sức mạnh nữa, vì không đem lại nhiều lợi lộc nhất. Kinh tế thế giới sẽ được địa phương hóa nhiều hơn, người tiêu thụ sẽ đòi hỏi được mua những thứ hàng thích hợp với cá tính của họ hơn; và họ sẵn sàng trả giá đắt hơn để nhu cầu này được thỏa mãn. Những nhà kinh doanh nào sớm bước chân vào các lãnh vực đó thì sẽ qua mặt các người kinh doanh khác.
Một đặc điểm của cuộc cách mạng công nghiệp mới dựa trên tin học và Internet là những xí nghiệp nhỏ và trung bình cũng có hy vọng thành công, không thua gì các đại công ty lâu đời. Những công ty nhỏ không đòi hỏi số vốn cao, không đòi hỏi phải mua máy móc đắt tiền, lúc khởi sự cũng không cần đông người làm việc. Tất cả các công ty tin học và Internet lớn nhất bây giờ đều mới ra đời trong mấy chục năm qua, trong khi các đại công ty cùng ngành tin học cứ đứng tại chỗ, trố mắt nhìn "bọn trẻ" qua mặt mình.
Tại Trung Quốc người ta chưa tạo được môi trường để sinh ra các hoạt động kinh doanh mạo hiểm và kích thích sáng kiến, phát minh như vậy. Bao nhiêu tài năng của giới trẻ bị lãng phí, bao nhiêu người có sẵn tiền để góp vốn nhưng không có cơ hội đầu tư, chỉ biết "khoe của" bằng việc xài sang, xây nhà, mua xe, mua cả máy bay để phô trương.
Ở Việt Nam cũng vậy. Nhưng chúng ta có thể thay đổi. Phải thay đổi mới hy vọng vượt qua Trung Quốc. Nếu một chính quyền Việt Nam trả tự do cho thanh niên có cơ hội học hỏi, nền giáo dục được mở rộng cho tư nhân đóng góp, cạnh tranh với nhau, thì giới chuyên viên nước ta, chỉ trong vòng mười đến hai chục năm, sẽ gia tăng không thua gì Sinpapore hay Hàn Quốc.
Nếu có một chính quyền ở Việt Nam trả tự do cho các doanh nhân thi đua khả năng mà không lo bị ai ăn cướp, ăn chặn, ăn hớt, đòi hối lộ, thì cũng chỉ cần 5 đến 10 năm nước ta sẽ có những người biết góp vốn cho những cuộc đầu tư mạo hiểm. Người ta chỉ dám mạo hiểm kiểu đó khi biết chắc rằng được đối xử công bằng theo luật lệ của cải được luật pháp bảo vệ.
Việt Nam có thể chạy đua và qua mặt Trung Quốc nếu nước ta đi bước trước, chỉ cần một bước mà thôi. Ðó là bước cải tổ chính trị. Ông Ôn Gia Bảo, thủ tướng Trung Quốc đang hô hào nước ông cải tổ chính trị, nhấn mạnh rằng nếu không thay đổi chính trị thì kinh tế sẽ bế tắc.
Nước ta không cần nghe ai cả, hãy cứ theo lời khuyên của ông Ôn Gia Bảo. Nếu Việt Nam cải tổ chính trị sớm hơn Trung Quốc được 5, 10 năm thì chúng ta sẽ tạo được cơ hội cho kinh tế phát triển mạnh hơn, sẽ qua mặt Trung Quốc, bởi vì họ sẽ lâm vào bế tắc.
Chính quyền Trung Quốc chuyển hướng sang việc tiêu thụ trong nước. Nhưng số hàng bán lẻ trong Tháng Tư chỉ tăng thêm 14%, tỷ lệ gia tăng thấp nhất kể từ đầu năm 2009 là dấu hiệu chứng tỏ "mô hình kinh tế Trung Quốc" đã sử dụng hết sức khả năng của nó; và sức sống đang cạn dần.
Cho nên, nước Việt Nam có cơ hội với triển vọng qua mặt Trung Quốc về kinh tế, nếu nước ta cải tổ sớm hơn. Việc cần làm ngay bây giờ là cải tổ giáo dục để huấn luyện các chuyên gia và các nhà kinh doanh trẻ.
Khi xã hội công bằng hơn, luật lệ minh bạch và thi hành nghiêm chỉnh, khi người dân được làm ăn tự do hơn thì kinh tế phải phát triển tốt đẹp. Nếu không biết thay đổi sớm thì nước ta lại tiếp tục cảnh "theo đuôi" con voi Trung Quốc, chờ nó nhả miếng bã mía nào ra mà hít lấy! Người Việt Nam chẳng lẽ chịu nhục như vậy hay sao?/.

No comments:

Post a Comment