Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bật đèn xanh cho các tỉnh thành quyết liệt cưỡng chế
Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Khắc Hào, cáo buộc rằng, trong vụ đàn áp và để cưỡng chế đất trong vụ Văn Giang "có những video clip giả để vu khống, bôi nhọ chính quyền."
Lời cáo buộc này đưa ra tại "Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo" vào hôm 2 tháng 5, 2012 do ông Nguyễn Tấn Dũng chủ tọa "với sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành của 63 tỉnh, thành."
Ông Nguyễn Khắc Hào, đổ tội vạ cho sự chống đối của các gia đình nông dân bị nhà nước cướp mất sản nghiệp, là bị "những người lợi dụng dân chủ, móc nối với những phần tử tiêu cực, bất mãn, phản động trong nước và nước ngoài, cố tình chống phá chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước."
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhở cả nước hiện còn hơn 528 vụ khiếu kiện tập thể và kéo dài là "mầm mống mất ổn định."
Huỳnh Phong Tranh, phó thanh tra chính phủ nhìn nhận rằng, "Nguyên nhân khiếu nại, tố cáo chủ yếu là do chính sách bồi thường cho người bị thu hồi đất còn bất cập, chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường với giá trị trường hoặc giá nhà đầu tư bán. Nhiều cán bộ lợi dụng, tham nhũng, tiêu cực nhưng không bị xử lý nghiêm minh."
"Chỉ đạo" giải quyết 528 vụ khiếu kiện tập thể và kéo dài vẫn còn đang diễn ra, ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu quan điểm "phải tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa."
Nói như vậy, không khác nào ông thủ tướng bật đèn xanh cho các tỉnh thành quyết liệt cưỡng chế không cần dư luận. Tức là tiếp tục cướp đoạt tài sản của những nông dân thấp cổ bé miệng để biến thành cơ ngơi của những tên tư bản đỏ.
Công an tiếp tục giam giữ nhà báo Hoàng Khương
Nhà báo Nguyễn Văn Khương (bút danh Hoàng Khương) tiếp tục bị Công an thành phố tạm giam thêm ba tháng với lý do chưa có kết luận điều tra.
Phóng viên của báo Tuổi Trẻ này đã bị khởi tố, bắt giam bốn tháng từ ngày 2-1-2012 về hành vi đưa hối lộ.
Ban đầu, Công an nói sẽ đưa ra kết luận điều tra vào cuối tháng Ba. Nhưng nay, họ nói còn phải chờ việc trưng cầu giám định giọng nói trong các file ghi âm đã thu giữ tại nhà ông Khương.
Ngày 28/11 năm ngoái, Công an TP. HCM gửi văn bản cho Cục Báo chí - Bộ Thông tin - Truyền thông và tổng biên tập báo Tuổi Trẻ đề nghị "kiểm điểm và thu hồi thẻ nhà báo của phóng viên Nguyễn Văn Khương".
Liền sau đó, báo Tuổi Trẻ ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với phóng viên Hoàng Khương, một việc bị một số người chỉ trích là tạo ra ấn tượng "buông xuôi, bỏ mặc" phóng viên của mình.
Nhưng một thời gian sau, vào ngày 9/2/2012, trong một cuộc gặp gỡ giữa Công an Thành phố và báo chí, ông Lê Xuân Trung, tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, đã có cuộc đối thoại được xem là "cứng rắn" với Thiếu tướng Phan Anh Minh, phó giám đốc Công an điều tra.
Từ cuộc gặp này, dường như ban biên tập Tuổi Trẻ điều chỉnh thái độ, vận động mạnh hơn cho phóng viên từng được xem là đi đầu trong tờ báo về phóng sự điều tra.
Trước đây, phóng viên Không Biên Giới (RSF) tại Pháp đã yêu cầu "Nhà chức trách nên trả tự do ngay cho ông vì lợi ích công chúng".
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhìn nhận thất bại trong việc chống tham nhũng
Ngay sau cuộc tiếp xúc cử tri TP.HCM chiều 2-5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã dành cho phóng viên Quốc Thanh báo Tuổi Trẻ cuộc trao đổi riêng.
Một trong những nội dung nóng bỏng được cử tri nêu nhiều ý kiến là việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 (khóa XI, 2010 - 2015) - "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" có đạt kết quả như mong đợi hay không? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời: "Nhìn chung những kết quả đạt được là chưa đạt yêu cầu".
Quốc Thanh hỏi: Có một sự thật tồn tại lâu nay cần được nhìn rõ, nhìn đến tận cùng, đó là sự thật che giấu những sự thật về tiêu cực, tham nhũng... ông chủ tịch nghĩ sao?
Ông Sang trả lời: "Việc che giấu có nhiều lý do. Có thể do "bệnh thành tích", tức là thành tích giả nhưng muốn biến thành thành tích thật nên phải báo cáo láo, hoặc thành tích của người khác nhưng nói đó là thành tích của mình... Nhưng điều nghiêm trọng hơn là vấn đề lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, có khi làm lệch lạc về chủ trương, chính sách, nên hết sức nguy hiểm".
Ông Sang nói tiếp: "Chống tham nhũng, lãng phí... thực chất cũng là xây dựng Đảng. Hai vấn đề này đều có mối quan hệ biện chứng với nhau. Chẳng hạn như nếu cuối nhiệm kỳ này, trung ương công bố rằng việc thực hiện nghị quyết trung ương 4 thật tốt, nhưng tham nhũng, lãng phí không giảm là không thành công. Chắc chắn là như thế. Hay nói rõ hơn, nếu như trung ương lãnh đạo chống tham nhũng, lãng phí trong nhiệm kỳ không làm giảm đi, không đẩy lùi được thì cũng có nghĩa nghị quyết trung ương 4 không thành công. Nếu không muốn nói là thất bại".
Việt Nam đón xem "sao băng" vào rạng sáng 6/5
Vào ngày 6/5 tới, những người yêu thích thiên văn có thể xem một phần của trận "sao băng" có tên Eta Aquarids sẽ diễn ra trên bầu trời phía Đông.
Theo anh Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Câu lạc bộ Thiên văn học trẻ Việt Nam, mưa "sao băng" Eta Aquarids có trung tâm là chòm sao Aquarius (còn gọi là Bảo Bình). Đây là trận mưa sao băng nhỏ, với lượng sao băng ở thời gian cực điểm chỉ khoảng 10 vệt một giờ.
Cùng với ảnh hưởng của mặt trăng (thời điểm diễn ra mưa "sao bang" vào 16/4 Âm lịch), việc quan sát hiện tượng này không được trọn vẹn, nhưng người quan sát vẫn có thể thấy một số "sao bang" sáng nhất của trận mưa "sao bang" này.
Theo anh Sơn, thời tiết đầu mùa hè khá lý tưởng cho việc quan sát bầu trời. Đặc biệt tại các khu vực và địa phương có mức độ ô nhiễm khí quyển nhỏ, bầu trời về đêm những ngày này khá trong và người quan sát có thể nhìn rõ các chòm sao nổi bật trên nền trời.
Thời điểm tốt nhất để có thể quan sát sao bang là khoảng từ 4-5 giờ sáng ngày 6/5 (tức rạng sáng ngày Chủ Nhật tới). Tại thời điểm này, Mặt Trăng đã xuống rất thấp không gây nhiều ảnh hưởng tới khu vực quanh chòm sao Aquarius.
Nhà bất đồng chính kiến Trần Quang Thành muốn rời khỏi Trung Quốc
Luật sư tranh đấu Trần Quang Thành bày tỏ sự nghi ngờ về hiệu lực của một thỏa thuận bảo đảm an toàn cho ông ở Trung Quốc, và nói rằng sau khi rời khỏi Tòa Ðại Sứ Mỹ ở Bắc Kinh, ông có thể không còn giải pháp nào khác hơn là sang Mỹ.
Ông bị thương vào ngày 22 tháng 4, trong khi thực hiện vụ vượt thoát ly kỳ khỏi lệnh quản thúc tại gia.
Ông Thành rời tòa đại sứ và đi đến một bệnh viện ở Bắc Kinh cùng với Ðại Sứ Mỹ Gary Locke vào trưa ngày Thứ Tư. Tuy nhiên, sau đó ông bị công an chìm Trung Quốc vây chặt mà không có nhà ngoại giao Mỹ nào bên cạnh.
Ông nói với hãng tin AP của Mỹ rằng, ông muốn rời khỏi Trung Quốc cùng với gia đình bởi vì ông lo sợ cho mạng sống của họ và sau đó ông đã gọi điện thoại cám ơn bà Ngoại trưởng Hillary Clinton đã giúp đỡ ông.
Hôm qua, ông Thành cáo buộc nhà cầm quyền Trung Quốc ngăn chặn các giới chức Hoa Kỳ tiếp xúc với ông tại một bệnh viện ở Bắc Kinh.
Trung Quốc đã kêu gọi Hoa Kỳ đừng "làm công chúng hiểu lầm" về trường hợp này.
Nước Anh chuẩn bị an ninh trước Thế Vận Hội Luân Đôn
Giới hữu trách Luân Đôn đã mở cuộc tổng thao dượt quân sự lần cuối để duyệt xét về mặt an ninh cho Thế Vận Hội 2012, trong lúc các đợt thử nghiệm tại địa điểm tranh tài cũng đang diễn ra.
Các phi cơ phản lực chiến đấu loại Typhoon của Không Quân Hoàng Gia Anh bay vào bầu trời thủ đô để khởi sự cuộc thao dượt mệnh danh "Exercise Olympic Guardian," dự trù sẽ kéo dài trong chín ngày, nhằm trắc nghiệm khả năng đối phó với cuộc tấn công có thể xảy ra từ trên không trong thời gian có Thế Vận Hội.
Các phi cơ trực thăng quân sự cũng được bố trí quanh thủ đô, kể cả một số từ tàu đổ bộ tấn công HMS Ocean đậu trên sông Thames, cùng các trực thăng khác dùng để chở các toán bắn tỉa.
Chiến đấu cơ Typhoons sẽ xuất phát từ căn cứ không quân RAF Northolt ở phía Tây Luân Đôn, đây là lần đầu tiên nơi đây có phi cơ chiến đấu kể từ Đệ Nhị Thế Chíên.
Phi cơ trinh sát điện tử và phi cơ tiếp tế nhiên liệu trên không cũng tham gia cuộc thực tập này.
"Tuy không có mối đe dọa đặc biệt nào cho Thế Vận Hội, nhưng chúng tôi phải sẵn sàng đáp ứng và bảo đảm an toàn," theo lời Bộ Trưởng Quốc Phòng Philip Hammond.
Quan sát viên Liên Hiệp Quốc chứng kiến một nước Syria điêu tàn
Hôm thứ Năm các quan sát viên Liên Hiệp Quốc đi thăm những thành phố Homs và Hama bị bắn phá tan hoang và nhận thấy rằng sau hơn một năm giao tranh giữa chính phủ và phe đối lập không những chỉ gây ra những tổn hại nặng nề về nhân mạng, vật chất mà còn về tâm lý nữa.
Ông Robert Mood, người đứng đầu phái bộ Liên Hiệp Quốc tại Syria, sau khi đi thăm một vòng những đường phố với nhiều tòa nhà bị cháy, nói chứng kiến sự thống khổ của người dân Syria khiến ông phải lên tiếng rằng: "Người dân Syria thực sự đáng được có một cơ hội và chúng ta vẫn còn có cơ hội tốt để phá vỡ cuộc bạo động ngày càng tăng, để chuyển hóa nó thành tốt đẹp".
Trong khi có mặt tại Hama, một thành lũy của phe nổi dậy chống Tổng thống Bashar al-Assad, vị tướng người Na Uy nói toán của ông đang đạt được kết quả trong nỗ lực giúp thực thi cuộc ngưng bắn đang có cơ suy thoái giữa các lực lượng chính phủ và phe nổi dậy.
Thị trấn Ar Rastan nằm về phía nam thành phố Hama, một trung tâm khác chống đối ông Assad. Mạn bắc của thị trấn là một đỉnh cao chơ vơ giữa một cánh đồng không có gì để bảo vệ, nhà cửa ở đây bị tan nát vì đạn pháo.
Tại Talbiese, một điểm nóng gần đó, một chiếc xe tăng của chính phủ trấn đóng trên một con đường hoang vắng dẫn vào thị trấn.
Tại Homs, phần lớn đường phố đều vắng vẻ với những bức tường nám đen và đầy những hình vẽ của những người chống đối
Trong chuyến đi thăm Hama, tướng Moody, người đứng đầu phái bộ Liên Hiệp Quốc nói lực lượng chính phủ đã có những bước chứng tỏ ý muốn tôn trọng kế hoạch hòa bình.
Người Pháp đi bầu vào Chủ Nhật tới
Sau 5 năm cầm quyền, nhiều người Pháp cho rằng ông Sarkozy không thực hiện được các lời hứa, nhất là trong lãnh vực kinh tế.
Nhà phân tách Charles Kupchan thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nói rằng, Tổng thống Pháp đang phải vất vả lội ngược dòng để tái đắc cử vì hai lý do.
Ông nói: "Một là nền kinh tế chưa sinh động trở lại. Ông Sarkozy hứa điều mà ông gọi là một sự 'đoạn tuyệt" từ bỏ quá khứ, một sự tự do hóa thị trường nước Pháp. Và ông đã thực hiện một số bước lớn trong việc cải tổ thuế vụ và nỗ lực tự do hóa thị trường lao động, và ông đã nâng cao tuổi về hưu - nhưng mức tăng trưởng của Pháp cữ giữ nguyên không lay chuyển.
Và điều thứ hai là ông Sarkozy dường như đã mất ảnh hưởng chính trị. Nhiều cử tri Pháp xem ông không 'đủ điều kiện để làm Tổng thống'- Mức độ ủng hộ cho ông đã xuống thấp nhất. Các cử tri coi ông quá hiếu động và không thể gắn kết vào một đường lối bền vững".
Các cuộc thăm do công luận cho thấy trừ phi có phép lạ, ông Sarkozy sẽ mất chức vụ Tổng thống vào tay ông Francois Holland, ứng cử viên của Đảng Xã hội.
Đối với cuộc bầu cử Tổng thống ngày Chủ Nhật, ông Moisi và những người khác nói điều trớ trêu là người Pháp không nhất thiết bỏ phiếu cho ông Francois Hollande vì những chính sách của ông mà chỉ vì một lý do đơn giản, đó là ông không phải là ông Nicolas Sarkozy./.
No comments:
Post a Comment