Ngày 01.05.2012
Lời dẫn: Nhà cầm quyền CSVN biết rằng họ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng tăng từ Bắc Kinh. Họ cũng biết rằng họ sẽ phải đối phó với những bất đồng chính kiến của người dân ngày càng nhiều ở trong nước. Trong tiết mục Đất Nước Đứng Lên, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài viết có tựa đề: "Nhưng lo ngại về Trung Quốc của Hà Nội" do Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ qua sự trình bày của Nguyên Khải để tiếp nối chương trình tối nay.
Việt Nam đã phòng ngừa cuộc đánh cược chống lại Trung Quốc trong những năm gần đây bằng cách thương lượng vấn đề ngoại giao và quân sự với Hoa Kỳ. Nhưng có vẻ như hành động tái cân bằng của Hà Nội chỉ đến chừng đó – đặc biệt khi họ sợ rằng các nhà phê bình trong nước có thể sử dụng chủ nghĩa dân tộc để làm suy yếu chế độ.
Ông Nguyễn Văn Hải, một blogger bất đồng chính kiến có ảnh hưởng đã bị giam trong tù từ năm 2008 vì khuấy động lên phong trào chống Trung Quốc trước khi Thế vận hội diễn ra vào năm 2008, đã bị các công tố viên tại Việt Nam cáo buộc tội mới hôm thứ Hai vừa qua: "tuyên truyền chống phá nhà nước". Hiện nay, blogger 60 tuổi này phải đối mặt với khả năng bị giam giữ lên đến 20 năm tù. Hai nhà báo khác, ông Phan Thanh Hải và bà Tạ Phong Tần, cũng đã bị cáo buộc tương tự tội danh.
Ông Nguyễn Văn Hải (được biết đến qua bút hiệu Điếu Cày), là người tiên phong trong phong trào báo chí công dân. Ông đã lên tiếng chỉ trích chính phủ thất bại trong việc ngăn chặn Trung Quốc xâm lấn lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông, cũng như phê phán quyết định cho phép các công ty Trung Quốc khai thác bauxite tại Việt Nam. Những điều này đã làm cho chính phủ tức giận và khó chịu.
Trên bề mặt, những lời chỉ trích như vậy có vẻ là phù hợp với thái độ của Hà Nội ngày càng tỏ ra thù địch với người láng giềng phương Bắc. Trong quá khứ, Hà Nội đã không ngần ngại khuấy động tình cảm của dân tộc nhằm chống lại Trung Quốc như một cách để tăng cường sự ủng hộ từ phía nhân dân. Việt Nam cũng sẽ tổ chức tập trận hải quân chung với Hoa Kỳ vào tuần tới, một ý nghĩa mà hầu như nhiều người đều nhắc đến.
Vì vậy, có vẻ kỳ lạ rằng chế độ hiện nay lại đàn áp những người đồng cảm với quan điểm của họ trong việc chống lại Trung Quốc. Nhưng Hà Nội cũng lo ngại một sự lặp lại của các cuộc biểu tình chống Trung Quốc hồi năm 2007 và 2011, khi các sự kiện này có dấu hiệu nhượng lại "lá bài" kiểm soát chủ nghĩa dân tộc cho người dân của họ.
Song song với sự kiện trên, tại Trung Quốc cũng diễn ra các cuộc biểu tình tương tự để phản đối Nhật Bản, và các cuộc biểu tình này thường được khơi dậy như một nỗ lực để củng cố chủ nghĩa dân tộc của chế độ. Nhưng việc này cũng có thể trở thành cơ hội để người dân chỉ trích chính phủ vì bề ngoài có vẻ như Bắc Kinh vẫn còn quá dễ dãi đối với Tokyo. Những lời chỉ trích như vậy thường có sức thu hút ngay lập tức và có thể rất khó để ngăn chặn.
Một thực tế phổ biến của chế độ độc tài là họ cho phép các cuộc biểu tình diễn ra khi họ muốn chống lại một kẻ thù nước ngoài nào đó. Và thói quen của người dân sống dưới chế độ độc tài là sử dụng các công cụ kiểm soát của chế độ để chống lại nó. Hà Nội biết rằng họ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng tăng từ Bắc Kinh trong những năm tới. Họ cũng biết rằng họ sẽ phải đối mặt với những bất đồng chính kiến ngày càng nhiều ở trong nước. Điều này đã khiến Điếu Cày và những người Việt Nam dũng cảm khác phải trả giá để chế độ cố gắng nỗ lực duy trì quyền kiểm soát.
Đỗ Đăng Khoa
No comments:
Post a Comment