Friday, May 4, 2012

HIẾN PHÁP VÀ QUYỀN LỢI TỐI THƯỢNG CỦA TỔ QUỐC


Ngày 03.05.2012     

Lời dẫn: Việc tu chính hiến pháp, hoặc viết lên một bản hiến pháp mới tại các quốc gia dân chủ chỉ cần vài tháng là hoàn tất mỹ mãn? Tại sao quốc hội CSVN đã đưa vấn đề tu chính hiến pháp từ năm 1992 mà mãi đến nay sự việc này vẫn còn dậm chân tại chổ? Chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài Bình luận "Hiến pháp và quyền lợi tối thượng của tổ quốc"của Đà Giang qua giọng đọc của Vân Khanh để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.
Đối với các quốc gia dân chủ, việc tu chính hiến pháp được thi hành trong tinh thần cởi mở và trong sáng. Ngay cả tại những quốc gia tân lập cũng cần một bản hiến pháp với tinh thần cởi mở và trong sáng, hầu giúp cho tiến trình thành lập hiến pháp được nhanh chóng và hiệu năng.

Tại các quốc gia may mắn đó, quyền lợi tối thượng của tổ quốc là kim chỉ nam cho mọi thành tố tham gia. Thông thường, trong tiến trình tu chính hiến pháp hay thành lập tân hiến pháp luôn có sự đóng góp của 3 thành phần chính. Thứ nhất, là chính quyền cùng với các phương tiện nhân và vật lực, và một cơ chế hợp pháp, hợp hiến. Thứ nhì, là sự đóng góp của xã hội dân sự qua các tổ chức nằm ngoài chính quyền, bao gồm các đảng phái đối lập, các cơ quan xã hội, tài chánh, kỹ nghệ, dân quyền và nhân quyền, các đại học, các cơ sở tôn giáo và những cá nhân hữu tâm. Thứ ba, là sự tham dự của một đội ngũ chuyên gia về luật pháp, để đảm bảo tính hợp hiến và hợp pháp của các tu chính đề ra.
Thời gian cho tiến trình tu chính hay viết lên một bản hiến pháp mới ở các quốc gia dân chủ chỉ cần vài tháng là có thể hoàn tất mỹ mãn. Nhưng tại sao quốc hội CSVN đã đưa vấn đề tu chính hiến pháp ra từ nhiều năm qua, mà sự việc vẫn chưa đến đâu?
Lý do đơn giản, việc tu chính hiến pháp ở các quốc gia dân chủ chân chính tuy nhiều thành phần tham gia, nhưng tất cả đều đồng thuận trên một quan điểm duy nhất, đó là việc tôn trọng quyền lợi tối thượng của tổ quốc.
Tại nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chỉ có một thành phần tham dự cũng như quyết định trong vấn đề tu chính hiến pháp, thế mà vô cùng thiếu hiệu năng và làm các quan chức lãnh đạo cảm thấy nhức đầu. Vì họ phải đối diện với một nghịch lý mà lãnh đạo các quốc gia dân chủ trên thế giới không hề có. Các giới lãnh đạo CSVN thừa biết rằng, mục tiêu quan trọng của việc tu chính hiến pháp không phải là để bảo vệ quyền lợi tối thượng của tổ quốc, mà chính là bảo vệ cho quyền lợi đảng. Điều làm cho họ nhức đầu là nếu đơn giản bảo vệ quyền lợi của đảng thôi, thì họ chỉ cần theo chỉ thị của bộ chính trị, và ra lệnh cho các đại biểu nhân dân bù nhìn thông qua với đa số từ 90 đến 100% trong quốc hội là đủ.
Tuy nhiên trước cao trào dân chủ trên thế giới, CSVN ý thức rằng hiến pháp cần phải được tu chính như thế nào để họ vừa bảo vệ đảng, mà vừa có thể phỉnh gạt dân chúng và quốc tế bằng xảo ngữ.
Lý lẽ muôn thuở là muốn nói lên sự thật thì dễ, nhưng muốn lừa gạt thế giới là điều không thể được, nhất là trong thời đại tin học.
Hiện tượng các ông Nguyễn Sinh Hùng (Chủ tịch quốc hội và trưởng ban sửa đổi hiến pháp) và Hoàng Thế Liên (Thứ trưởng tư pháp) cảm thấy chóng mặt, nhức đầu trong hoàn cảnh hiện nay là điều dễ hiểu.
Điển hình, ông Hoàng Thế Liên trong cuộc họp báo vào ngày 17/4/2012, về kết quả tổng kết thi hành hiến pháp, đã nêu ra những khó khăn có liên hệ đến việc tu chính hiến pháp trên các phương diện như:
- Quyền sở hữu đất đai.
- Quyền con người và quyền công dân (tức nhân quyền và dân quyền).
- Phân quyền hàng dọc (tức địa phương phân quyền), và phân quyền hàng ngang (tức tam quyền phân lập).
Về quyền sở hữu đất đai, họ Hoàng đang vật lộn với 3 khái niệm: Đất đai là sở hữu của toàn dân hay sở hữu nhà nước, hoặc sở hữu của toàn dân nhưng do nhà nước đại diện quản lý, hoặc một hình thức sở hữu nào đó đa dạng hóa hơn.
Về nhân quyền và dân quyền, thì ông Hòang phân trần là nhà nước CSVN vì quá bận rộn chưa có thời giờ. Vã lại, nhân quyền và dân quyền không phải là ưu tiên cao.
Về địa phương phân quyền và tam quyền phân lập, thì bộ chính trị đã có chỉ thị là phải duy trì quyền lực của đảng, tức duy trì điều 4 hiến pháp.
Nếu như mọi quyền lực chính trị đều do một đảng duy nhất nắm giữ, làm sao nhà nước có thể tu chính hiến pháp để có một nền tư pháp độc lập, chí công vô tư, một quốc hội thực sự đại diện cho mọi thành phần dân tộc, và một nền hành pháp xứng đáng đại diện cho toàn dân? Làm sao tam quyền có thể phân chia quyền lực để kiểm soát lẫn nhau?
Nếu thực tâm muốn cải tổ thì đảng CSVN cần phải hủy bỏ điều 4 hiến pháp, tiến hành bầu cử một quốc hội lập hiến với sự tham gia của mọi thành phần đối lập và xã hội dân sự, dưới sự kiểm soát của Liên Hiệp Quốc. Sau đó, một bản hiến pháp mới sẽ được soạn thảo và thông qua, trong tinh thần cởi mở và trong sáng.
Vấn nạn sở hữu đất đai sẽ được giải quyết nhanh chóng, qua một điều khoản đơn giản và rõ ràng, chẳng hạn:
"Quyền tư hữu của mọi người hoặc riêng hoặc chung với người khác được tuyệt đối tôn trọng, kể luôn cả quyền chuyển nhượng tư hữu của mình. Không một quyền lực nào có thể độc đoán tước đoạt quyền tư hữu của một cá nhân."
Quốc hội lập hiến sẽ không còn phải nghe theo lệnh của bộ chính trị. Quyền lợi và quyền lực của đảng sẽ không còn tối thượng. Thay vào đó là quyền lợi của tổ quốc. Nhân quyền và dân quyền sẽ là những điều khoản ưu tiên, và tam quyền phân lập cũng như địa phương phân quyền sẽ được hiến định hóa một cách nghiêm chỉnh.
Toàn dân Việt sẽ viết lên một trang sử mới. Các ông Nguyễn Sinh Hùng và Hoàng Thế Liên sẽ khỏi phải bứt đầu bứt tai nữa!
Đà Giang
22/4/2012

No comments:

Post a Comment