Wednesday, May 2, 2012

Tin Tức thứ Tư ngày 02.05.2012


Sau vụ đàn áp, cưỡng chế ở Văn Giang, công an xới tung nhiều hài cốt người chết

Không chỉ thẳng tay đàn áp, đánh đập, bắt giam những người sống, lực lượng Công an cưỡng chế đất trong vụ Văn Giang, xảy ra hôm 24 tháng 4, mà còn đào mồ mả và xới tung hài cốt của nhiều người chết.

Nhiều hình ảnh vừa được công bố trên trang blog Nguyễn Xuân Diện, cho thấy mồ mả của thân nhân những người nông dân trên khu đất bị cưỡng chế đã bị xới tung, xương người rơi vãi sau cuộc càn quét của công an và máy xúc, máy ủi các loại.
"Những người dân Văn Giang chiều nay gom những mảnh hài cốt này cũng không chắc đó là của tổ tiên của dòng tộc họ, vì ở đây có hàng chục ngôi mộ bị máy ủi và máy xúc xới tung để làm một con hào ngăn cách khu dân cư và khu đất đã bị cưỡng chế san phẳng."
Vẫn theo trang blog Nguyễn Xuân Diện, những người nông dân ở đây cho biết, hiện vẫn còn 5 người đang bị giam giữ tại công an tỉnh Hưng Yên. Trong 5 người này có 4 người là dân xã Phụng Công (ông Ðỗ, anh Khương, anh Hùng và chị Vinh) và 1 người dân Xuân Quan là anh Nguyễn Văn Khoa.
Mô tả về cuộc cưỡng chế này, nhiều nông dân nói rằng, lực lượng cưỡng chế "coi nhân dân như kẻ thù," và "chính quyền quá tàn ác với dân trong vụ này..."

Tiên Lãng, Văn Giang: Bước đầu của cuộc 'cách mạng nông điền'

Vụ Cồn Dầu, Dakmin, Can Lộc đến Tiên Lãng. Sau vụ đàn áp cưởng chế đất của ông Đoàn Văn Vươn tại huyện Tiên Lãng, đến ông Nguyễn Văn Tưởng huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam đâm 2 cán bộ rồi uống thuốc độc tự sát, rồi đến sự việc đàn áp dã man người dân và xới tung mồ mả ở huyện Văn Giang.
Những sự kiện này đều có chung một điểm là nhân dân nổi giận trước sự áp chế vô lý của chính quyền lên quyền lợi của gia đình mình và phản đối, phản kháng.
Trên nhiều trang mạng viết rằng, "nếu chịu khó quan sát một chuỗi sự kiện, tình huống và kết quả, sẽ thấy quả là xấu hổ cho nhà cầm quyền. Nhân dân càng lúc càng xa lánh, thậm chí có người thù hận công an, tương lai của ngành công an chắc chắn sẽ trở nên đen tối".
Nói tương lai của công an đen tối là hoàn toàn có cơ sở, một chế độ, một ngành nghề, một nhóm hay một đảng phái có tồn tại được hay bị bứng gốc đều tùy thuộc vào thiện cảm và tấm lòng của nhân dân dành cho họ.
Chuyện đất đai, chuyện chủ quyền đất nước là vấn đề sống còn của nhân dân, của dân tộc. Những ai chống đối và đàn áp những chí hướng bảo vệ phần thiêng liêng này đều trở thành phản động trong con mắt nhân dân. Và kết cục của một kẻ phản động sẽ như thế nào, ai cũng hình dung được.
Sự kiện Văn Giang đã lộ rõ chân dung của kẻ phản lại nhân dân, bất chấp mồ hôi, xương máu và tiếng thở dài, tiếng kêu bi thương của họ mà soán đoạt tận xương tủy. Nhân dân bị đau đớn đương nhiên sẽ thù hận.
Và, với đà trấn áp mỗi lúc một mạnh tay, qui mô càng thêm rộng và sắt máu hơn với nhân dân, thì câu chuyện khó mà dừng ở đây! Và, có khi nào người công an tự hỏi về số phận của họ một khi Việt Nam xảy ra cuộc Cách Mạng Nông Ðiền giống như Cách Mạng Hoa Lài hay không?!

Nhà cầm quyền không quan tâm, khiến người dân cả nước lo sợ về thực phẩm ô nhiễm

Sợ rau có hóa chất ô nhiễm, thịt chứa chất độc "siêu nạc," nhiều người khá giả ở Hà Nội đang tìm về các vùng quê để thuê đất, tự trồng rau, nuôi heo để lấy thực phẩm sạch.
Báo Người Ðưa Tin cho hay như vậy về một "phong trào" mới xuất hiện ở Hà Nội.
Báo này kể một trường hợp cụ thể là "chị Hà Oanh (ở quận Cầu Giấy) sau nhiều năm sống ở nước ngoài, về Việt Nam thấy vấn đề an toàn thực phẩm không còn"
Một người khác là "chị Ngô Thu Hồng, mỗi lần về quê Hải Hậu, Nam Ðịnh lại ôm đồm đủ thứ rau lên Hà Nội. Chị nghe nói người trồng rau bán cũng sử dụng thuốc kích thích nảy mầm, thuốc trải lá vươn ngọn cho rau muống... khiến chị lo sợ"
Bà Lê Bạch Mai ở Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia cho rằng, "sức khỏe của con người phụ thuộc rất nhiều vào chế độ dinh dưỡng, nhất là với nguồn thực phẩm sạch. Trước nguy cơ thực phẩm không an toàn, người dân thành phố có phản ứng tiêu cực để tự bảo vệ sức khỏe của gia đình mình.
Một xu hướng khác, nhiều người dân phố đã cố công đi chợ sớm, tìm mua thực phẩm của những người dân vùng giáp ranh đem bán. Hoặc cất công đi vài chục cây số đến tận các chợ quê mua cho được mớ rau, con cá, vài cân thịt lợn. Mua ở đấy, họ tin tưởng rằng mình đã mua được nông sản do chính người nông dân làm ra, ăn không hết mang bán. Ðó là kiểu "mua bán theo niềm tin riêng vì mất niềm tin vào nhà cầm quyền."

Hàng trăm con hạc vừa xuất hiện đã thành mồi nhậu

Hàng trăm con chim bạch hạc vừa xuất hiện ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, ngay lập tức bị bắn hạ làm mồi nhậu.
Theo báo Dân Việt, hàng trăm con bạch hạc bay về đậu kín đền Cả (xóm Trung Thuận, xã Nhân Thành, Yên Thành, tỉnh Nghệ An). Rất nhiều người dân hiếu kỳ trong và ngoài xã đổ về xem."
Báo Dân Việt dẫn lời những người dân sống ở gần đền Cả cho biết, "có hàng trăm con hạc bay lượn nhiều vòng trên không trung rồi sà xuống đậu kín những cây cối trong khu vực đền Cả, chúng còn rủ nhau xuống hồ bán nguyệt để tắm".
Báo này mô tả rằng, "Loài hạc này màu trắng, chân cao và rất dễ gần, nhiều người thấy hạc tắm đã đến đứng trên bờ vỗ tay nhưng nó không bay mà còn nô đùa, chao liệng rất đẹp mắt.
Tin cho biết, "Ðàn hạc này không bay đi xa mà quanh quẩn ở các xã Vĩnh Thành, Ðồng Thành, Mã Thành... nên đã bị hàng chục tay súng bắn hạ để làm mồi nhậu."

Gia tăng hoạt động quân sự tại biển Đông

Hai chiến hạm tối tân nhất của Trung Quốc đến Hong Kong cho thấy hoạt động quân sự ngày càng gia tăng tại biển Đông. Việc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines là sự kiện mới nhất của một loạt các biến cố gây nên căng thẳng trên biển giữa Bắc Kinh và các nước Đông Nam Á. Việc này xảy ra tiếp sau một loan báo mới đây là Hoa Kỳ tái chú trọng vào an ninh vùng châu Á-Thái Bình Dương.
Hộ tống hạm Yuncheng 571 cập cảng Victoria của Hong Kong trong chuyến viếng thăm 5 ngày, ngay sau đó là khu trục hạm Haikou 171.
Hai chiến hạm này trong Lực lượng Đặc nhiệm số 10 của Hải quân Trung Quốc, là hai trong những chiến hạm chính của Hải quân Trung Quốc.
Ba triệu rưởi cây số vuông biển Đông là nơi tranh chấp giữa Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Brunei và Việt Nam. Bà Clinton nói: "Là một cường quốc Thái Bình Dương, chúng tôi có lợi ích quốc gia nếu các nước có tự do hàng hải, sống trong hòa bình và tôn trọng luật quốc tế."
Giới báo chí bình luận rằng, thật sự Trung Quốc không chú trọng nhiều về lãnh thổ, nhưng muốn các nước Đông Nam Á chấp nhận rằng đây là vùng ảnh hưởng của mình, muốn Hoa Kỳ đừng can dự vào thì vùng này sẽ trở thành một hồ nước của Trung Quốc."

TT Obama ký hiệp ước chiến lược với Afghanistan trong chuyến đi thăm bất ngờ

Tổng thống Barack Obama đến Afghanistan hôm qua và ký một hiệp ước đối tác chiến lược với Tổng thống Afghanistan, Hamid Karzai.
Chuyến đi không báo trước được ấn định vào thời điểm đánh dấu một năm, ngày thủ lãnh al-Qaida Osama bin Laden bị hạ sát.
Hiệp ước ký với Kabul bao gồm an ninh, kinh tế, chính trị và đưa ra đường lối trong liên hệ giữa Hoa Kỳ với Afghanistan sau năm 2014, khi hầu hết các lực lượng NATO chấm dứt vai trò chiến đấu tại Afghanistan.
Hiệp ước không cam kết có sự hiện diện rõ rệt nào của quân đội Mỹ tại Afghanistan nhưng hứa viện trợ cho Afghanistan một thập niên sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan.
Hiệp ước cũng cho phép Hoa Kỳ giữ một số nhỏ binh sĩ tại Afghanistan sau khi chiến tranh chấm dứt để tiếp tục huấn luyện cho lực lượng Afghanistan và những cuộc hành quân chống lại al-Qaida.

Ngoại trưởng Mỹ trên đường đến Trung Quốc với lời hứa sẽ nêu lên vấn đề nhân quyền

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton đang trên đường đến Trung Quốc với lời hứa sẽ lại nêu lên những quan tâm về nhân quyền vào thời điểm đang có căng thẳng giữa hai nước về một nhân vật bất đồng chính kiến khiếm thị trốn vào Tòa đại sứ Hoa Kỳ.
Từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Thông tín viên Scott Stearns cho biết:
Cả Tổng thống Barack Obama và Ngoại trưởng Clinton đều từ chối bình luận về việc hiện nay ông Trần Quang Thành đang ở đâu, và liệu có đang xúc tiến các cuộc đàm phán với các giới chức Trung Quốc về tương lai của nhân vật này hay không.
Ngoại trưởng Clinton nói chuyện với các phóng viên báo chí tại Bộ Ngoại giao trước khi lên đường sang Bắc Kinh. Bà nói: "Tôi sẽ không nói về trường hợp cụ thể này ngay vào thời điểm này, nhưng tôi chỉ muốn đặt trường hợp này trong một bối cảnh rộng lớn hơn. Quan hệ Mỹ-Trung là quan trọng. Quan trọng không chỉ cho Tổng thống Obama hay bản thân tôi, mà còn quan trọng cho nhân dân Hoa Kỳ và thế giới. Và chúng tôi đã cố gắng hết sức để xây dựng một mối liên hệ toàn diện và hữu hiệu để tìm ra những cách thức để cùng làm việc với nhau."
Bà Clinton nói tiếp: "Tôi có một nghị trình đầy đủ gồm nhiều vấn đề mà chúng tôi hết sức quan tâm, trong đó có nhân quyền, quyền tự do ngôn luận, và quyền tự do đi lại của người dân Trung Quốc, những người có quyền tự do đó theo Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân quyền."

Osama Bin Laden từng có âm mưu ám sát Tổng Thống Obama và Tướng Petraeus

Hôm Thứ Ba, 1 tháng 5, là kỷ niệm một năm ngày biệt kích SEAL đột kích hạ sát Osama Bin Laden ẩn náu trong căn nhà kiên cố tại thành phố Abbottabad, Pakistan.
Michael Leiter, cựu trung tâm trưởng phản tình báo trong chính quyền Obama nói trên chương trình 'Today' của truyền hình NBC là qua hàng ngàn tài liệu lấy được từ căn nhà này người ta biết được Bin Laden đã có ý định muốn ám sát Tổng Thống Barack Obama và Tướng David Petraeus, tư lệnh quân đội Hoa Kỳ ở Afghanistan.
Nhưng Leiter không nghĩ rằng đó là những mục tiêu ưu tiên của Bin Laden, vì al-Qaeda đã suy yếu và không có đủ tài nguyên để thực hiện. Cái mà ông trùm khủng bố này mơ ước nhất là một cuộc tấn công khủng bố với tầm cỡ lớn như vụ 9/11.
Căn cứ theo những tài liệu bắt được, Bin Laden và Ayman al Zawahiri, lãnh tụ số 2 của al-Qaeda bị tiêu diệt trong cuộc oanh kích của máy bay không người lái mấy tháng sau, coi phong trào biểu tình tranh đấu dân chủ, "Mùa Xuân Á Rập" ở Trung Ðông, là nguy cơ cho tương lai của al-Qaeda.
Mặc dầu nhấn mạnh là việc hạ sát Osama bin Laden và một loạt các phụ tá chưa có nghĩa là dứt điểm al-Qaeda, ông tin rằng Hoa Kỳ đã được an ninh hơn và al-Qaeda chỉ còn rất ít khả năng hành động./.

No comments:

Post a Comment