Sunday, July 14, 2024

Việt Nam Tuần Qua: Chủ Nhật 14.07.2024

Việt Nam Tuần Qua

Kính thưa quí thính giả, sau đây phóng viên Bảo Trân và Hướng Dương sẽ điểm lại những sự kiện nổi bật tại Việt Nam trong tuần qua

Tin Tức

Bảo Trân:  Bảo Trân xin kính chào quí thính giả của đài DLSN và chào anh Hướng Dương, rất vui được cùng anh điểm qua những tin VN đáng chú ý trong tuần. 

Hướng Dương: Hướng Dương cũng xin kính chào quí thính giả của đài DLSN và chào chị Bảo Trân. 

1.     Bảo Trân: Trước tiên xin anh Hướng Dương điểm qua sự kiện nhà đấu tranh Huỳnh Thục Vy, vừa ra tù vào hôm 11/7, cho biết là bà đã bị từ chối cấp passport và bị công an Việt Nam cảnh cáo là không được tiếp xúc với các giới chức ngoại giao nước ngoài hay đưa thông tin “bất lợi” cho bạo quyền Việt Nam, thưa anh?

Hướng Dương: Thưa chị và quí thính giả, Bà Huỳnh Thục Vy, một nhà đấu tranh ở Việt Nam, vừa được trả tự do vào ngày 1/6 sau khi bị cầm tù 2 năm rưỡi tù về tội “xúc phạm quốc kỳ”. Ngay sau khi ra tù, bà Vy đã nộp giấy tờ để làm passport và được nhà cầm quyền hẹn gặp vào ngày 9/7. Bà cho biết là khi đến gặp thì không phải nhân viên xuất nhập cảnh của tỉnh Đắc Lắc mà là hai nhân viên an ninh. Bà cho biết thêm là hai người này nói rất nhiều điều nhưng tóm lại là có nội dung chính yếu là bà Vy đang ở diện tạm hoãn xuất cảnh và là đối tượng nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Thưa chị, vẫn theo lời bà Huỳnh Thục Vy, bà bị các nhân viên an ninh cảnh báo không nên gặp các giới chức ngoại giao Đức và Hoa Kỳ để đưa thông tin “sai lạc, gây ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước trên”. Bà cho biết là sau khi ra tù, bà bị theo dõi chặt chẽ. Trong cuộc gặp măt ngày 9/7, bà cũng bị ép buộc phải ký vào một bản cam kết là không được kiện tụng về vụ cấm xuất cảnh và không được gặp gỡ những người bất đồng chính kiến khác.

Như chị đã biết, nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy là người sáng lập của tổ chức Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam với mục tiêu ủng hộ những nhà hoạt động nhân quyền là phụ nữ trên toàn quốc. Ngoài ra, bà cũng là một nhà báo thường xuyên lên tiếng viết về những tiêu cực xã hội và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Bà Vy cho biết bà cũng đã làm hồ sơ xin tị nạn ở Mỹ từ năm 2019 nhưng chưa có tiến triển gì, thưa chị.

2.     Bảo Trân:  Một sự kiện khác cũng liên quan đến các nhà đấu tranh VN là viêc ông Trương Hữu Lộc, người hỗ trợ đoàn biểu tình chống hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng ở Sài Gòn vào ngày 10/6 năm 2018, đã được trả tự do sớm hơn hai năm so với bản án 8 năm tù giam. Vụ việc này ra sao thưa anh?

Hướng Dương: Đúng vậy thưa chị, ông Lộc 61 tuổi bị công an thành Hồ bắt giữ vào ngày 11/6 năm 2018, chỉ một ngày sau khi ông mua bánh mì và nước phát cho đoàn biểu tình, đồng thời trực tiếp kêu gọi người dân đứng lên tham gia việc phản đối hai dự luật đặc khu và an ninh mạng. Tuy nhiên ông bị chính thức truy tố từ ngày 14/6 với cáo buộc “phá rối an ninh”.

Lý giải về việc ông được giảm 24 tháng tù, ông Lộc cho biết là mình nắm được những điểm yếu của đám cai tù. Ông cho biết là sự phản kháng dữ dội của ông đã khiến cho đám cai tù sợ hãi. Những sai phạm mà ông nói đến là tình trạng ăn hối lộ của đám cai tù trước khi được xét giảm án trong mỗi dịp ân xá.

Trước cuộc biểu tình rầm rộ với sự tham gia của hàng chục ngàn người ở Sài Gòn giữa tháng 6 năm 2018, ông Lộc là một người nổi tiếng ở thành phố Sài Gòn. Có lẽ vì thế mà ông không bị đánh đập hoặc tra tấn trong quá trình tạm giam.

Sau 6 năm bị tù đày, sức khỏe của ông Lộc suy giảm nhiều vì điều kiện hà khắc trong trại giam. Hiện ông đang bị cao huyết áp, thoái hóa cột sống và trầm cảm. Trong thời gian tới, ông sẽ tập trung vào việc chữa bệnh để phục hồi sức khỏe, thưa chị.

3.     Bảo Trân:  Bảo Trân ghi nhận một sự kiện liên quan đến mười một tù nhân là tín đồ Thiên chúa giáo người dân tộc thiểu số hiện đang mất tích.  Theo báo động của tổ chức Quan ngại Công giáo Quốc tế (ICC) có trụ sở tại Hoa Kỳ thì việc tù nhân tôn giáo của người dân tộc thiểu số đang mất tích cho thấy một vấn nạn lớn trong hệ thống pháp luật VN.  Anh có thể nói rõ hơn về vụ việc này không thưa anh?

Hướng Dương: Thưa chị và quí thính giả, những tù nhân Thiên chúa giáo hiện mất tích là những người bị kết án theo những cáo buộc liên quan đến “hoạt động tôn giáo” kể từ năm 2011. Trong số 11 người này, có 9 người bị kết án tù theo cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” vì tham gia vào giáo hội Tin Lành Đề Ga và Đạo Hà Mòn. Cả hai giáo phái này đều bị bạo quyền Hà Nội đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Toàn bộ 11 tù nhân nói trên đều là nam giới. Họ bị tuyên án vào những thời điểm khác nhau từ năm 2011 đến năm 2016. Tổng số năm tù cho họ là hơn 90 năm, nhưng hiện nơi họ thọ án là một bí mật, theo tổ chức ICC.

ICC nêu rõ danh tính của những tù nhân hiện được cho là mất tích. Những người này bị án “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”. Riêng có hai người bị án tù là do họ đã “từ chối bỏ đạo”, thưa chị. 

4.     Bảo Trân:  Bảo Trân cũng ghi nhận một sự kiện liên quan đến quan hệ Việt Mỹ, đó là việc Soái hạm Blue Ridge của hạm đội 7 Hoa Kỳ và tuần duyên hạm Waesche của Lực lượng Tuần duyên Hoa Kỳ vào ngày 8/7 đã cập cảng Cam Ranh của Việt Nam, bắt đầu chuyến viếng thăm kéo dài 5 ngày.  Vụ việc này ra sao thưa anh?

Hướng Dương: Thưa chị, tòa đại sứ Hoa Kỳ tại VN cho biết tin trên trong thông cáo phát đi cùng ngày. Mục đích của chuyến thăm cảng Cam Ranh của hai chiến hạm Mỹ lần này được nêu rõ là nhằm thúc đẩy hơn nữa mối Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước.

Thông cáo cho biết các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm gồm các buổi trao đổi chuyên môn giữa hai phía. Ngoài ra thủy thủ đoàn của hai chiến hạm sẽ tham gia vào các hoạt động cộng đồng và giao lưu văn hóa với người dân tỉnh Khánh Hòa.

Soái hạm Blue Ridge là chiến hạm hoạt động lâu năm nhất của hải quân Hoa Kỳ và đây là lần thứ hai soái hạm này đến thăm Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995.

Theo thông cáo của tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, hạm đội 7 là hạm đội tiền phương lớn nhất của hải quân Hoa Kỳ. Hạm đội 7 thường xuyên có những hoạt động giao lưu với các nước đồng minh nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thưa chị. 

Bảo Trân:  Bảo Trân xin cảm ơn anh Hướng Dương đã giúp làm rõ thêm những tin VN quan trọng trong tuần qua.  Và, tiết mục VNTQ đến đây là chấm dứt, Bảo Trân xin kính chào quí thính giả của đài phát thanh DLSN, chào anh Hướng Dương.

Hướng Dương: Hướng Dương cũng xin kính chào quí thính giả và chị Bảo Trân, hẹn gặp lại chị và quí thính giả vào tuần tới cũng trong tiết mục VNTQ.

No comments:

Post a Comment