Saturday, July 6, 2024

Nhạc sĩ Anh Việt

Danh Nhân Nước Việt

Thưa quý thính giả,

Một nhạc sĩ được xem là gốc đại thụ trong làng âm nhạc với các ca khúc để đời, trải dài từ thời chống Pháp đến cuối thời Đệ nhị Cộng Hòa. Ông viết các tình khúc ca ngợi quê hương và quân ngũ. Ông sáng tác 3 khúc quân hành nổi tiếng là “Chiến ca”, “Quân Cụ hành khúc” và “Nhảy dù hành khúc”.

Trong chuyên mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Nhạc sĩ Anh Việt” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Trong thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa có các nhạc sĩ là quân nhân viết nhiều nhạc phẩm để đời, trong đó có 3 nhạc sĩ nổi tiếng mang cấp bậc Đại tá là: Đại tá Nguyễn Văn Đông, Đại tá Trần Văn Trọng (tức Anh Việt) và Đại tá Nguyễn Thành Trí (Tư lệnh phó Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến).

Nhạc sĩ Anh Việt tên thật là Trần Văn Trọng, sinh năm 1927 tại Rạch Giá (Kiên Giang), xuất thân trong một gia đình công chức. Ông viết nhạc rất sớm, từ những năm đầu thập niên 1940. -Năm 1945, ông tham gia chống Pháp, rời bỏ chiến khu năm 1950.

-Năm 1951, gia nhập Quân đội Quốc Gia Việt Nam, thụ huấn khóa 1 trường Sĩ quan Trừ bị  Thủ Đức.

-Năm 1952, sang Pháp học khóa Quản trị tại trường Quân Cụ.

-Năm 1956, giữ chức vụ Phụ tá Giám đốc Nha Quân Cụ.

-Năm 1961, làm Chỉ huy trưởng Căn cứ 80 Quân Cụ.

-Năm 1964, được cử làm Cục trưởng Cục Quân Cụ. Đến năm 1967, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội.

-Năm 1969, ông thụ huấn khóa huấn luyện Nhảy Dù.

-Năm 1970, theo học khóa Chỉ huy Tham mưu Cao cấp.

-Năm 1971, tốt nghiệp khóa Thiết kế và Ngân sách tại trường Cao Đẳng Quốc Phòng.

-Năm 1972, sang Hoa Kỳ học khóa Quản trị Quốc phòng tại Trung tâm Quản trị Hải Quân.

-Năm 1973, mang cấp bậc Đại tá, thuyên chuyển về Bộ Quốc Phòng giữ chức vụ Trưởng phòng Nghiên cứu.

-Ngày 30/4/1975, ông di tản ra khỏi VN. Đến trại tỵ nạn, ông được nhà thờ Saratoga Federated bảo lãnh sang tiểu bang California và được mời dạy nhạc ở trường Naval Post Graduate tại Monterey.

-Ông từ trần tại San Jose vào lúc 11 giờ đêm Thứ Sáu, ngày 14/3/2008, hưởng thọ 81 tuổi. Tang lễ được tang quyến cử hành theo nghi thức Phật Giáo. Nghi thức Quân Đội do các hội Cựu Chiến Sĩ VNCH tổ chức trọng thể, sau đó hỏa thiêu tại nghĩa trang Oak Hill, San Jose, California, Hoa Kỳ.

****

Nhạc sĩ Anh Việt là ngôi sao sáng trong nền tân nhạc VN, ông sáng tác hơn 200 nhạc phẩm. Các nhạc phẩm của ông chuyên chở nét đặc biệt là thăng trầm theo chiều dài của lịch sử, và chuyển biến theo tâm thức của mình. Ông viết những ca khúc tình tự quê hương, viết về quân ngũ, về tình yêu lứa đôi và sau cùng là viết về tâm linh.

-Thời gian đầu đời, ông viết nhạc kháng chiến với các ca khúc: Chiều trong rừng thẳm, Em chờ, Tự do, Bến Kiên Giang, Bến cũ, Biệt ly, Lỡ chuyến đò, Một chuyến đi, Hờn vong quốc, Thơ ngây, Ai xuôi biên thùy .v.v.

-Thời gian khoát chiến y, ông viết về Tình yêu, về Quê hương qua các ca khúc: Thơ ngây, Cô em xóm lúa, Hững hờ, Say trăng, Mưa đêm, Tình quê nối lại nhịp cầu, Mây thu, Áo em màu thiên thanh, Hương thời gian, Tiếng ru vào đời .v.v. Ông cùng với 4 nhạc sĩ nổi danh là: Lê Trọng Nguyễn, Nguyễn Hiền, Hoàng Nguyên và Lan Đài, sáng tác các bản tình ca góp thành tuyển tập “Nhạc Ru Tuổi Hồng” được giới mộ điệu ca ngợi.

-Và ông viết để ca ngợi đời lính, đặc biệt là các khúc quân hành như Chiến ca cho khóa 1 Thủ Đức đồng ca trong ngày mãn khóa, và 2 bài Quân Cụ hành khúc, Nhảy Dù hành khúc, để các người lính đồng ca khi di hành. Ngoài ra, ông phổ nhạc theo bài thơ hào hùng của mũ đỏ Phan Nhật Nam viết về cuộc hành quân Hạ Lào trong chiến dịch Lam Sơn 719.

Ông còn viết khúc tình ca Hương Thời Gian cho riêng mình, trong đó có đoạn: Một chiều nào đó, rũ áo chinh y, trở về chốn cũ thăm lại cố nhân, nhưng người xưa nào đã chẳng thấy đâu, chỉ còn nghe tiếng gió ngàn, than thở trong nổi quạnh hiu…

-Thời gian ly hương, ông viết các ca khúc theo vận nước nổi trôi, mang nét nghẹn ngào và chua xót như: Đừng khóc nữa em ơi, Ngày tôi xa Sài Gòn, Xuân Viễn xứ, Giọt sương đêm, Tôi sẽ về quê hương, Hè về đâu đây, Từ chiều đó, Ngày xưa yêu nhau, Giọt buồn, Một thời dễ thương .v.v.

Từ năm 1993 đến 1996, ông thực hiện cuốn Nhạc Thiền mang tên Những Giọt Không và 2 cuốn CD Nhạc Thiền tựa đề Hoa Mặt Trời Trường ca Avril. Và sau đó, ông cho ra đời 2 cuốn Nhạc Kinh phổ từ Kinh Bát Nhã của Phật giáo.

Trước năm 1975, nhạc sĩ Anh Việt đã từng sinh hoạt văn nghệ chung với nhiều nhạc sĩ và ca sĩ nổi tiếng trên các đài Phát thanh và đài Truyền hình, cùng với hơn 50 năm sáng tác và phục vụ, ông đã tạo cho mình một chổ đứng đặc biệt trong làng âm nhạc. Tên của nhạc sĩ Anh Việt mãi sống trong lòng giới mộ điệu, nhất là các chiến sĩ Cộng Hòa, đặc biệt là các chiến binh Mũ Đỏ. Nghiêm chào vĩnh biệt một nhạc sĩ tài hoa của quê hương VN.

No comments:

Post a Comment