Friday, July 19, 2024

Ngày 20 tháng 7 năm 1954 –Vết nhục chia đôi đất nước

Quan Điểm

Lịch sử Dân tộc Việt có lúc thịnh lúc suy, có giai đoạn sáng ngời, có thời điểm đen tối. Một trong những thời điểm đen tối đó là việc ký kết Hiệp Định Geneve chia đôi đất nước vào năm 1954.

 Mời quý thính giả theo dõi bài Quan Điểm của Lực Lượng Cứu Quốc về sự kiện này với tựa đề “Ngày 20 tháng 7 năm 1954 –Vết nhục chia đôi đất nước” do Hướng Dương  trinh bày sau đây.

Thưa quý thính giả,

Hôm nay ngày 19 tháng 7 năm 2024 tức chỉ còn một ngày nữa là đến nhật kỳ 70 nămngày chia đôi đất nước. Đó là ngày 20 tháng 7 năm 1954, ngày ký kết Hiệp Định Geneve chia Việt Nam thành 2 phần. Phía Bắc, từ vĩ tuyến 17 trở lên thuộc Cộng sản Bắc Việt với danh nghĩa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Phần còn lại phía Nam thuộc Quốc Gia Việt Nam.

Đây là kết quả đàm phán khởi đầu từ ngày 26 tháng 4 năm 1954 giữa 9 nước, gồm Anh, Mỹ, Liên Xô, Trung Cộng, Pháp, Lào, Campuchia, Quốc Gia Việt Nam và cộng sản Bắc Việt.Trong lúc hội nghị tiến hành thì quân Pháp thua trận Điện Biên Phủ kéo theo sự sụp đổ của chính phủ do thủ tướng Joseph Laniel lãnh đạo. Ông Mendès France lên thay thế ngày 17 tháng 6 năm 1954 với cam kết “Nếu trong 4 tuần lễ, tức vào ngày 20 tháng 7 tới đây, mà không đạt được một cuộc ngưng bắn tại Đông Dương, tôi sẽ từ chức”.

Với khí thế chiến thắng Điện Biên Phủ, Cộng sản Bắc Việt đòi chia đôi Việt Nam kể từ vĩ tuyến 13, tức ngang với Tuy Hòa, và đòi chiếm giữ miền Bắc. Nhưng với áp lực của Liên Xô và Trung Cộng, Cộng sản Bắc Việt chấp thuận đề nghị dời lên vĩ tuyến 17, tức ngang tỉnh Quảng Trị.

Đến 12 giờ đêm ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp Định vẫn chưa được ký. Mendès France ra lệnh cho đồng hồ trong phòng họp ngưng chạy cho đến khi có bản Hiệp Định. Đại diện Pháp và Cộng sản Bắc Việt đã phải vội vã ký kết vào lúc 3 giờ 50 sáng ngày 21 tháng 7 năm 1954, nhưng lại đề ngày 20 tháng 7 năm 1954với chữ ký của hai viên chức quân sự là Thiếu Tướng Delteil, thay mặt cho Tổng Tư Lệnh Quân Đội Liên Hiệp Pháp ở Đông Dương và Tạ Quang Bửu, Thứ Trưởng Quốc Phòng của Cộng sản Bắc Việt.

Ngay sau đó, Bác sĩ Trần Văn Đỗ, trưởng phái đoàn Quốc Gia Việt Nam đã ra một bản tuyên ngôn lên án việc ký kết này (xin trích) “Chúng tôi long trọng phản đối việc ký kết hấp tấp thỏa hiệp ngưng chiến chỉ do hai cơ quan Tư Lệnh Tối Cao Pháp và Cộng sản Bắc Việt ký kết”, và “yêu cầu Hội nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp Định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của nhân dân Việt Nam”.

Những nhận định kể trên của Bác sĩ Trần Văn Đỗ cũng là cảm nghĩ của những người Việt Nam chân chính đối với Hiệp Định Geneve 1954 chia đôi đất nước. Có thể nói, đối với dân chúng Việt Nam, Hiệp Định này là một vết nhơ trong lịch sử dân tộc Việt!

Thế nhưng, trong những ngày qua, nhân dịp đánh dấu 70 năm ngày ký kết hiệp định, các loa tuyên truyền của đảng CSVN không ngớt tung hô, xung tụng, xem Hiệp Định Geneve là một thắng lợi vinh quang của đảng. Chẳng hạn, trang báo điện tử Chính Phủ của CSVN đề ngày 17 tháng 7, 2024, đã viết “Hiệp định Geneve năm 1954 là một mốc son trong lịch sử ngoại giao cách mạng Việt Nam, mang đậm dấu ấn tư tưởng, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

Các loa tuyên truyền này hoàn toàn không nhắc đến sự kiện, sau khi Hiệp Định được ký kết, đã có gần 1 triệu người dân miền Bắc di cư vào Nam, trong đó một số không nhỏ đã liều chết vượt thoát khỏi sự cấm đoán, ngăn cản của bộ đội, công an cộng sản Bắc Việt. Ngược lại, tại miền Nam, không có một người dân nào tình nguyện di cư ra Bắc. Chỉ có một số nhỏ cán bộ Cộng sản tập kết trở lại miền Bắc, số còn lại được cài cắm nằm vùng ở lại miền Nam cùng với vũ khí cất dấu để thực hiện mưu đồ thôn tính sau này.

Cuộc “bỏ phiếu bằng chân” này đã là bằng chứng hùng hồn cho thấy nhận định của dân chúng đối với chế độ cộng sản như thế nào!

Và quan trọng hơn nữa, nếu không có đảng CSVN theo chân đàn anh Nga-Tầu phát động công cuộc “đấu tranh giải phóng bằng bạo lực” thì Việt Nam cũng đã thoát khỏi sự đô hộ của Pháp qua phong trào “giải thực” diễn ra ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt. Con đường dành lại độc lập ôn hòa này chắc chắn đã bớt hao tốn bao nhiêu máu xương của dân chúng Việt Nam.

Nhưng đáng nói nhất là nếu không có Hồ Chí Minh du nhập chủ thuyết công sản ngoại lai, phản tiến hóa vào Việt Nam, thì không những dân tộc Việt không phải đổ bao máu xương để đuổi thực dân Pháp, mà ngày nay đất nước Việt Nam cũng không phải gánh chịu bao nhiêu tai họa do tập đoàn độc tài khát máu mang tên đảng Cộng Sản Việt Nam gây ra. Thật vậy, trong khi cái gọi là “chủ nghĩa Cộng Sản” đã bị quẳng vào thùng rác lịch sử hơn 30 năm qua, thì tập đoàn thống trị vẫn nhân danh “Cộng Sản” để củng cố và duy trì ngôi vị “chủ nhân ông” đất nước một cách tuyệt đối và vĩnh viễn.

Chừng nào mà đảng Cộng sản Việt Nam còn thống trị đất nước thì chừng đó dân tộc Việt còn phải cúi đầu gánh chịu bao nỗi ô nhục đối với dân chúng thế giới!

Cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài Quan Điểm của chúng tôi./.

 

No comments:

Post a Comment