Friday, July 5, 2024

Tin Tức: Thứ Sáu 05.07.2024

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân & Bá Cơ trình bày sau đây.

1/ QUỐC TẾ KÊU GỌI THÁI LAN KHÔNG DẪN ĐỘ ÔNG Y QUYNH BDAP VỀ VN

Các chuyên gia quốc tếvào hôm 4/7 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Việt Nam yêu cầu Thái Lan cho phép dẫn độ ông Y Quynh Bđap, theo thông cáo của Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc phát đi cùng ngày.

Cần biết là ông Y Quynh Bđap là một nhà hoạt động nhân quyền, đồng sáng lập tổ chức Người Thượng vì Công lý hiện đang tỵ nạn tại Thái Lan. Các chuyên gia nhân quyền độc lập kêu gọi Thái Lan "từ chối dẫn độ ông Y Quynh Bđap hay bất kỳ yêu cầu nào khác nhằm buộc người Thượng đang tìm kiếm sự bảo vệ ở nước này phải hồi hương”.

Ông Y Quynh đã sống ở Thái Lan từ năm 2018, nơi ông được Cao ủy Tỵ nạn của LHQ cấp quy chế tỵ nạn và đang chờ tái định cư sang một nước thứ ba. Ông đang bị giam giữ tại một nhà tù ở Bangkok và chờ ra hầu tòa về việc có dẫn độ về VN hay không.

Các chuyên gia kêu gọi chính quyền Thái Lan tôn trọng nghĩa vụ không trục xuất theo luật nhân quyền quốc tế, trong đó cấm đưa một người trở về quốc gia nơi họ có nguy cơ bị ngược đãi hoặc bị tra tấn, bị đối xử tàn ác, vô nhân đạo, bị ép phải mất tích, hoặc thậm chí bị mất mạng.

Các chuyên gia cũng hoan nghênh việc Thái Lan phê chuẩn công ước quốc tế về bảo vệ người dân khỏi bị cưỡng bức mất tích vào ngày 14/5 vừa qua, trong đó cấm đưa một người quay trở lại nơi họ có nguy cơ bị cưỡng bức mất tích.

Các chuyên gia cho rằng tổ chức phi chính phủ Người Thượng Vì Công lý đã bị bạo quyền Việt Nam liệt vào danh sách một tổ chức khủng bố một cách oan ức. Các chuyên gia cũng nêu lên mối lo ngại về khả năng một người Thượng đang bị giam giữ ở Việt Nam đã bị tra tấn đến chết vào tháng 3 năm nay.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cyj4m0ek80xo

2/ NGƯỜI DÂN VN KHÔNG AN TOÀN TRƯỚC NHÀ NƯỚC

Tổ chức Sáng kiến Đánh giá Nhân quyền (HRMI) vừa công bố báo cáo các chỉ số nhân quyền 2024, theo đó đánh giá là người dân Việt Nam “không an toàn” trước nhà nước, trong khi các quyền tự do dân sự và tự do chính trị đang “ngày càng xấu đi”.

HRMI,  một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Tân Tây Lan,vào tháng trước đã công bố báo cáo thường niên về tình trạng nhân quyền toàn cầu, thông qua các chỉ số kinh tế và xã hội. Theo đó báo cáo này xếp hạng hiệu suất của mỗi quốc gia bằng cách ấn định điểm số cho 3 tiêu chí chính: chất lượng cuộc sống, an toàn trước nhà nước và trao quyền.

Trong phần báo cáo về Việt Nam, báo cáo cho rằng tình trạng nhân quyền của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong năm 2023. Về hạng mục an toàn trước nhà nước, Việt Nam chỉ đạt 4.6 điểm trên 10, giảm so với điểm số 4.9 vào năm ngoái.

Theo báo cáo mới nhất, nhiều người ở Việt Nam “không an toàn” do có những vụ việc bị bắt giữ, tra tấn, ngược đãi, cưỡng bức mất tích, hành quyết hoặc giết người ngoài vòng pháp luật. Về mục này, dù thiếu dữ liệu để so sánh trong khu vực, song báo cáo cho rằng mức an toàn của người Việt Nam trước nhà nước “thấp hơn mức trung bình” so với các quốc gia khác.

Theo báo cáo này, các nhóm có nguy cơ bị vi phạm các quyền này cao nhất là những người ủng hộ nhân quyền, những người có niềm tin chính trị và các nhà báo.

Về hạng mục trao quyền, Việt Nam bị đánh giá rất tệ ở cả 4 chỉ số. Cụ thể, nước này chỉ đạt 2.5 điểm về quyền hội họp và lập hội, 2.8 điểm về bày tỏ quan điểm, 2.7 điểm về tham gia chính quyền và 2.4 điểm về tôn giáo và tín ngưỡng.

Báo cáo đánh giá là Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng nghĩa vụ trước mắt về các quyền kinh tế và xã hội.

Trong tuần qua, giới báo chi lề đảng của Việt Nam đồng loạt lên án về bản báo cáo mới này của HRMI, trong khi giới hoạt động cho nhân quyền bày tỏ sự đồng tình với báo cáo. Thông tấn xã VN vào hôm 1/7 công kích những “kẻ cơ hội chính trị đang lợi dụng tổ chức HRMI để công kích đảng và nhà nước”.

https://www.voatiengviet.com/a/bao-cao-hrmi-2024-nguoi-dan-viet-nam-khong-an-toan-truoc-nha-nuoc-/7684656.html

3/ CÁC TẬP ĐOÀN KHỔNG LỒ ĐANG CÓ Ý ĐỊNH CHUYỂN ĐẦU TƯ KHỎI VN

Những tập đoàn toàn cầu lớn như Intel, LG Chemical, AT&S, Samsung và SMC, đang bỏ qua Việt Nam để đầu tư vào những nước khác hay đang xem xét không đầu tư thêm vào Việt Nam.

Mạng báo thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài Việt Nam vào ngày 3/7 trích dẫn nguồn tin từ bộ kế hoạch đầu tư về cảnh báo vừa nêu.Cánh báo được đưa ra trong một báo cáo liên quan dự thảo nghị định về quỹ Hỗ trợ Đầu tư sắp được công bố.

Theo cảnh báo này, chính sách hiện nay của nhà nước chỉ có hỗ trợ giới hạn với ưu đãi dựa trên thu nhập, trong khi đó thuế Tối thiểu Toàn cầu sẽ có tác động bất lợi rất lớn đối với Việt Nam.

Khung pháp lý lỗi thời của nhà nước VN đã khiến những tập đoàn khổng lồ toàn cầu từng có đề nghị đầu tư lớn vào Việt Nam bỏ qua thị trường này để đầu tư vào những nơi khác. Theo mạng báo The Investor nói trên, tập đoàn LG Chemical từng đề nghị dự án sản xuất pin tại Việt Nam với yêu cầu hỗ trợ 30% chi phí sản xuất bằng tiền mặt, nhưng cuối cùng tập đoàn này quyết định đầu tư dự án này tại Indonesia.

Intel cũng có đề nghị dự án đầu tư sản xuất chip với vốn đầu tư hơn 3 tỷ Mỹ kim với yêu cầu Việt Nam chi trả 15% bằng tiền mặt, thế nhưng cuối cùng dự án được đầu tư tại Ba Lan.

Tập đoàn AT&S của Áo chuyên sản xuất bảng mạch in cao cấp từng tiến hành khảo sát và đưa ra đề nghị đầu tư với nhà nướcVN, nhưng cuối cùng quyết định đầu tư tại Mã Lai vì Việt Nam không thể đáp ứng những hỗ trợ đầu tư và công nhân lành nghề cho dự án.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/intel-shuns-vietnam-to-invest-usd-3-3-bln-in-poland-samsung-could-leave-for-india-ministry-said-07032024090215.html

4/ 16 CÔNG NHÂN VN ĐƯỢC GIẢI CỨU Ở CANADA

Thành phố Port Alberni của Canada vào hôm 3/7 cho biếtlà một cuộc điều tra về một công ty đã đối xử tồi tệ với 16 công nhân người Việt được tuyển dụng làm việc ở thành phố này.

Số công nhân người Việt này đã được đưa đi khỏi Port Alberni vào cuối tuần trước sau khi giới chức địa phương phát giác là những công nhân này đang sống trong điều kiện thấp kém.

Theo tin của báo chí địa phương, các công nhân cho biết họ đã phải chi số tiền hơn 560 triệu đồng, tức khoảng 30 ngàn Gia kim, để đến Canada làm việc cho xưởng gỗ của hãng SAN Group. Họ được bảo đảmsẽ có nơi ở và mức lương là 30 Gia kim mỗi giờ làm việc.

Nhưng khi đến Port Alberni, họ chỉ được nhận mức lương 18 Gia kim, không được hưởng chế độ tiền lương làm thêm giờ, và phải sống chen chúc trong một nhà tạm dạng container cùng với hơn 20 người đàn ông khác mà không có nước sạch. Thê thảm hơn là họ phải trả 350 Gia kim để thuê chỗ ở là một chiếc giường nhỏ.

Một người phụ nữ gốc Việt ở địa phương, bà Kim Tran, đã làm thông dịch và cố giúp đỡ các công nhân Việt. Bà mô tả là điều kiện sinh sống của họ “tệ hơn cả hoàn cảnh một con vật”. Họ không có nước uống và không có các tiện nghi tối thiểu.

Giám đốc kỹ thuật của SAN Group, ông Raz Hanif, cho biết là ông không hề hay biết gì về cách thức các công nhân đến Port Alberni, đồng thời quy trách nhiệm cho một nhà tư vấn về nhập cư, là người đã dàn xếp việc đưa các công nhân đến.

Vào hôm 29/6, tổ chứctừ thiện Salvation Army đã đưa 16 nam công nhân Việt đến nơi ở mới.Thành phố Port Alberni cho biết họ cam kết bảo vệ những người lao động nước ngoài và bày tỏ sự cảm ơn đối với mọi người về sự trợ giúp cho 16 người Việt này.

https://www.voatiengviet.com/a/muoi-sau-nam-cong-nhan-viet-duoc-giai-cuu-khoi-dieu-kien-song-toi-te-canada/7684689.html

No comments:

Post a Comment