Monday, July 22, 2024

Tin Tức: Thứ Hai 22.07.2024

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Vân Hà & Miên Dương trình bày sau đây.

1/ ÔNG JOE BIDEN RÚT LUI, ỦNG HỘ BÀ KAMALA HARRIS RA TRANH CỬ

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tuyên bố ông sẽ chấm dứt chiến dịch tái tranh cử, nói rằng "điều này vì lợi ích cao nhất của đảng và đất nước".

Thông báo chấn động này được đưa ra chỉ còn 197 ngày trước khi người Mỹ tiến hành bỏ phiếu. Điều này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đua vào tòa Bạch Ốc.

Tổng thống Joe Biden, 81 tuổi, đã hứng chịu những áp lực dữ dội từ cử tri và các đảng viên Dân chủ sau màn tranh luận gây thất vọng khi ông nói năng ấp úng trước cựu Tổng thống Donald Trump vào cuối tháng 6.

Sau thông báo vào tối Chủ Nhật 21/7, Tổng thống Biden đã lên tiếng ủng hộ cấp phó của mình là bà Kamala Harris làm ứng viên thay thế. Ông cho biết quyết định đầu tiên của ông với tư cách là ứng cử viên của đảng vào năm 2020 là chọn bà Harris và đó là quyết định sáng suốt nhất mà ông đã đưa ra.

Ông Biden nói thêm rằng ông sẽ chỉ tập trung vào hoàn thành nhiệm vụ của mình ở cương vị tổng thống trong phần còn lại của nhiệm kỳ.

Những lời kêu gọi ông Biden rút khỏi cuộc đua tranh cử bắt đầu sau màn tranh luận được cho là thảm hại vào cuối tháng 6 trước cựu Tổng thống Donald Trump. Trong cuộc tranh luận, ông bị chỉ trích vì nói năng không mạch lạc và giọng nói  quá yếu.

Vào hai tuần trước, Tổng thống Biden đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo khối NATO, nhưng lại lập lại nhiều sai lầm trong vụ này khi ông gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là “Tổng thống Putin” và đã gọi Phó tổng thống Harris là “Phó tổng thống Trump”.

Sau khi có tin ông Biden rút lui, Ủy ban Toàn quốc của đảng Dân chủ đang tổ chức một cuộc họp khẩn. Trọng tâm sẽ là đại hội toàn quốc diễn ra vào tháng tới tại Chicago.

Ông Biden đã vượt qua các cuộc bầu cử sơ bộ, có nghĩa là các đại diện của mỗi bang tại đại hội đã cam kết bỏ phiếu cho ông, mặc dù giờ đây họ có thể bỏ phiếu cho một ứng cử viên khác.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjm98yp9wklo

2/ PHILIPPINES TỪ CHỐI ĐỀ NGHỊ CỦA MỸ TRONG VIỆC TIẾP TẾ CHO BÃI CỎ MÂY

Hoạt động tiếp tế cho con tàu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây sẽ hoàn toàn do Philippines đảm nhiệm. Vào ngày 21/7, Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines đã gián tiếp từ chối đề nghị  hỗ trợ của Mỹ sau khi cố vấn an ninh tòa Bạch Ốc Jake Sullivan khẳng định là Hoa Kỳ sẽ làm những gì cần thiết để giúp Philippines tiếp tục tiếp tế cho lực lượng đồn trú ở Bãi Cỏ Mây sau hàng loạt vụ xô xát với lực lượng hải cảnh Trung Cộng.

Ông Jonathan Malaya, phát ngôn nhân của cơ quan nói trên, khẳng định nước Phi xem nhiệm vụ này là hoàn toàn của người Phi. Theo ông  Malaya, đây là đường lối và là chính sách hiện tại, mặc  dù sau này có thể thay đổi tùy theo quyết định của cấp cao. Philippines đánh giá cao đề nghị của Mỹ và sẽ tiếp tục tham vấn với tư cách là đồng minh.

Một ngày trước đó, phát biểu tại điễn đàn an ninh Aspen ở tiểu bang Colorado, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Philippines trong khuôn khổ hiệp ước phòng thủ chung song phương. Theo đó thì bên kia sẽ bảo vệ bên bị tấn công trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vũ trang, ý muốn nói đến vụ đụng độ hôm 17/6 khi lực lượng hải cảnh Trung Cộng cầm dao gậy và búa rìu xông lên tàu Philippines để ngăn họ tiếp tế cho lực lượng đồn trú trên chiếc tàu BRP Sierra Madre ở Bãi Cỏ Mây.

Philippines đang tham gia cuộc tập trận quy mô lớn Pitch Black ở lãnh thổ Bắc Úc từ ngày 15/7 đến ngày 2/8 để thực thi cam kết đối với an ninh và ổn định khu vực. Vào ngày 20/7 tại cảng Darwin, Đại tá Randy Pascua cho biết cuộc tập trận với 19 nước là cơ hội để không quân Philippines được huấn luyện và nâng cao khả năng tác chiến vì nước Phi đã mất khả năng phòng không trong nhiều thập niên qua.

Theo ông Pascua, Philippines dự trù sẽ mua hơn 20 chiến đấu cơ đa năng. Quyết định được chính phủ thông qua trong tháng 7 nhưng không cho biết rõ số lượng. Tư lệnh quân đội Philippines Romeo Brawner cho rằng đã đến lúc Manila cần mua chiến đấu cơ “nhanh hơn và hiện đại hơn” vì các chiến đấu cơ FA-50 do Nam Hàn chế tạo không còn đủ khả năng để bảo vệ đất nước.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240721-philippines-t%E1%BB%AB-ch%E1%BB%91i-%C4%91%E1%BB%81-xu%E1%BA%A5t-h%E1%BB%97-tr%E1%BB%A3-c%E1%BB%A7a-m%E1%BB%B9-trong-ho%E1%BA%A1t-%C4%91%E1%BB%99ng-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BA%BF-%E1%BB%9F-b%C3%A3i-c%E1%BB%8F-m%C3%A2y

3/ CẢNH SÁT BANGLADESH BẮN ĐẠN THẬT VÀO NGƯỜI BIỂU TỈNH

Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đang đối mặt với một cuộc nổi dậy chưa từng có, với phong trào đòi thay đổi hạn ngạch tuyển công chức đầy thiên vị.

Đây là phong trào xuất phát từ giới sinh viên, suốt một tuần qua đã lan rộng khắp dân chúng và biến thành cuộc đối đầu giữa người biểu tình và chính phủ.

Vào hm thứ Bảy 20/7, cảnh sát đã nổ súng bắn đạn thật vào người biểu tình ở thủ đô Dacca và quân đội được triển khai ở nhiều thành phố, khiến tình hình thêm căng thẳng. Số người thiệt mạng đến nay đã vượt qua cả 100 người.

Các báo cáo mới nhất cho biết có 130 người chết và người biểu tình đang tiếp tục thách thức cảnh sát ở mọi nơi, cho dù lệnh giới nghiêm đã được thiết lập và các trường đại học phải đóng cửa. Đại học chính là nơi phong trào biểu tình của sinh viên nổ ra. Các sinh viên bị chấn động về hạn ngạch tuyển dụng công chức dành cho con em các anh hùng giành độc lập cho đất nước, điều mà họ xem là sự phân biệt đối xử.

Cho dù mạng lưới Internet bị cắt, các video vẫn lan truyền trên các mạng xã hội. Cư dân mạng thấy những hình ảnh cảnh sát bắn đạn thật vào đám đông. Thủ tướng so sánh những người biểu tình với các đặc vụ của Pakistan, liên tưởng đến cuộc chiến tranh năm 1971, khiến người biểu tình phẫn nộ.

Vào hôm Chủ nhật là một ngày mang tính quyết định, bởi vì tòa tối cao Bangladesh phải ra phán quyết về những hạn ngạch tuyển dụng gây tranh cãi này. Việc tòa này hủy bỏ hạn ngạch có thể sẽ bình ổn tình hình, cho dù một số người biểu tình hiện giờ đòi hỏi thủ tướng Sheikh Hasina từ chức. Nếu tòa giữ nguyên hạn ngạch tuyển dụng đó thì sẽ làm nghiêm trọng thêm tình hình căng thẳng vốn đã lên tới cực độ.

Thế giới đang dồn sự chú ý  tới Bangladesh, đất nước với 171 triệu dân. Ấn Độ, một nước láng giềng và là đồng minh của Bangladesh, xem tình hình là đáng lo ngại và đã cho di tản hơn một ngàn sinh viên đang du học ở nước này. Hoa Kỳ và Canada đều thể hiện quan ngại về tình hình bạo lực.

Thế nhưng tòa tối cao Bangladesh không hủy bỏ hạn ngạch, nhưng có hành động xoa dịu bằng cách cắt giảm hạn ngạch truyển dụng con cháu của những người đấu tranh giành độc lập cho đất nước vào các vị trí công chức. Tòa tối cao Bangladesh vào hôm qua kêu gọi các sinh viên tham gia phong trào đấu tranh trở lại trường học.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20240721-bangladesh-c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t-b%E1%BA%AFn-%C4%91%E1%BA%A1n-th%E1%BA%ADt-v%C3%A0o-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-bi%E1%BB%83u-t%C3%ACnh-t%C3%ACnh-h%C3%ACnh-ng%C3%A0y-c%C3%A0ng-c%C4%83ng-th%E1%BA%B3ng

4/ DO THÁI TRẢ ĐŨA VỤ PHIẾN QUÂN HOUTHI TẤN CÔNG TEL AVIV

Các chiến đấu Do Thái đã oanh kích các mục tiêu quân sự của người Houthi trong khu vực hải cảng Hodeidah ở Yemen vào hôm thứ Bảy 20/7, một ngày sau khi một máy bay không người lái (drone) của nhóm này vốn được Iran hậu thuẫn tấn công thủ đô Tel Aviv của Do Thái.

Ít nhất 80 người bị thương, hầu hết là bị phỏng nặng, trong các cuộc không kích nhắm vào các cơ sở dầu mỏ và nhà máy điện tại Hodeidah, theo thông tấn xã Al-Masirah của nhà nước Houthi ở Yemen.

Phát ngôn nhân quân đội Do Thái cho biết hải cảng Hodeidah đã được lực lượng Houthi xử dụng để tiếp nhận các vũ khí từ Iran. Quan chức này cho biết các mục tiêu cách Do Thái hơn 1700 cây số, bao gồm các địa điểm có mục đích xử dụng như cơ sở hạ tầng năng lượng.

Do Thái đã báo cho các đồng minh biết trước vụ oanh kích, với quân đội cho biết là được thực hiện bởi các chiến đấu cơ F-15 của Do Thái và tất cả đều trở về an toàn.

Hội đồng Chính trị Tối cao của người Houthi cho biết sẽ có phản ứng “hữu hiệu” trước các cuộc không kích của Do Thái. Phát ngôn nhân quân đội Houthi cũng tuyên bố lực lượng Houthi sẽ không ngần ngại tấn công các mục tiêu trọng yếu của kẻ thù Do Thái.

Vụ oanh kích Yemen, theo các quan chức Do Thái cho biết diễn ra sau hơn 200 cuộc tấn công của người Houthi nhắm vào Do Thái, làm nổi bật nỗi lo sợ là cuộc chiến ở Gaza sẽ trở thành một cuộc xung đột lớn trong khu vực.

Vào hôm thứ Sáu tuần trước, một drone tầm xa do Iran sản xuất được phóng từ Yemen đã lao vào trung tâm thành phố Tel Aviv, khiến một người thiệt mạng và bốn người khác bị thương. Lực lượng Houthi đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ này.

https://www.voatiengviet.com/a/israel-oanh-kich-muc-tieu-houthi-yemen/7706299.html

 

No comments:

Post a Comment