Saturday, July 20, 2024

CÁI CHẾT CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNGVÀ CÔNG CUỘC ĐẤU TRANH DÂN CHỦ HÓA VIỆT NAM

Quan Điểm

Sau một thời gian dài với nhiều tin tức đồn đoán, suy diễn, chiều hôm qua, Thứ Sáu, ngày 19 tháng 7 năm 2024, tin Tổng Bí Thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG qua đời đã được các cơ quan tuyên truyền của đảng đồng loạt loan tải.

Là người cầm đầu đảng CSVN liên tục 13 năm, Ông Trọng từ trần sẽ ảnh hưởng như thế nào đến công cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ của Việt Nam? Để trả lời câu hỏi này, mời quý thính giả theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ, với tựa đề: “Việt Nam Và Cái Chết Của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng”, (thay cho chuyên mục Danh Nhân Nước Việt) sẽ được Hướng Dương trình bày để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Thưa quý thính giả,

Chiều hôm qua, Thứ Sáu, ngày 19 tháng 7 năm 2024, các cơ quan truyền thông báo chí đồng loạt loan báo Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã qua đời lúc 13 giờ 38 phút tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thọ 80 tuổi. Ông Trọng được đưa vào điều trị tại bịnh viện này nhiều tuần liên tiếp vì sức khỏe suy giảm nguy kịch. Và cũng tại đây, một ngày trước khi ông chết, toàn thể ủy viên Bộ Chính Trị đã cùng gia đình ông tụ tập chứng kiến quyền Tổng bí thư Tô Lâm trao tặng huy chương Sao Vàng cho Ông.

Sinh ra trong một gia đình bần nông thuộc tỉnh Bắc Ninh ngày 14 tháng 4 năm 1944, ông Nguyễn Phú Trọng được kết nạp vào đảng năm 1967. Được huấn luyện chuyên về lý luận và lịch sử đảng, kể cả việc được sang Nga thụ huấn và lấy bằng Phó Tiến sĩ chuyên ngành “xây dựng đảng”, ông Trọng có thể xem là một cán bộ cộng sản thuần thành.

Hơn thế nữa, ròng rã từ cuối năm 1967 đến khi tham gia chính trường năm 1996, ông Trọng đã miệt mài phục vụ tại cơ sở Tạp chí Học tập (tiền thân tạp chí Cộng sản), cơ quan truyên truyền của đảng CSVN. Trong gần một phần tư thế kỷ đó, ông Trọng đã được cất nhắc từ nhiệm vụ thư ký văn phòng lúc khởi đầu, đến chức Tổng biên tập Tạp chí vào tháng 8 năm 1991.

Những năm tháng kế tiếp, dù đã vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng hoặc Bộ chính Trị, và giữ các chức vụ như Bí Thư thành Ủy Hà Nội hoặc Chủ tịch Quốc Hội, ông Trọng vẫn thường kiêm nhiệm những nhiệm vụ liên quan đến tư tưởng và lý luận, như Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, Trưởng ban Văn Kiện các kỳ Đại Hội đảng.

Với thành tích như vậy, khi qua đời, ông Trọng được một số người gán cho cho danh hiệu “Người Cộng Sản cuối cùng”.

Dù là đảng viên thuần thành cuối cùng hay không nhưng Nguyễn Phú Trọng rõ ràng đã dành trọn đời để vun xén, tô bồi đảng của Ông. Trong bất cứ bài diễn văn, huấn từ nào, ông cũng đều nêu kêu gọi, cảnh giác đảng viên về cái gọi là hiện tương “suy thoái, biến chất – tư tưởng đạo đức cách mạng”… vân vân.

Cụ thể hơn nữa là quyết tâm diệt trừ tệ nạn tham nhũng của ông qua chiêu trò “lò đốt tham nhũng”. Thật ra từ thời các Tổng bí Thư Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh,… đều đã nói đến “quốc nạn tham nhũng”, nhưng phải chờ đến Nguyễn Phú Trọng thì sự kiện này mới nổi đình, nổi đám. Thế nhưng dù ngày đêm hô hào, cổ võ, với rất nhiều ngôn từ gợi hình hấp dẫn, kết quả vẫn là càng chống thì tham nhũng càng tràn lan!

Nguy hiểm hơn nữa là lợi dụng “lò đốt tham nhũng” của ông Trọng, các phe cánh trong đảng đã thanh trừng, hạ bệ nhau. Kết quả đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có với hàng loạt các ủy viên Bộ Chính Trị trong đó có 2 chủ tịch, 1 chủ tịch Quốc hội bị mất chức.

Tuy nhiên, nếu “diệt tham nhũng” được ông Trọng đề cao như một phẩm chất trong sạch, nghiêm minh, tôn trọng kỷ luật, thì việc Ông vi phạm điều lệ đảng, cả về hạn định tuổi tác lẫn số nhiệm kỳ, để làm Tổng Bí Thư nhiệm kỳ 3 đã trở thành một vết đen trong hồ sơ phẩm hạnh mà ông lúc nào cũng tự mãn khoe khoang!

Cũng vì muốn đảng của Ông được bên vững, Nguyễn Phú Trọng đã tỏ ra rất phục tòng đàn anh Trung Quốc. Trong 13 năm làm Tổng Bí Thư, ông đã gặp gỡ chính thức Tập Cận Bình 8 lần, trong đó đáng nói nhất là chuyến viếng thăm Bắc Kinh của ông Trọng ngày 30 tháng 10, 2022, để chúc mừng Tập Cận Bình vừa đắc cử Tổng Bí Thư kiêm Chủ tịch nước nhiệm kỳ 3 chỉ 2 ngày trước đó. Sự qụy lụy của Nguyễn Phú Trọng đối với đàn anh phương Bắc thường được nhắc qua câu nói nịnh bợ “Trà Việt Nam không ngon bằng trà Trung Quốc” khi Nguyễn Phú Trong mời Tập Cân Bình uống trà tại Hà Nội tháng 11 năm 2017.

Cũng cần nói thêm Ông Trọng thường tự hào về cái gọi là “chính sách ngoại giao Cây Tre”, tức vừa thân thiện với Bắc Kinh, vừa bắt tay với Hoa Thịnh Đốn. Nhưng dù là cây tre lúc ngả bên này, lúc nghiêng bên nọ, nhưng trong thực tế Nguyễn Phú Trọng, và có thể nói, bất cứ kẻ nào lãnh đạo đảng CSVN cũng đều có khuynh hướng thiên về Trung Cộng nhiều hơn vì Bắc Kinh là một chỗ dựa lưng vững chắc để củng cố và duy trì ngôi vị lãnh đạo độc tôn của tập đoàn này!

Cũng chính vì bảo vệ đảng của mình mà Nguyễn Phú Trọng đã áp dụng mọi biện pháp để triệt hạ không những những người bất đồng chính kiến, mà ngay cả những tổ chức xã hội dân sự như bảo vệ môi trường. Trong suốt thời gian làm Tổng Bí thư của Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam luôn là quốc gia đứng áp chót trong lãnh vực tự do báo chí!

Cho đến hôm nay, có nhiều phần chắc là Tô Lâm sẽ thay Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí Thư Đảng CSVN không chỉ cho đến Đại Hội 14 vào đầu năm 2026 mà cả những năm sau đó. Và nhiều người tỏ ý lo ngại TBT Tô Lâm, xuất thân từ ngành Công An, sẽ có những biện pháp “mạnh tay” hơn Nguyễn Phú Trọng đối với những người bất đồng chính kiến.

Tuy nhiên, công cuộc đấu tranh cho dân chủ của đất nước đã diễn ra gần 50 năm nay, và đã trải qua nhiều thử thách, thăng trầm, đối đầu với nhiều tay đầu lãnh cộng sản sắt máu. Vì vậy, dù Tô Lâm hay một tên ác ôn nào khác thì chúng ta vẫn sẵn sàng đương đầu, để tiếp tục tiến hành công cuộc đấu tranh cho đến ngày loại bỏ được chế độ độc tài toàn trị trên quê hương thân yêu.

Cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài Quan Điểm của chúng tôi./.

No comments:

Post a Comment