Saturday, July 27, 2024

Anh hùng Nguyễn Văn Đương

Danh Nhân Nước Việt

Thưa quý thính giả,

Trong cuộc hành quân vượt biên giới mang tên “Lam Sơn 719” tại Hạ Lào để cắt đứt đường tiếp vận của Cộng sản Bắc Việt, một Đại úy Pháo Binh đã tuẩn tiết bằng cách dùng súng bắn vào đầu, sau khi gọi pháo binh san bằng ngọn đồi 31 đang bị quân Bắc Việt tràn ngập.

Trong tiết mục Danh nhân nước Việt tuần này, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả bài “Anh hùng Nguyễn Văn Đương” của Việt Thái qua giọng đọc của Minh Nguyệt để chấm dứt chương trình phát thanh tối hôm nay.

Nhạc “Anh không chết đâu Anh”

Đó là một đoạn trong nhạc phẩm bất hủ của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, viết về huyền thoại vinh danh Đại úy Nguyễn Văn Đương, người đã hy sinh tại chiến trường Hạ Lào ngày 24/2/1971.

Trong cuộc phỏng vấn Trung tá Bùi Đức Lạc, sáng lập viên “Gia đình Mũ Đỏ Việt Nam”, cư ngụ tại San Jose, Bắc California. Ông là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Pháo Binh Nhảy Dù, cấp chỉ huy của Đại úy Nguyễn Văn Đương, cho biết một số chi tiết như sau:

-Năm 1967, Thiếu úy Nguyễn Văn Đương từ đơn vị Pháo Binh Dã Chiến đáo nhậm về Pháo đội C Nhảy Dù mới thành lập, được cử làm Sĩ quan Liên lạc của Đơn vị với Chiến đoàn 2 Nhảy Dù, do Trung tá Đào Văn Hùng làm Chiến đoàn trưởng, đang hành quân tại Phú Thứ, Thừa Thiên, Huế.

-Năm 1968, Thiếu úy Đương thăng cấp Trung úy, thuyên chuyển Tiểu đoàn 3 Pháo Binh Nhảy Dù mới thành lập.

-Năm 1970, Thăng cấp Đại úy, được bổ nhiệm chức vụ Pháo đội trưởng Pháo đội B3 Nhảy Dù.

-Ngày 24/2/1971, Đại úy Nguyễn Văn Đương tuẩn tiết tại căn cứ ở đồi 31, mặt trận Hạ Lào. Được vinh thăng Thiếu tá.

*****

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ miền Nam Việt Nam, nhiều chiến sĩ VNCH đã nằm xuống, hầu hết đều là chiến sĩ vô danh, ít được người đời biết đến. Một số tấm gương anh hùng đã được các nhạc sĩ viết thành ca khúc để vinh danh họ, không phải vì họ xuất sắc nổi trội hơn những người khác, nhưng qua tường thuật của giới truyền thông mà tình cờ họ đọc hay nghe được.

Qua các ca khúc viết về các vị sĩ quan của Quân lực VNCH tử trận một cách hào hùng như Hùng sử ca một người mang tên Quốc (Không quân Phạm Phú Quốc) Rừng Lá Thấp (Thủy Quân Lục Chiến Vũ Mạnh Hùng), Bắc Đẩu (Thiết Giáp Nguyễn Ngọc Bích), Người Ở Lại Charlie (Nhảy Dù Nguyễn Đình Bảo) .v.v.có lẽ “Anh không chết đâu anh” là bài hát nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết về thể loại này.

Bài hát ca ngợi cái chết của “người anh hùng mũ đỏ tên Đương”, tức Đại Úy Nguyễn Văn Đương của tiểu đoàn 3 Nhảy Dù, người đã hy sinh trên chiến trường Hạ Lào vào đầu năm 1971, được ca sĩ Nhật Trường trình bày lần đầu tiên trên các đài truyền thanh và truyền hình thời bấy giờ.

Cuộc hành quân Lam Sơn sang đất Lào, là lần thứ nhì Quân lực VNCH tiến quân ra khỏi lãnh thổ. Trước đó và năm 1970, cuộc hành quân Toàn Thắng tiến sâu vào mật khu VC bên đất Miên đã thành công rực rỡ. Nhưng lần này, quân của hai bên đều bị thiệt hại nặng nề.

Cái chết của Đại úy Pháo Binh Nhảy Dù Nguyễn Văn Đương nói riêng, và cái chết của Quân Lực VNCH nói chung, rõ ràng là đã tô điểm thêm những nét hào hùng và bi tráng cho quân sử VNCH nói riêng, và lịch sử Việt Nam nói chung, vì 2 lý do sau đây:

-Thứ nhất, Đại Úy Nguyễn Văn Đương, trong Trận Hạ Lào năm 1971, đã chọn cái chết oanh liệt ngay dưới chiến hào, bằng cách gọi pháo binh bắn lên đầu mình để tiêu diệt luôn quân Bắc Việt đông gấp bội đang tràn ngập Đồi 31, lập nên chiến tích cuối cùng trong đời trước khi giã từ vũ khí.

-Thứ nhì, cũng như cái chết của anh hùng Mũ Đỏ Nguyễn Văn Đương, cái chết vì bị bức tử của Quân Lực VNCH ngày 30/4/1975 không bao giờ là vô ích cả. Như sự thật lịch sử đã chứng minh, chỉ khi VNCH không còn, thì toàn thể dân chúng Việt Nam từ Nam chí Bắc mới tỉnh ngộ để nhận thức được rằng, so với chế độ Cộng Sản đang độc quyền cai trị đất nước VN hiện nay, thì chính thể VNCH (cho dù chỉ tồn tại 21 năm trên phân nửa đất nước) rõ ràng là chính thể tốt đẹp nhất mà người dân Việt được hưởng sau thời Pháp thuộc.

Quân lực VNCH là lực lượng thiết yếu có công bảo vệ cho giòng sinh mệnh của dân tộc tại Miền Nam Tự Do trong suốt thời gian chính thể VNCH tồn tại. Chính những hy sinh xương máu của các chiến sĩ Quân Lực VNCH, mà “người anh hùng Mũ Đỏ tên Đương” là một, đã đem lại cho dân tộc Việt một thời đại tuy ngắn ngủi nhưng huy hoàng, ngay cả trong hoàn cảnh đất nước đang bị chiến tranh tàn phá, với các di sản văn minh và văn hóa sáng ngời về văn học, giáo dục, xã hội, nghệ thuật và đặc biệt là âm nhạc.

Do đó, nhạc phẩm “Anh không chết đâu Anh” cần phải hát lên, hát nhiều lần để nhắc nhớ và để ghi ơn các chiến sĩ Cộng Hòa. Tên tuổi của anh hùng Nguyễn Văn Đương sẽ mãi sống trong lòng dân tộc.

No comments:

Post a Comment