Wednesday, September 4, 2019

Tin Tức: Thứ Tư, ngày 04/09/2019

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức sẽ được Hoàng Ân và Miên Dương trình bày sau đây

1)  THÊM MỘT GIÀN KHOAN CỦA TRUNG CỘNG SẼ VÀO VÙNG BIỂN VIỆT NAM.
Chiếc tàu cẩu có tên Lam Kình, được xem là tàu cẩu lớn nhất thế giới, đã  tiến vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam vào hôm qua, ngày thứ Ba 3/9.

Theo tin của South China News và IndoPacific SCS Info thì chiếc Lam Kình đang chuẩn bị để kéo một giàn khoan đến vùng biển Việt Nam. Hôm qua tàu này đã đến một vị trí cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, khoảng 30 hải lý về hướng nam, có nghĩa là hoàn toàn nằm trong lãnh hải Việt Nam, rất gần với mỏ dầu khí Cá Voi Xanh mà tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil liên doanh khai thác với Việt Nam. Theo một nguồn tin thì lực lượng hải cảnh Việt Nam đã bám theo chiếc Lam Kình nhưng giới báo chí lề đảng không loan tải tin này.
Chiếc Lam Kình có một cần cẩu khổng lồ, nặng hơn 4 ngàn tấn, có thể bốc dỡ một giàn khoan nặng 7 ngàn tấn vì thế chiếc tàu Lam Kình được xem là tàu cẩu lớn nhất thế giới.
2)  RÁC RƯỞI CHẤT THÀNH NÚI TRÊN ĐƯỜNG PHỐ TỈNH QUẢNG NAM.
Vì bị người dân phong tỏa bãi rác Tam Xuân 2 ở huyện Núi Thành, nên rác trong mấy tuần qua đang tràn ngập mọi đường sá của tỉnh Quảng Nam, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Các hình ảnh ghi nhận được trên quốc lộ 1 và quốc lộ 40B cho thấy các núi rác nằm dọc hai bên đường. Rác cũng chất đống tại các cửa chợ, trường học và khu dân cư suốt nhiều ngày qua. Nguyên nhân là từ cuối tháng 7 đến nay, người dân đã dựng lều, ngăn chặn các xe rác tiến vào bãi rác Tam Xuân 2 để phản đối tình trạng ô nhiễm nặng nề từ bãi rác này.
Hơn một tháng qua, các nhân viên vệ sinh chỉ thu gom một ít rác từ các nơi, đưa đến các bãi rác nhỏ để chôn lấp nhưng chỉ khoảng 550 thước khối rác mỗi ngày vì thế đã dẫn đến tình trạng ứ đọng rác trên đường sá càng lúc càng nhiều.
3)  DỊCH TẢ HEO PHI CHÂU ĐÃ LAN TRÀN TRÊN TOÀN QUỐC. 
Vào hôm qua, nhà cầm quyền tỉnh Ninh Thuận lên tiếng xác nhận là dịch tả heo Phi châu đã bộc phát ở tỉnh này, trở thành địa phương cuối cùng bị nhiễm dịch.
Theo loan báo của Sở Thú y Ninh Thuận, ổ dịch đầu tiên được phát giác là tại một trang trại nuôi hơn 350 con heo ở thị trấn Tân Sơn. Tính đến ngày 11/7 vừa qua, tỉnh Ninh Thuận là nơi duy nhất không bị nhiễm dịch tả heo Phi châu, trong khi trên toàn quốc đã phải tiêu hủy hơn 3 triệu rưởi con heo nhiễm dịch và cho đến bây giờ vẫn chưa khống chế được dịch bệnh.
Mặc dù dịch tả heo Phi châu không lây sang con người nhưng các con heo nhiễm dịch sẽ có nguy cơ mắc thêm các chứng bệnh khác như tai xanh, lở mồm long móng hay thương hàn. Nếu ăn trúng những con heo bệnh này, có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở con người.
4)  KẾT QUẢ PHÁ ÁN CHỈ THU HỒI ĐƯỢC 20% SỐ TÀI SẢN BỊ THAM NHŨNG.
Lực lượng chống tham nhũng tại Việt Nam càng lúc càng bộc lộ rõ khả năng yếu kém qua một báo cáo mới nhất cho thấy mức độ thu hồi tài sản bị tham nhũng không đến 20%.
Điển hình là trong một vụ án tham nhũng được chứng thực là 1 ngàn tỷ đồng nhưng sau mấy tháng kiểm kê lục soát và bán đấu giá, chỉ mang về cho công quỹ 55 tỷ đồng tức chưa tới 18%. Và trong tổng số 7 tỷ Mỹ kim buộc phải thu hồi theo phán quyết của tòa án, lực lượng thi hành án chỉ thu về được 800 triệu Mỹ kim, tính đến cuối năm ngoái.
Các số liệu nói trên nằm trong báo cáo của ủy ban tư pháp quốc hội vào hôm qua, với hàng loạt lý do biện hộ cho tình trạng yếu kém khi thu hồi tài sản tham nhũng, một trong các biện pháp mà giới lãnh đạo CS Việt Nam khoe khoang là sẽ ngăn chận được quốc nạn tham nhũng. Một thắc mắc mà dư luận tại Việt Nam đưa ra là có gì bảo đảm và minh bạch để chứng minh rằng lực lượng chống tham nhũng này lại không bỏ túi riêng những khoản tiền khổng lồ cho chính mình.
5)  TẬP ĐOÀN ẤN ĐỘ MUỐN VIỆT NAM GIA TĂNG THỜI HẠN THĂM DÒ DẦU KHÍ.
Tập đoàn Dầu khí Ấn Độ vừa đề nghị Việt Nam tăng thêm thời hạn 2 năm cho giấy phép thăm dò dầu khí tại một khu vực thuộc thềm lục địa Việt Nam.
Đề nghị nói trên được phía Ấn Độ đưa ra vào tháng 5, theo đó thì tập đoàn này muốn triển hạn thêm một lần nữa trong việc thăm dò tại lô B-128, nơi mà giấy phép đã hết hạn từ giữa tháng 6 năm nay. Theo giải thích thì cách đây 2 năm, công ty con OVL của tập đoàn Ấn Độ đã khoan dò tại lô B-128 nhưng chưa đủ độ sâu, vì thế muốn xin gia hạn để tiếp tục thăm dò.
Năm 2006, Việt Nam đã cấp giấy phép cho công ty OVL thăm dò lô dầu nói trên ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam. Tuy nhiên lô dầu này cũng nằm trong khu vực mà Trung Cộng tuyên bố là chủ quyền.
6)  HÀ TĨNH CÓ NGUY CƠ BỊ LỤT LỚN.
Sau vài ngày mưa lớn, kèm theo việc xả lũ ào ạt của các đập thủy điện, một số xã huyện thuộc miền núi Hà Tĩnh đang bị cô lập dưới làn nước lũ, trong khi các vùng trung du và hạ lưu của Hà Tĩnh có nguy cơ lụt lớn khi dòng nước tràn về.
Tại huyện Hương Khê, vào sáng thứ Ba 3/9, nước lũ đã tràn về các xã Hương Thủy, Hương Giang, Hương Xuân, Hương Vĩnh và Hương Đô. Tại huyện Vũ Quang, đập thủy điện Hố Hô vội vã xả lũ khiến xã Đức Bồng biến thành biển nước. Tại huyện Hương Sơn, 7 xã cũng ngập sâu, gần như bị cô lập.
7)  TỔNG ĐỐC HỒNG KÔNG NHẤT QUYẾT KHÔNG TỪ CHỨC.
Sau khi một đoạn ghi âm phiên họp kín bị tiết lộ, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, tổng đốc Hồng Kông, vào hôm qua lên tiếng khẳng định là bà không hề có ý định từ chức.
Khác với lời lẽ bị lén ghi âm trong cuộc gặp gỡ một số thương gia Hồng Kông, bà Lâm tuyên bố là suốt 3 tháng qua, bà và các cộng sự viên đều muốn ở lại chức vụ để giải quyết cơn khủng hoảng tại khu tự trị này. Bà cho biết là cũng không hề đề cập đến việc từ chức trong các cuộc thảo luận với Bắc Kinh.
Vào chiều hôm qua, thứ Ba 3/9, một lần nữa Trung Cộng lên tiếng ủng hộ bà Lâm nhưng kèm theo lời cảnh cáo là chớ nên để cho tình hình Hồng Kông thêm căng thẳng nếu không thì nhà cầm quyền trung ương sẽ can thiệp.
8)  GIỚI SINH VIÊN HỌC SINH HỒNG KÔNG TIẾP TỤC BÃI KHÓA VÀ BIỂU TÌNH.
Cuộc bãi khóa của giới sinh viên, học sinh Hồng Kông đã bước sang ngày thứ 2 của niên khóa mới để yêu cầu nhà cầm quyền phải thỏa mãn 5 yêu sách.
Yêu sách thứ nhất là phải dẹp bỏ vĩnh viễn dự luật dẫn độ. Yêu sách thứ hai là không được chụp mũ dân biểu tình là “bạo loạn” hay “khủng bố”. Thứ ba là trả tự do cho những người bị bắt trong các cuộc xuống đường suốt 3 tháng qua. Thứ tư là mở cuộc điều tra độc lập về các hành vi đàn áp nặng tay của giới cảnh sát. Và yêu sách thứ 5 là để cho người dân Hồng Kông được tự do bầu cử và ứng cử vào các ghế lãnh đạo.
Tuy nhiên, các yêu sách nói trên đã bị Tổng đốc Carrie Lâm thẳng thừng bác bỏ.

No comments:

Post a Comment