Thursday, September 19, 2019

Hai chữ NƯỚC NHÀ (Phần 1)

Thi Ca Yêu Nước

Giới thiệu bài thơ “hai chữ nước nhà” của Á Nam Trần Tuấn Khải. Tác giả sinh năm 1895 tại làng Quang Xán huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định (nay là xã Mỹ Hà huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam). Ông mất ngày 7 tháng 3 năm 1983 tại Sài Gòn thọ 89 tuổi.

Câu chuyện Nguyễn Phi Khánh bị quân nhà Minh bắt giải về Tàu, con trai là Nguyễn Trãi muốn đi theo phụng dưỡng cha cho tròn đạo hiếu, nhưng đến ải Nam Quan, Phi Khanh đã khuyên con hãy trở về nuôi chí lớn trả thù nhà đền nợ nước.
Nghe lời cha Nguyễn Trãi đã quay về  và giúp Lê Lợi dựng nên nghiệp lớn. Sự kiện cách đây hơn 5 thế kỷ đã trở thành bài học tác động đến suy tư và quyết định của nhiều lớp trẻ qua dòng lịch sử nước nhà. Trong bối cảnh Việt Nam hôm nay, tuy chưa bị giặc Hán chiếm đóng như thời Nhà Minh, nhưng những kẻ nội gián Cộng Sản Việt Nam đang tiếp tay cho giặc, dẫn đến nguy cơ đất nước có thể sẽ rơi vào vòng nô lệ một ngày không xa.
TCYN mời quí thinh giả nghe bài thơ “Hai chữ nước nhà” của Á Nam Trần Tuấn Khải, ông vừa là một thi sĩ, một nhà báo, một nhà giáo, nhà biên khảo và  dịch thuật. Bài thơ được viết theo thể song thất lục bát, xuất bản năm 1924. Tác giả lấy điển tích Phi Khanh khuyên Nguyễn Trãi để bày tỏ lòng yêu nước của mình và của những người cùng trang lứa trong thời Pháp Thuộc vào đầu thề kỷ 20, thời kỳ mà phong trào trí thức trẻ  nô nức vùng lên chống thực dân Pháp từ Phong Trào Đông Du đến Việt Nam Quốc Dân Đảng…..
Mở đầu tác giả vẽ lên bức tranh nơi biên ải với cảnh cha con chia ly không có ngày gặp lại giữa núi rừng âm u ảm đạm. Phi Khanh nhìn con khi dòng lệ đang tuôn trào, ông ôn tôn nhưng cương quyết, khuyên Nguyễn Trải hãy nhớ lời cha dặn:
Chốn Ải Bắc mây sầu ảm đạm
Cõi trời Nam gió thảm đìu hiu
Bốn bề hổ thét chim kêu
Đoái nom phong cảnh như khêu bất bình

Hạt máu nóng thấm quanh hồn nước
Chút thân tàn lần bước dậm khơi
Trông con tầm tã châu rơi
Con ơi con nhớ lấy lời cha khuyên:
Phi Khanh mở trí con bằng chính lịch sử đấu tranh của nòi giống Lạc Hồng chống lại thế lực của kẻ xâm lăng để giữ yên bờ cọi, chứng minh qua những tấm gương kiêu hùng trong suốt mấy ngàn năn lịch sử. Nay sơn hà trong cơn quốc biến, máu người dân tuôn đổ, tiếng khóc than gập trời ngay trên mảnh giang sơn ơn trời đã dành cho nòi giống Tiên Rồng.
Giống Hồng Lạc hoàng thiên đã định
Mấy ngàn năm suy thịnh đổi thay
Trời Nam riêng một cõi này
Anh hùng, hiệp nữ xưa nay kém gì!

Than vận nước gặp khi biến đổi
Để quân Minh thừa hội xâm lăng
Bốn phương khói lửa bừng bừng
Xiết bao thảm họa xương rừng máu sông!
Kẻ xâm lăng khác dòng lạ giống kia, chúng  đâu có màng đến khổ đau của người dân bị trị. Con hãy nhìn cơ đồ đổ nát tan hoang, khiến cho trời sầu đất thảm, nên chí làm trai phải thấm thía cái đau của đồng loại.
Nơi đô thị thành tung quách vỡ
Chốn dân gian bỏ vợ lìa con
Làm cho xiêu tán hao mòn
Lạ gì khác giống dễ còn thương đâu!

Thảm vong quốc kể sao cho xiết
Trông cơ đồ nhường xé tâm can
Ngậm ngùi đất khóc giời than
Thương tâm nòi giống lầm than nỗi này!
Phi Khanh đã mở trí cho Nguyễn Trãi thấy những sự thật phũ phàng trước mắt, kìa lòng uất hận của người dân dâng cao như khói bốc lên nơi núi Nùng, niềm đau dân tộc lai láng như sóng cuộn trên Sông Hồng. Rồi đến phút phải chia ly, Phi Khanh đã đặt ra cho Nguyễn Trãi một thách đố phải quyết định chon lựa:
Khói Nùng Lĩnh như xây khối uất
Sóng Long Giang nhường vật cơn sầu
Con ơi! càng nói càng đau…
Lấy ai tế độ đàn sau đó mà?

Cha xót phận tuổi già sức yếu
Lỡ sa cơ đành chịu bó tay
Thân lươn bao quản vũng lầy
Giang sơn gánh vác sau này cậy con
Phi Khanh còn chỉ cho Nguyễn Trái thấy ngay cả đám cỏ lau nơi biên ải cũng ngả về mỗi hướng như đánh dấu mốc phân định biên cương. Trên những đám cỏ lau ấy còn vấy máu của những anh hùng dân tộc khi chiến đấu để dựng ngọn cờ độc lập cho nước nhà.
Con nên nhớ tổ tông khi trước
Đã từng phen vì nước gian lao
Bắc Nam bờ cõi phân mao  
Ngọn cờ độc lập máu đào còn dây

Kìa Trưng nữ ra tay buồm lái
Phận liễu bồ xoay với cuồng phong
Giết giặc nước, trả thù chồng
Nghìn thu tiếng nữ anh hùng còn ghi

Kìa Hưng Đạo gặp khi quốc biến
Vì giống nòi quyết chiến bao phen
Sông Bạch Đằng phá quân Nguyên
Gươm reo chính khí nước rền dư uy
Những chứng tích kia còn ghi trong sử sách, giờ đây cha con ta còn đứng trên phần đất của tổ tiên, nhưng đang bị kẻ ngoại xâm dày xéo để phải chia ly đôi đường. Phận con làm trai nước Việt, phải khắc ghi hai chữ NƯỚC NHÀ, nếu để nước mất ắt nhà cũng sẽ tan.
Giở lịch sử gươm kia còn tỏ
Mở dư đồ đất nọ chưa tan
Giang san này vẫn giang san
Mà nay sẻ nghé tan đàn vì ai?
Con nay cũng một người trong nước
Phải nhắc câu “Gia, Quốc” đôi đường
Làm trai hồ thỉ bốn phương
Sao cho khỏi thẹn với gương Lạc Hồng
Những vần thơ Trần Tuấn Khải viết đã gần một thế kỷ qua, nhưng rất phù hợp với hoàn cảnh nước nhà hôm nay, khi thấy những lớp trẻ Việt Nam được đào tạo dưới mái trường XNCH, tỏ ra vô cảm trước những khổ đau của người dân, và thờ ơ trước âm mưu Hán hóa của Tàu cộng. Thật là hổ thẹn đến chín người, khi chứng kiến hàng ngàn bạn trẻ VN xô đẩy chen lấn nhau để được đến gần một nghệ sĩ Hàn Quốc, hoặc hình ảnh một thanh niên ôm hôn cái ghế mà người ca sĩ ngoại quốc đã ngồi. Thật là đau lòng khi so sánh những hình ảnh tương phản như vừa nói với hằng hằng lớp lớp học sinh sinh viên Hồng Kong lúc này đang tranh đấu cho lý tưởng cao đẹp là tự do và nhân quyền cho người dân của họ, và sẳn sàng đương đầu với sự đàn áp dã man của cảnh sát.
MN, HS, BC và KA xin mời quí thinh giả đón nghe phần 2 bài thơ “Hai chữ Nuớc Nhà” trong TCYN lần tới.

No comments:

Post a Comment