Tuesday, September 24, 2019

Tin Tức: Thứ Ba, ngày 24/09/2019

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý vị cùng theo dõi phần Tin Tức với Mỹ Linh Bá Cơ.

1)  CHIẾN HẠM TRUNG CỘNG LẠI RÚT LUI KHỎI BÃI TƯ CHÍNH
Vào sáng Chủ Nhật 22/9, đoàn tàu Hải Dương 8 của Trung Cộng lại rời Bãi Tư Chính, trực chỉ đảo Đá Chữ Thập nhưng vẫn lưu lại một tàu hải cảnh vũ trang hạng nặng.

Theo ghi nhận của tổ chức giám sát hàng hải Marine Traffic, hôm qua chiếc Hải Dương 8 đang tiến về đảo Đá Chữ Thập, nơi mà Trung Cộng đã tấn chiếm vào 20 năm trước và bồi đắp thành một căn cứ quân sự rất kiên cố.
Đây là lần thứ 3 mà đoàn tàu Trung Cộng xâm phạm sâu vào Bãi Tư Chính, thuộc vùng đặc quyền của Việt Nam và là nơi có các lô dầu khí mà các tập đoàn ngoại quốc đang liên doanh khai thác với phía Việt Nam. Vào tuần trước, khi đáp trả yêu cầu rút lui của phía Việt Nam,  phát ngôn nhân Trung Cộng công khai tuyên bố Bãi Tư Chính là thuộc chủ quyền Trung Cộng và yêu cầu phía Việt Nam phải chấm dứt mọi hoạt động khai thác dầu khí ở vùng biển này.
Điều trùng hợp là đúng ngày tàu HD 8 rút khỏi Bãi Tư Chính, nhà cầm quyền Việt Nam cũng đình hoãn buổi tọa đàm về việc Trung Cộng xâm lấn vùng biển này, dự trù diễn ra vào hôm Chủ nhật 22/9. Một số nguồn tin cho biết là buổi hội thảo sẽ chú trọng đến vấn đề có nên kiện Trung Cộng ra tòa án quốc tế về việc xâm phạm hải phận Việt Nam hay không.
2)  VIỆT NAM SẼ CÓ LỢI NẾU KIỆN TRUNG CỘNG RA TÒA ÁN QUỐC TẾ
Trong hai tuần qua, hơn 9 tổ chức và 700 trí thức Việt Nam đã ký tên vào một kiến nghị kêu gọi giới lãnh đạo CS Việt Nam hãy kiện Trung Cộng ra tòa án quốc tế về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Hầu hết các chuyên gia ký tên vào bản kiến nghị nói trên đều có chung nhận định là Việt Nam sẽ thắng kiện, tương tự như Philippines đã thắng kiện về chủ quyền vùng biển Scarborough mà Trung Cộng tự nhận là của họ.
Những chữ ký đầu tiên trong thư đến từ các nhà trí thức nổi tiếng ở Việt Nam như Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, Tiến sĩ Chu Hảo, nhà văn Nguyên Ngọc và nhiều chuyên gia ở hải ngoại. Lá thư được đưa ra khi Trung Cộng dàn quân ở Bãi Tư Chính để sách nhiễu các giàn khoan dầu khí ở vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 160 hải lý.
Lá thư khẳng định đây là thời điểm thuận lợi nhất để kiện Trung Cộng ra tòa án quốc tế vì rõ ràng là Trung Cộng đã vi phạm công ước quốc tế về luật biển. Không chỉ như thế, lá thư còn đề nghị là đòi hỏi Trung Cộng phải trả lại các hòn đảo mà họ đã chiếm ở Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội nâng quan hệ với Mỹ lên diện “đối tác toàn diện”.
3) NGƯỜI VIỆT Ở NHẬT LẠI XUỐNG ĐƯỜNG CHỐNG TRUNG CỘNG 
Vào trưa Chủ nhật 22/9, hàng trăm người Việt ở Nhật lại xuống đường tuần hành để phản đối Trung Cộng xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Cuộc biểu tình lần thứ 3 diễn ra tại thành phố Osaka, với 200 người tiến đến tòa lãnh sự Trung Cộng để hô to các khẩu hiệu phản đối giặc Tàu xâm lấn hải phận Việt Nam. Trong đoàn biểu tình không chỉ có người Việt tị nạn nhiều năm ở Nhật, mà còn có rất đông người Việt sang Nhật để du học hoặc lao động. Một du học sinh cho biết là người dân trong nước không dám xuống đường vì sợ hãi bị đàn áp, nhưng đối với các du học sinh Việt thì không có gì phải sợ hãi khi xuống đường để bày tỏ lòng yêu nước.
4)BÁO CHÍ NAM HÀN PHANH PHUI VỤ 9 NGƯỜI THUỘC PHÁI ĐOÀN QUỐC HỘI VIỆT NAM BỎ TRỐN KHI THĂM NƯỚC NÀY
Tối qua 23/9, nhiều tờ báo Nam Hàn đồng loạt đưa tin về việc 9 người Việt Nam bỏ trốn bất hợp pháp tại nước này. Điều đáng chú ý, cả 9 người đều thuộc phái đoàn đại biểu cấp cao của Quốc Hội Việt Nam tháp tùng bà chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Nam Hàn theo lời mời của chủ tịch Quốc hội Moon Hee Sang. Chuyến viếng thăm diễn ra vào đầu tháng 12 năm 2018, tức là hơn 9 tháng trước và sự việc bị bưng bít cho tới hôm nay khi báo chí Nam Hàn đưa tin.
Phái đoàn Việt Nam gồm 162 người trong đó có 20 bộ trưởng và thứ trưởng. Theo lịch trình, sau khi kết thúc chương trình làm việc tại Nam Hàn, đoàn sẽ quay về VN từ phi trường Incheon. Tuy nhiên, có 9 người đã trốn lại.
Những người bỏ trốn đã móc nối với các đường dây trung gian để có tên trong danh sách chuyến đi, hợp thức hoá hồ sơ. Từ danh sách này, QH Nam Hàn cấp giấy mời, Bộ Ngoại giao thẩm tra việc cấp visa, Bộ Tư pháp quản lý việc xuất nhập cảnh- theo điều tra của báo chí Nam Hàn.
Đầu năm 2019, một trong số 9 người đã ra trình diện để xin về nước. Một người bị cảnh sát Nam Hàn bắt và trục xuất. Hiện vẫn còn 7 người không rõ tung tích.
Các lãnh đạo cộng sản luôn rêu rao rằng dưới sự lãnh đạo của chúng, vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. Phải chăng đó là vị thế lừa đảo, tham nhũng, ăn cắp, vi phạm nhân quyền và nỗi nhục quốc thể?
5)  HAI PHỤ NỮ PHẢN ĐỐI CHẾ ĐỘ BỊ TÒA PHÚC THẨM GIỮ NGUYÊN BÁN ÁN TÙ
Vào hôm thứ Hai 23/9, tòa phúc thẩm thành Hồ đã giữ nguyên các bản án tù mà tòa sơ thẩm đã kết án hai  bị cáo Vũ Thị Dung và Nguyễn Thị Ngọc Sương với cáo buộc “tuyên truyền chống phá chế độ”.
Đây là hai người trong số nhiều phụ nữ sử dụng mạng xã hội bị bắt giam sau khi đạo luật an ninh mạng của Hà Nội có hiệu lực vào đầu năm nay. Vào tháng 5 vừa qua, tòa sơ thẩm tỉnh Đồng Nai đã tuyên án bà Dung 6 năm tù, bà Sương 5 năm tù, với cáo buộc là “thực hiện, tàng trữ và phổ biến các thông tin tài liệu có nội dung chống phá chế độ”.
Theo cáo trạng, vào năm 2018, bà Dung 54 tuổi đã làm các tờ truyền đơn chống chế độ và rủ bà Sương 51 tuổi đi rải ở thị trấn Định Quán. Cả hai còn bị buộc tội kích động người dân xuống đường chống dự luật an ninh mạng vào tháng 10 năm 2018.
6)  TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ NGUYỄN VĂN HÓA BỊ CAI TÙ ĐE DỌA CẮT GÂN CHÂN
Bà Nguyễn Thị Huệ, chị ruột của tù nhân chính trị Nguyễn Văn Hóa, vào hôm qua tố cáo là em trai mình bị cai tù trại An Điềm, tỉnh Quảng Nam, đe dọa cắt gân chân vào tháng 7 vừa qua, trong khi đang bị biệt giam.
Lời đe dọa nói trên được anh Hóa kể cho bà Huệ trong chuyến thăm nuôi tù nhân vào hôm thứ Sáu 20/9 vừa qua. Bà Huệ cho biết thêm là trong 4 tháng bị biệt giam, anh Hóa bị nhốt trong phòng tối, không được ra ngoài hít thở không khí trong lành. Anh Hóa cũng chuyển lời đề nghị các tòa đại sứ Tây phương cử đại diện đến thăm viếng các tù nhân chính trị và lương tâm đang bị giam giữ tại trại An Điềm để biết rõ thực trạng khắc nghiệt của trại tù này.
Tù nhân Nguyễn Văn Hóa là cộng tác viên của đài Á châu Tự do,  chuyên đưa tin và viết phóng sự về các cuộc biểu tình của người dân miền trung sau thảm họa Formosa vào năm 2016. Anh bị nhà cầm quyền csViệt Nam bắt giam và tuyên án 7 năm tù vào năm 2017, với cáo buộc “tuyên truyền chống phá chế độ”.
7)  TRONG VÒNG 6 THÁNG, GẦN 2 NGÀN VỤ HỎA HOẠN XẢY RA TẠI VIỆT NAM
Gần 2 ngàn vụ hỏa hoạn đã xảy ra tại Việt Nam trong vòng 6 tháng qua, gây cho 59 người chết và 64 người khác bị thương.
Các số liệu nói trên được bộ công an báo cáo vào hôm qua trong buổi họp của cục Phòng Cháy Chữa Cháy. Theo ghi nhận của cơ quan này, ngoài số thương vong nói trên, tổng thiệt hại về tài sản cũng lên đến 650 tỷ đồng và hơn 400 mẫu rừng bị thiêu rụi. Ngoài ra, các vụ hỏa hoạn cũng dẫn đến 15 vụ nổ bom đạn, khiến 5 người chết và 15 người khác bị thương.
Trong báo cáo, bộ công an không quên phô trương là nhờ sự nhanh chóng cứu hỏa kịp thời của công an cứu hòa nên đã giảm được rất nhiều mức thiệt hại về tài sản và nhân mạng.
8)  HOA KỲ GIÚP VIỆT NAM  ĐỐI PHÓ VỚI DỊCH TẢ HEO PHI CHÂU
Vào hôm qua, ông Daniel Kritenbrink, đại sứ Mỹ tại Việt Nam, cho biết là Hoa Kỳ sẽ giúp Việt Nam ngăn chận nạn dịch tả heo Phi châu đang hoành hành trên toàn quốc Việt Nam.
Phát biểu trong cuộc hội thảo về dịch tả heo Phi châu, do tòa đại Mỹ phối hợp tổ chức với bộ nông nghiệp Việt Nam, ông Daniel tuyên bố dịch bệnh này là một trong những mối quan tâm của Hoa Kỳ trong mối quan hệ giữa hai nước Mỹ – Việt. Vì thế Hoa Kỳ sẵn sàng trợ giúp Việt Nam để đối phó với dịch tả heo Phi châu.
Theo tin đã loan, kể từ tháng 2 đầu năm, khi dịch này bắt đầu bộc phát tại tỉnh Hưng Yên, chỉ trong vòng 6 tháng đã lan sang toàn bộ 63 tỉnh thành của Việt Nam, với hơn 5 triệu con heo bị tiêu hủy, chiếm gần 10% tổng số heo đang được chăn nuôi tại Việt Nam.

No comments:

Post a Comment