Friday, September 20, 2019

Tin Tức: Thứ Sáu, ngày 20 tháng 09 năm 2019

Tin Tức

Mở đầu chương trình, mời quý thính giả theo dõi phần Tin Tức  sẽ được Bảo Trân Bá Cơ trình bày sau đây.

TRUNG CỘNG TUYÊN BỐ CHỦ QUYỀN TẠI BÃI TƯ CHÍNH
Vào hôm thứ Tư 18/9, Trung Cộng công khai tuyên bố chủ quyền tại Bãi Tư Chính, nơi diễn ra cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai nước Việt – Hoa suốt 3 tháng qua.

Trung Quốc nói Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính, nơi mà Trung Quốc gọi là Vạn An Than, và có tên tiếng Anh là Vanguard Bank. Đây là khu vực hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam theo quy định phân chia lãnh hải của LHQ, nằm cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 160 hải lý, và cách đảo Hải Nam của Trung Cộng hơn 600 hải lý.
Tuyên bố nói trên của Trung Cộng được đưa ra với mục đích phản bác lời tố cáo của Việt Nam là chiến hạm Trung Cộng đã xâm phạm hải phận Việt Nam khi bao vây giàn khoan của tập đoàn Nga Rosneft ở Bãi Tư Chính. Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Cộng, tên Cảnh Sảng, nhấn mạnh là Việt Nam đã vi phạm thỏa ước song phương Việt – Hoa khi cho phép các công ty ngoại quốc khai thác dầu khí ở khu vực này. Điều này gây sửng sốt cho giới quan sát viên vì thỏa ước song phương này không hề được công bố và không ai hiểu rõ nội dung ra sao.
LHQ KHẲNG ĐỊNH BẠO QUYỀN VIỆT NAM ĐÀN ÁP GIỚI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN
Trong báo cáo mới nhất, Tổng thư ký LHQ xác nhận là bạo quyền Việt Nam đang tiến hành chiến dịch đàn áp giới đấu tranh cho nhân quyền và thân nhân của họ, nhằm ngăn cản họ tiếp xúc với cơ quan LHQ.
Văn phòng Nhân quyền LHQ cho biết là báo cáo này đã được trình lên Hội đồng Nhân quyền LHQ vào hôm qua, thứ Năm 19/9. Báo cáo nhận định tình trạng trả thù các nạn nhân, các thành viên của xã hội dân sự đang tăng lên ở nhiều quốc gia, phản ánh qua số các trường hợp được báo cáo tăng lên trên toàn cầu. Báo cáo dựa trên thống kê  của gần 50 nước.
Trong phần trình bày về Việt Nam, LHQ liệt kê từng trường hợp đàn áp ở Việt Nam từ năm 2018 đến nay. Điển hình là 5 người Thượng ở Tây nguyên bị tra tấn vì không chịu từ bỏ đạo Tin Lành. Một trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ của tù nhân lương tâm Trương Minh Đức, bị sách nhiễu và bị cấm xuất cảnh sau khi tham dự phiên kiểm điểm nhân quyền tại Geneva vào đầu năm nay. Bà Bùi Thị Kim Phượng, vợ của tù nhân lương tâm Nguyễn Bắc Truyển, cũng lâm vào số phận tương tự.
Một vụ điển hình khác là ông Nguyễn Văn Ân, giáo dân xứ Kẻ Gai – Nghệ An, bị công an Việt Nam truy nã sau khi tường trình về một vụ bạo lực do hội Cờ Đỏ gây ra vào tháng 12 năm 2017.
DÂN TRUNG CỘNG LÀM CHỦ 21 LÔ ĐẤT SÁT PHI TRƯỜNG QUÂN SỰ ĐÀ NẴNG
Vào hôm qua, thứ Năm 19/9, nhà cầm quyền Đà Nẵng xác nhận là công dân Trung Cộng đang làm chủ 21 lô đất kế cận phi trường quân sự Nước Mặn ở quận Ngũ Hành Sơn.
Trả lời chất vấn của cử tri ở huyện Hòa Vang vào sáng hôm qua, ông Tô Văn Hùng, giám đốc sở tài nguyên Đà Nẵng, cho biết là sau khi rà soát 246 lô đất quanh phi trường Nước Mặn thì phát giác ra 21 lô đất do Trung Cộng làm chủ sau khi mua lại hoặc hùn vốn với người Việt.
Ông Hùng khẳng định là hành vi trên hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật, nhưng đến chiều, trước sự chất vấn của phóng viên báo chí, ông Hùng tuyên bố là không hề có chuyện người Tàu đứng tên trên giấy chứng nhận quyền xử dụng đất.
Trong khi đó tại Hải Phòng, nhân viên sở xây dựng vừa phát giác hàng chục căn nhà của công nhân Trung Cộng đã xây dựng bất hợp pháp tại khu công nghiệp An Dương. Đây là khu đất rộng 196 mẫu cưỡng chiếm từ giới nông dân, nhưng bị bỏ hoang suốt 8 năm trước khi tái xây dựng vào cuối năm 2016.
2 CỰU CHỦ TỊCH ĐÀ NẴNG GÂY THIỆT HẠI  GẦN 1 TỶ MỸ KIM CHO CÔNG QUỸ
Vào hôm qua, ông Trương Quang Nghĩa, bí thư thành uỷ Đà Nẵng, tiết lộ là hai cựu chủ tịch thành phố này đã gây thất thoát 20 ngàn tỷ đồng, tức gần 1 tỷ Mỹ kim, khi tiếp tay cho trùm địa ốc Vũ “nhôm” thao túng đất đai ở thành phố trong thời gian hai ông này cầm quyền.
Phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri huyện Hòa Vang, ông Nghĩa cho biết là cơ quan điều tra đã kết luận hai ông cựu chủ tịch Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến đã tiếp tay cho Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, qua các phi vụ mua bán đất công của thành phố, gây thiệt hại 20 ngàn tỷ đồng.
DÂN QUẢNG NAM XUỐNG ĐƯỜNG PHẢN ĐỐI NHÀ MÁY SẢN XUẤT CỒN GÂY Ô NHIỄM
Vào chiều hôm qua, người dân huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, đã hô hào nhau xuống đường bao vây nhà máy sản xuất cồn ở xã Đại Tân sau khi hít phải một mùi hôi thối nồng nặc tỏa ra từ nhà máy.
Theo lời kể của người dân, vào rạng sáng thứ Năm 19/9, khi trời mưa lớn thì bất ngờ một mùi hôi thối khủng khiếp bao trùm cả thôn Nam Phước, khiến họ tức ngực, khó thở. Cứ mỗi phút trôi qua, mùi hôi thối càng trở nên nồng nặc khiến nhiều người phải tháo chạy ra khỏi nhà, mang trẻ em tránh xa nhà máy.
Đến trưa, người dân xã Đại Tân hô hào nhau kéo đến nhà máy, phong tỏa mọi lưu thông ra vào nhà máy để yêu cầu giới hữu trách mở cuộc điều tra. Theo giải thích của giám đốc nhà máy, vào khuya thứ Tư 18/9, các công nhân vô tình để tràn dầu fusel khiến mùi hôi thối lan ra bên ngoài.
MƯA LỚN CỘNG VỚI XẢ ĐẬP TRỊ AN,  CẢ TỈNH ĐỒNG NAI BỊ LỤT NẶNG
Kề từ khuya thứ Tư 18/9, vì trời mưa lớn cộng với hồ Trị An ào ạt xả nước suốt mấy ngày qua, cả tỉnh Đồng Nai đã bị ngập sâu,  một người thợ hồ 50 tuổi bị dòng nước cuốn trôi.
Nhiều tuyến đường trong thành phố Biên Hòa bị ngập, khiến giao thông trở nên hỗn loạn. Nhiều căn ngập sâu hơn một thước nước. Một số trường học phải đóng cửa nhằm bảo vệ sinh mạng cho học sinh.
Trong khi đó, người dân Phú Quốc chính thức “phải sống chung với lũ” sau khi thị trấn Dương Đông lại bị ngập lụt thêm lần nữa trong vòng 3 tháng qua. Trận lụt diễn ra chỉ một giờ sau khi có cơn mưa lớn.  Nhiều gia đình lại phải chạy lụt vì nhà cửa bị ngập sâu đến ngực.
Cần nhắc lại là từ đầu tháng 8, người dân Phú Quốc đã phải “chạy lụt” hai lần, và lần này là lần thứ ba, khiến cho hơn 8 ngàn căn nhà chìm sâu trong nước.
TỈNH CÀ MAU LẠI BỊ SẠT LỞ BỜ BIỂN PHÍA ĐÔNG
Sau bờ biển phía tây, đến phiên bờ biển phía đông tỉnh Cà Mau cũng lâm vào tình trạng sạt lở nghiêm trọng.
Vào hôm qua, nhà cầm quyển tỉnh Cà Mau đã ban bố tình trạng khẩn cấp về tình trạng sạt lở bờ biển phía đông và sạt lở bờ sông ở tỉnh này. Theo báo cáo thì tổng cộng có hơn 26 cây số bờ biển bị sạt lở, nhiều nơi bị sạt có chiều dài từ 1 đến 5 cây số, nghiêm trọng là ở thị trấn Năm Căn, từ kênh Năm Ô Rô đến kênh Năm. Tại nhiều nơi, sạt lở lấn sâu vào trong đất liền cả 100 thước, hàng chục mẫu rừng phòng hộ bị cuốn xuống biển.

No comments:

Post a Comment