Friday, September 27, 2019

Cái Gọi Là Quyền Tự Do Ngôn Luận Ở Việt Nam

Quan Điểm

Trong một thể chế độc tài toàn trị, tập đoàn thống trị luôn dùng thủ đoạn phỉnh gạt, ngăn chận thông tin, che dấu sự thật để bảo vệ, củng cố ngôi vị lãnh đạo độc tôn. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ với tựa đề: “Cái Gọi Là Quyền Tự Do Ngôn Luận Ở Việt Nam” qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Kính thưa quý thính giả,
Ngày 10 tháng 9 vừa qua, Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả, Committee to Protect Journalists, có trụ sở đóng tại Paris, thủ đô Pháp Quốc, phổ biến một phúc trình đặc biệt nêu tên 10 nước có chế độ kiểm duyệt hà khắc nhất hiện nay. Đó là các nước: Eritria, Bắc Hàn, Turkmenistan, Saudi Arabia, Trung Cộng, Việt Nam, Iran, Equatorial Guinea, Belarus và Cuba.

Theo Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả, các nước trên đã hạn chế nghiêm ngặt các phương tiện truyền thông độc lập và hăm dọa các nhà báo, bịt miệng họ bằng hình phạt bỏ tù, dùng công nghệ kỹ thuật số để theo dõi hoặc sách nhiễu họ bằng nhiều hình thức.
Cũng theo Ủy Ban này, Việt Nam, Trung Cộng cùng với Ả Rập Xê-út và Iran, là 4 nước bị nêu đích danh là “đặc biệt tinh vi trong việc thực hành hai hình thức kiểm duyệt, là bỏ tù và sách nhiễu các nhà báo và gia đình họ”, Các nước này cũng đã triệt để sử dụng công nghệ kỹ thuật số để ` giám sát và kiểm duyệt mạng lưới thông tin internet cũng như truyền thông xã hội.
Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả nhấn mạnh, theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, mọi con người đều có quyền truy tìm và tiếp nhận thông tin, và quyền tự do diễn đạt. Ủy Ban cho biết 10 nước bị nêu tên đã không tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế khi nghiêm cấm, hoặc giới hạn khắt khe truyền thông độc lập, và bịt miệng các nhà báo.
Trong phần trình bày chi tiết về Việt Nam, Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả đã đề cặp đến cái gọi là “Lực lượng 47” với khối lượng nhân sự 10 nghìn quân nhân của nhà cầm quyền CS lập ra để kiểm soát thông tin trên mạng. Ủy Ban cũng xem Luật An ninh mạng vừa ban hành là một trong những biện pháp kiểm soát hà khắc mà CSVN đã áp dụng trong việc ngăn chân thông tin. Sự kiện blogger Trương Duy Nhất từng cộng tác với Đài Á Châu Tự Do bị CSVN bắt cóc tại Thái Lan đem về nhốt ở nhà giam T-16 gần Hà Nội được Ủy Ban nêu lên như một trường hợp tiêu biểu của chính sách đàn áp giới ký giả của nhà cầm quyền CSVN.
Người ta không ngạc nhiên khi thấy nhà cầm quyền CSVN đã có phản ứng khá gay gắt trước bản phúc trình của Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả.
Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 12-9, khi được hỏi về phúc trình này, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao CSVN Lê Thị Thu Hằng đã trả lời: “Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật dựa trên những thông tin không chính xác, thiếu khách quan về tình hình Việt Nam trong báo cáo nói trên”.
Và như để biện minh, bà Hằng khẳng định tại Việt Nam quyền tự do ngôn luận và quyền tự do báo chí được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan. Bà hùng hôn tuyên bố, xin trích nguyên văn, “Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận trên báo chí, không gian mạng và các hình thức khác, trong đó bảo vệ người dân trước tin tức giả, tin tức không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, tin tức bịa đặt sai sự thật, kích động hằn thù dân tộc”.
Thế nhưng bà Thu-Hằng đã không nêu rõ 2 chi tiết quan trọng sau đây:
– Thứ nhất, Hiến pháp 2013 mà bà nói đến đã không phải là bản hiếp pháp đúng nghĩa mà chỉ là 1 bản văn quy định ngôi vị lãnh đạo độc tôn và vĩnh viễn của đảng CSVN như điều 4 của hiến pháp này khẳng định.
– Và thứ hai, Luật Báo chí 2016 mà bà nói đến đã xem báo chí là công cụ để “… tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.” như qui định trong khoản b điều 4 của bộ luật này.
Và chức năng “công cụ” của báo chí lại vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của bà xác định trong Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 2019 về “Phê duyệt, quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025”, trong đó điều 1 viết, xin trích nguyên văn, “Báo chí là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và Nhà nước, diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý của Nhà nước…”
Nhưng nếu bà Lê Thị Thu Hằng đã quên, hay cố tình quên các chi tiết quan trọng trên thì Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả đã không quên. Trong phúc trình, Ủy Ban đã nêu rõ chi tiết là Luật Báo chí 2016 của Việt Nam đã “khẳng định báo chí phải phục vụ như là tiếng nói của đảng, của các tổ chức đảng và của các cơ quan nhà nước”!
Thật ra, đây không phải là lần đầu tiên Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả đã lên tiếng chỉ trích chính sách kiểm duyệt báo chí của nhà cầm quyền Hà Nội. Liên tục nhiều năm qua, Ủy Ban đều đã xếp Việt Nam vào nhóm các quốc gia có mức độ tự do báo chí thấp kém nhất trên thế giới.
Tình trạng tồi tệ này là hậu quả tất yếu của một thể chế độc tài toàn trị, trong đó tập đoàn cầm quyền luôn dùng thủ đoạn phỉnh gạt, ngăn chận thông tin, che dấu sự thật để bảo vệ, củng cố ngôi vị lãnh đạo độc tôn. Trong bối cảnh đó, mọi thông tin đều bị bóp nghẹt và quyền tự do ngôn luận bị triệt tiêu.
Chừng nào mà chế độ độc tài toàn trị cộng sản còn thống trị đất nước thì chừng đó các quyền tự do căn bản của người dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, và quyền tự do báo chí, còn bị tướt đoạt thô bạo./.

No comments:

Post a Comment