Saturday, October 6, 2018

Rút Ruột Ngân Hàng 17 Ngàn Tỉ Vẫn Thoát Tù

Những Vấn Đề Của Chúng Ta

Liên tục chương trình, mời quý thính giả theo dõi bài viết của tác giả Điền Phương Thảo với tựa đề: “Rút Ruột Ngân Hàng 17 Ngàn Tỉ Vẫn Thoát Tù: Tính Nhân Đạo Của Luật Pháp Dành Cho Ai?”, sẽ được Minh Nguyệt trình bày sau đây.

Ông Phạm Công Trung, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Xây dựng – Thương mại Việt Trung, kẻ gây ra vụ án kinh tế lớn nhất lịch sử ngành ngân hàng với tổng thiệt hại hơn 17.000 tỷ đồng đã được Tòa Án Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh “không khởi tố vì lý do nhân đạo”.

Tưởng cũng nên nhắc lại, vào ngày 20-07-2016, TAND quận Thủ Đức đã tuyên án hai cậu thanh niên là Nguyễn Hoàng Tuấn bị phạt 10 tháng tù giam và Ôn Thành Tân 8 tháng 20 ngày tù, vì tội “dùng thủ đoạn nguy hiểm” để cướp một số tài sản trị giá 45.000 đồng gồm có ba bịch me, một ổ bánh mỳ ngọt và một bịch chuối sấy để ăn cho đỡ đói. Vậy ra, trong trường hợp người phạm tội là dân đen thì “tính nhân đạo của luật pháp” không hề được “bảo đảm”.
Nghe qua cứ ngỡ thi sĩ La Fontaine viết chuyện ngụ ngôn cho thế kỷ thứ 21. Vì vào thế kỷ 17, thi sĩ cũng có câu chuyện Sư Tử, Chó Sói và Lừa như sau:
Một hôm nọ, Sư tử thú nhận mình có lỗi khi đã ăn thịt bao nhiêu là thú vật. Liền sau đó, Chó Sói đứng lên phân tích rằng bởi Sư Tử là Vua của mọi loài nên không phải áp dụng luật lệ xử phạt.Thế nhưng, khi con Lừa xưng tội trót gặm một đám cỏ non cỏn con chỉ to bằng cái lưỡi của nó khi bụng đang rất đói. Lập tức cả bọn nhao nhao phẩn nộ và con Lừa bị kết án tử.
Sư tử là Vua muôn loài, nắm giữ trong tay sức mạnh, uy thế và quyền hành, do vậy nó có khả năng “bất khả xâm phạm”. Với một xã hội bất công thì tùy vào việc người phạm tội là kẻ quyền thế hay dân đen thì tòa án sẽ xử tội nhân được trắng án hay vào tù.
Được biết, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – Xây dựng – Thương mại Việt Trung là tay nổi tiếng ăn chơi trong giới đại gia khi mua 1 lúc 27 cái đồng hồ Patek Philips với giá trị hơn 8 tỉ VND 1 cái. Rượu ngoại mua 1 lần hơn 10 tỉ, tiền và gái không kể đâu cho hết. Để rút tiền xương máu của người dân phục vụ cho nhu cầu ăn chơi hoang phí, Phạm Công Trung với vai trò là đồng phạm, đã giúp sức cho Phạm Công Danh lập ra hàng chục công ty ma để rút ruột ngân hàng 17.000 tỷ đồng, vậy mà kẻ để tiện này vẫn nghênh ngang ra vào chốn công đường và không có lấy một ngày ăn cơm tù.
Quả vậy, khi “công lý chỉ là một diễn viên hài”, tòa án chỉ là một sân khấu diễn lại những vở kịch mà “Đảng lãnh đạo” chính là tác giả kịch bản, thì chốn lao tù chỉ là nơi dành cho những tội phạm là dân chúng mình trần thân trụi. Những cán bộ đảng viên sẽ được “miễn nhiễm”, được “không khởi tố vì lý do nhân đạo”cho dù có tội phạm nghiêm trọng hại dân hại nước .
Điều đáng nói ở đây là mỗi người dân hiện nay chính là hình ảnh của con Lừa. Giống như con Lừa “vận tải”, mỗi người dân phải gồng gánh trên lưng các loại thuế má để không chỉ nuôi sống guồng máy cán bộ lãnh đạo cồng kềnh mà còn vỗ béo cho bọn sâu mọt tham nhũng. Trong vụ Phạm Công Trung, các ngân hàng bị (?) rút ruột đều được nhà nước mua lại và tổn thất này đổ vào đầu dân. Rõ ràng, người dân luôn là đối tượng chịu đựng những sự bất công, thiệt thòi. Đó chính là lý do vì sao người dân phải gánh chịu hơn 400 loại thuế phí, vì sao mỗi người Việt phải gánh chịu 35 triệu nợ công, và hiện tại khi mua 100.000 tiền xăng, người dân lại phải đóng 54.700 đồng thuế phí. Và chắc rằng không một cán bộ lãnh đạo nào cảm thấy đây là điều cực kỳ thiếu nhân đạo đối với người dân.
Thế nhưng, điều gì đã làm nên những sự trái khoáy đó ? Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đó chính là sự thiếu hiểu biết, không biết về “quyền con người”, không ý thức về “quyền công dân”, hoặc biết mà cũng im lặng. Im lặng nhìn kẻ có tội được nhỡn nhơ ngoài trại giam cũng như im lặng khi người vô tội bị giam giữ trong chốn lao tù. Tựa như con Lừa tin rằng gặm của người khác một đám cỏ chỉ to bằng cái lưỡi của nó thì đáng tội chết vậy. Vì vậy, bao dung cho tội phạm hay xử người vô tội cách bất công là luật lệ của kẻ đang cầm quyền, và khi người dân trong xã hội không cất tiếng nói bảo vệ sự thật thì cái lý luôn thuộc về kẻ mạnh là lẽ tất nhiên.
Trong vụ tranh chấp đất tại Đồng Tâm xảy ra vào tháng 5-2017, ông Bộ trưởng, Người phát ngôn Chính phủ Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đã tuyên bố rằng “dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Vậy ra pháp luật chỉ dành cho dân thôi sao? Cán bộ, giới cầm quyền được uống kháng sinh miễn nhiễm với việc thực thi công lý theo pháp luật hiện hành sao? Thật ra điều này không có gì mới lạ trong xã hội ngày nay: Dân ăn cắp ở bánh mỳ phải đi tù, quan tham nhũng hàng nghìn tỉ vẫn bình chân như vại, cùng lắm là bị cách chức, cắt khen thưởng sau khi đã về hưu. Dân tát công an ở tù là cái chắc nhưng công an đánh chết dân trong trại tạm giam là chuyện chỉ nên kiểm điểm, phê bình nội bộ… Do vậy, lời phát biểu của ông Bộ trưởng chỉ thêm phần khẳng định, hay cũng có lúc bản chất của sự việc cũng phải được phơi bày dù vô tình hay hữu ý.
Điều 7 trong Tuyên ngôn nhân quyền 1948 khẳng định: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất cứ sự phân biệt nào.” Thế nhưng phá 17 tỉ ngàn đồng mà vẫn thoát tội để “đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật” của nước CNXHCNVN, điều này một lần nữa chứng minh tính bất hủ trong nhận định của vị cựu tổng thống của Miền Nam Cộng Hoà trước kia đó là : “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm”.
Điền Phương Thảo

No comments:

Post a Comment