Friday, October 12, 2018

Sự Thật Về Ý Đảng Lòng Dân

Quan Điểm

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã thu tóm quyền lực qua việc kiêm nhiệm luôn chức vụ Chủ Tịch Nước. Để biện bạch cho chiêu trò này bộ máy tuyên truyền của đảng đã ra rả xưng tụng, gọi đây là biểu hiện của hiện tượng “ý đảng, lòng dân”. Mời quý thính giả đài ĐLSN theo dõi bài Quan Điểm của LLCQ với tựa đề: “Sự Thật Về Ý Đảng Lòng Dân” qua sự trình bày của Hải Nguyên để kết thúc chương trình phát thanh tối hôm nay.

Thưa quý thính giả,
Ngày 3 tháng 10, Ban Chấp Hành Trung Ương đảng đã đề cử Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Nước thay thế Trần Đại Quang vừa chết. Sự đề cử này chắc chắn sẽ được Quốc hội, một cơ cấu “con đẻ” của Đảng, thông qua trong phiên họp ngày 22 tháng 10 sắp tới.

Việc ông Trọng nắm giữ cả hai chức vụ chóp bu của guồng máy đảng và của nhà nước, mà thường được gọi một cách văn vẻ là “Nhất thể hóa”, thật ra không làm ai ngạc nhiên. Chẳng phải đợi đến khi ông Quang chết, dư luận mới bàn tán về việc này. Sáu tháng trước, khi ông Quang đi Nhật chữa bịnh, đã có dư luận đặt vấn đề “Nước không thể một ngày thiếu Chủ tịch”. Theo giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia người Úc về chính trường Việt Nam, ông Trọng đã vận động để nắm luôn chức Chủ tịch nước từ cả năm nay.
Nhưng chỉ khi ông Quang chết thì cuộc vận động mới rầm rộ bằng nhiều bài phỏng vấn, bình luận đăng tải trên các cơ quan truyền thông của Đảng. Nội dung các bài này, ngoài việc đánh bóng “tài” và “đức” của TBT Nguyễn Phú Trọng, còn biện bạch rằng chỉ có ông nắm giữ chức Chủ tịch nước thì mới đẩy mạnh được các chủ trương lớn của đảng, chính yếu là công cuộc chỉnh đốn Đảng và công cuộc phòng chống tham nhũng.
Hãy đặt qua một bên chiêu trò xưng tụng “tài” và “đức” của cá nhân ông Trọng, để chỉ bàn về khả năng “chỉnh đốn đảng” và khả năng “tận diệt tham nhũng” của ông.
Phải nói rằng nếu cần có một dấu ấn làm biểu tượng cho việc chấp chánh của TBT Nguyễn Phú Trong thì đó chính là nỗ lực “chỉnh đốn đảng” mà ông đã kêu gào trong suốt nhiều năm qua. Nói đến ông là nói đến Nghị quyết Trung ương 4, trong đó nhắc đi nhắc lại tình trạng biến chất, mất lập trường, thiếu đạo đức, vv.. của các đảng viên. Thế nhưng tính đến nay, sau 6 năm ông làm Tổng bí thư, tình trạng gọi là “suy thoái tư tưởng” của cán bộ, đảng viên chẳng những đã không được ngăn chận, đẩy lùi mà ngược lại còn ngày càng tăng. Chính ông đã phải thú nhận tại Hội nghị Trung ương 7 giữa tháng 5 vừa qua, là“Một bộ phận không nhỏ cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’”.
Tương tự, nói đến TBT Nguyễn Phú Trọng là nói đến phòng chống tham nhũng với bao nhiêu cuộc hội thảo, học tâp, hội nghị trực tuyến, vân vân. Hơn thế nữa, ông cũng đã thu tóm quyền lực kiểm soát và trừng trị tham nhũng bằng cách đặt Ủy Ban Phòng Chống Tham nhũng Trung ương trực thuộc Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng thay vì Thủ tướng Chính phủ như trước kia. Ông lại còn sáng chế ra nhiều thuật ngữ rất gợi hình như “lò đốt”, “củi tươi”, “củi khô”,vv … để miêu tả mong ước của ông trong công cuộc đánh dẹp tham nhũng.
Nhưng cũng như lãnh vực “chỉnh đốn đảng”, ông Trọng càng đánh thì tệ nạn tham nhũng càng bành trướng, càng trở nên trầm trọng, diễn ra khắp nơi trên đất nước, trong mọi ngành nghề, mọi cơ quan của guồng máy cai trị. Theo tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ số tham nhũng của Việt Nam năm 2011 là 112, đến năm 2017 là 107. Cần biết đây là con số do người ngoại quốc thu thập, đo lường. Sự thật, chắc chắn phải thảm hại, tồi tệ hơn nhiều!
Nhưng thật ra, dù Nguyễn Phú Trọng có kiêm nhiệm hàng trăm chức vụ thì cũng chẳng thể ngăn chận được tệ nạn tham nhũng cũng như tình trạng cán bộ, đảng viên “biến chất”, theo như cách nói của ông.
Không ngăn chận được vì hai lý do:
Thứ nhất, đây là hậu quả tất yếu của cơ chế điều hành đất nước, trong đó một đảng nắm toàn quyền sinh sát, và duy trì quyền lực này bằng thủ đoạn tuyên truyền nhồi sọ và bưng bít sự thật.
Thứ hai, với sự bùng nổ thông tin trong kỷ nguyên tin học ngày nay, không có sự thật nào có thể bị dấu nhẹm, và khi nó đã được tiết lộ thì mức độ quảng bá của nó hầu như vô giới hạn.
Vì độc quyền làm chủ nhân ông đất nước, đứng trên và đứng ngoài luật pháp, không bị một cơ quan độc lập nào chế tài, nên cán bộ, đảng viên chia phe, kết cánh để nhũng lạm, làm giầu bất chính. Các biện pháp trừng trị mà đảng rêu rao chỉ là phương cách để triệt hạ đối thủ chính trị, tranh quyền đoạt vị.
Và vì sự bùng nổ thông tin, những trò bịp bợm, tuyên truyền dối gạt của Đảng không còn che dấu được sự thực. Nhìn rõ được những thảm họa mà đất nước phải gánh chịu dưới sự cai trị của đảng CS, đặc biệt là thảm họa bị Bắc phương thôn tính, người dân, trong đó gồm cả những cán bộ, đảng viên còn lương tri và yêu nước, tất phải thức tỉnh, bất mãn và chống lại tập đoàn lãnh đạo đảng.
Điều đáng nực cười là sau khi công bố việc TBT Nguyễn Phú Trọng được Ban chấp hành Trung ương đảng đề cử kiêm nhiệm chủ tịch nước, bộ máy tuyên truyền của đảng lập tức tung tin dân chúng hoan nghênh quyết định này của Đảng, cho rằng đây rõ ràng là biểu hiện của “Ý đảng-Lòng dân”.
Sự thật là, dù “ý đảng” có muốn diễn trò bịp bợm gì để duy trì ngôi vị lãnh dạo độc tôn thì “lòng dân” cũng đã quyết – Đó là quyết phải loại bỏ chế độ CS “hèn với giặc, ác với dân”!
Trân trọng cám ơn quý thính giả đã theo dõi bài quan điểm của chúng tôi.
LLCQ

No comments:

Post a Comment