Thưa quý thính giả, ngân sách thiếu hụt trầm trọng phải
đi vay để trả những món nợ khổng lồ nhưng vẫn bày ra chuyện
xây cất mới vô bổ không lợi ích cho ai mà thực sự chỉ là một
cách, một cớ để tham nhũng thêm. Trong tiết mục Chuyện Nước Non
Mình, chúng tôi xin gửi đến quý thính giả đài ĐLSN bài viết có tựa đề:
“Nhà hát Giao hưởng 1 ngàn 500 tỷ và nước mắt Thủ Thiêm!” của
Ngô Nguyệt Hữu sẽ được Quê Hương trình bày để tiếp nối chương trình
tối hôm nay.
“Ủy ban Nhân dân thành Hồ vừa trình Hội đồng Nhân dân thành phố chủ
trương xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế tại
Khu đô thị mới Thủ Thiêm ,quận Nhì, tổng mức đầu tư hơn 1 ngàn 500 tỷ
đồng từ nguồn ngân sách.
Nhà hát được xây với quy mô 1 ngàn 700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thành phố đánh giá công trình này thật sự cần thiết và cấp bách là biểu tượng văn hóa, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của địa phương”, đây là bản tin trên báo gây nên cho tôi rất nhiều tình cảm mâu thuẫn.
Thủ Thiêm, chưa bình yên cho đến giờ phút này.
1. Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận về những sai phạm tại Thủ Thiêm, những cố ý làm trái, những ký tá vượt thẩm quyền… Đó là một kết luận mà những người dân bỗng nhiên mất đất tại Thủ Thiêm đã phải trên đầu đội đơn, bàn chân rạc ngõ, tay mòn dấu gõ cửa kêu oan gần hai mươi năm trời. Thủ Thiêm, bên cạnh những cao ốc, những khu đô thị mới, những đại công trường ngổn ngang thì còn có cả nước mắt, sự tủi phận, cơn phẫn nộ của những người dân tại nơi này. Những người dân bị bứng ra khỏi căn nhà của họ, bị tước đi quyền lưu trú trên mảnh đất hợp pháp của họ, bị chiếm đoạt những ký ức trên từng mớ rau nền nhà của họ….Thủ Thiêm, luôn ứ đọng một cơn sóng dưới đáy sông, mãi cho đến nay vẫn chưa bình lặng hay được hoá giải, lòng người vẫn âm ỉ ngóng vọng về một ngày hiện hữu hai chữ “công bằng”.
2. Trong bất cứ một quốc gia phát triển nào, cũng cần có một nhà hát giao hưởng. Để có một nhà hát giao hưởng, cần phải có nghệ sĩ, loại hình văn hoá kén chọn người thẩm thấu nghệ thuật rất cầu kỳ.
Muốn có nhà hát giao hưởng, phải có nhạc trưởng, phải có nghệ sĩ trình diễn, phải có thính giả có mức thưởng thức cao độ, phải có lòng người thoải mái hân hoan. Chứ không chỉ đơn giản có nhà hát giao hưởng nghĩa là được tăng hạng về văn hoá nghệ thuật.
Văn hoá là một quá trình, nghệ thuật cũng là một quá trình. Mà muốn văn hoá lẫn nghệ thuật phát triển, không còn cách nào khác ngoài chuyện nâng cao đời sống từ tinh thần cho đến vật chất của người dân.
Khi mà hơn mười triệu dân của thành phố vẫn hoảng hốt trước một cơn mưa vì sợ ngập nước, khi mà hơn mười triệu dân của thành phố luôn cảm thấy mỏi mệt khi kẹt xe vào giờ tan tầm, khi mà mười triệu dân thành phố vẫn hoang mang với cái cách chống ngập theo lối “nâng đường biến nhà dân thành hang”, khi mười triệu dân thành phố vẫn thấy những hàng cây bị san phẳng để cho một cây cầu vượt mấy năm trường vẫn chưa động thổ… thì bàn về nhà hát giao hưởng lúc này, cũng từa tựa như một gia đình thiếu ăn vay nợ mua xe hơi đi với mục đích duy nhất là “cho bằng thiên hạ”.
3. Quan trọng hơn hết, khi nỗi oan của người dân Thủ Thiêm vẫn chưa được giải hết thì cũng khoan bàn về chiêng trống cười đùa. Hãy thương lấy cảm xúc của nhân dân, hãy lo lắng khi lòng dân đang rệu rã.
Bao giờ Thủ Thiêm được vén mây mờ sáng tỏ, bao giờ thành phố hết bụi bẩn ngập nước kẹt xe, bao giờ những tán cây xanh vẫy vùng cùng nắng sớm… Khi ấy bàn về nhà hát giao hưởng cũng chưa muộn. Còn bây giờ, thành phố nên đẩy nhanh tiến trình giải quyết sau khi Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về những sai phạm tại Thủ Thiêm thì sẽ an dân hơn. Có thành phố nghĩa tình nào lại để lòng dân bời bời khói lửa vậy không?!
Ngô Nguyệt Hữu.
No comments:
Post a Comment