Đớn đau nòi giống cảnh lầm than,
Non nước điêu linh, dạ xốn xang.
Khảng khái, lúc cùng còn mắng giặc,
Một lòng bất khuất, dẫu nguy nan.
Đó là 4 câu của nhà thơ Nguyễn Lộc Yên nói về khí tiết của Thái bảo Nguyễn Cảnh Dị.
Nguyễn Cảnh Dị, quê ở làng Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Nguyễn Cảnh Dị là con trai của Đồng tri Khu mật viện Nguyễn Cảnh Chân.
Năm 1402, để củng cố phía Nam, Hồ Quý Ly cho lập ra 4 châu mới chiếm của Chiêm Thành, cử Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ.
Năm 1406, Trần Thiêm Bình mạo danh là con cháu nhà Trần, sang tố cáo với nhà Minh việc nhà Hồ đoạt ngôi nhà Trần. Minh Thành Tổ sai quân đưa Trần Thiêm Bình về nước lấy lại ngôi vua. Hồ Hán Thương dâng biểu xin đón Trần Thiêm Bình, nhưng khi quân Minh đến biên giới thì Hồ Hán Thương sai quân vây đánh, bắt giết Trần Thiêm Bình.
Cuối năm 1406, lấy cớ nhà Hồ không tuân chỉ, nhà Minh mang đại quân sang xâm chiếm nước Nam. Cha con Hồ Quý Ly thất trận bị bắt mang về Tàu.
Tháng 11 năm 1407, Trần Ngỗi xưng là Giản Định Đế, lập ra nhà Hậu Trần, khởi binh chống quân Minh. Quân Hậu Trần mới vừa tụ họp thì bị quân Minh đánh bại, phải chạy vào Nghệ An. Nguyễn Cảnh Chân cùng Đặng Tất và một số tướng lãnh liền mang quân đến giúp,
Giản Định Đế phong Nguyễn Cảnh Chân làm Đồng Tri khu mật Tham mưu quân sự. Từ đó, Nguyễn Cảnh Chân đóng vai trò quân sư cho Giản Định Đế.
Đầu năm 1408, Giản Định Đế điều quân đánh Nghệ An và Diễn Châu, tiêu diệt lực lượng của hai nhà quý tộc nhà Trần cũ là Trần Thúc Dao và Trần Nhật Chiêu (hai người đầu hàng quân Minh và được giao trấn giữ hai châu này).
Tướng giặc Minh là Trương Phụ liền mang đại quân vào chiếm lại Diễn Châu. Quân Hậu Trần không chống nổi nên rút về Hóa châu. Bình định xong vùng Giao Chỉ, Trương Phụ rút về Đông Quan (Hà Nội ngày nay) và mang quân về nước.
Tháng 5 năm 1408, Giản Định Đế từ Hóa Châu tiến quân ra đánh chiếm lại Nghệ An, sau đó đánh chiếm Tân Bình do Phạm Thế Căng (tướng người Việt theo quân Minh, đang trấn giữ). Sau chiến dịch này, quân Hậu Trần làm chủ từ Nghệ An tới Thuận Hóa và Giản Định Đế bắt đầu tiến quân ra Bắc.
Nhà Minh sai Mộc Thạnh, Lưu Tuấn mang 4 vạn quân sang tiếp viện. Mộc Thạnh họp với Lữ Nghị ở Đông Quan, tập trung ở bến Bô Cô.
Ngày 30/12/1408, quân Hậu Trần đánh bại quân Minh trong một trận chiến oanh liệt, giết chết Thượng thư Bộ binh Lưu Tuấn, Đô đốc Lữ Nghị, Lưu Dục và Liễu Tông. Bốn vạn quân Minh tan rã, Mộc Thạnh dẫn tàn quân chạy vào thành Cổ Lộng.
Giản Định Đế muốn thừa cơ đánh lấy Đông Quan, nhưng chưa quyết định thì viện binh quân Minh đã đến tiếp ứng đưa Mộc Thạnh về cố thủ Đông Quan.
Nguyễn Cảnh Chân thảo và gửi hịch kêu gọi toàn dân hưởng ứng đánh giặc Minh.
Tháng 3 năm 1409, Nguyễn Quỹ cùng Nguyễn Mộng Trang mật tấu là Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất làm phản nên Giản Định Đế triệu cả hai về triều, sau đó giết chết.
Sau khi Nguyễn Cảnh Chân và Đặng Tất bị giết, con của Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị cùng với con của Đặng Tất là Đặng Dung và Nguyễn Súy, đem quân vào Thanh Hóa rước Trần Quý Khoách về Nghệ An lập làm vua, để cùng chống quân Minh. Vua Trùng Quang phong chức Thái bảo cho Nguyễn Cảnh Dị.
Mặc dù lực lượng quân Hậu Trần ít hơn so với quân Minh, nhưng Nguyễn Cảnh Dị cùng Đặng Dung và Nguyễn Súy đã đánh bại quân giặc nhiều trận. Năm 1410, đạo quân này đánh tan quân Minh tại Hạ Đồng, Đô đốc giặc là Giang Hạo bỏ chạy.
Năm 1413, Trương Phụ đem đại quân đánh phá Nghệ An, quân của Nguyễn Cảnh Dị và Nguyễn Súy đã chống trả quyết liệt. Thấy quân Minh đông gấp bội, vua Trùng Quang ra lệnh vừa chống trả vừa lui binh. Nhưng cuối cùng, vua Trùng Quang, Thái bảo Nguyễn Cảnh Dị, Bình chương sự Đặng Dung, Thái phó Nguyễn Súy đều bị giặc Minh bắt.
Tướng Minh dùng lời ngon ngọt dụ hàng, nhưng Nguyễn Cảnh Dị đã dõng dạc mắng vào mặt Trương Phụ: “Ta muốn giết ngươi, lại bị ngươi bắt, đành chết chứ không hàng”. Trương Phụ tức giận ra lệnh mổ bụng và moi gan ông.
*****
Các tướng Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung và Nguyễn Súy là những nhân tài xuất hiện trong lúc đất nước rên siết dưới gót giày xâm lược của giặc Tàu. Họ đã gây tổn thất cho hàng vạn tướng sĩ quân Minh. Cái chết của họ khiến cho đạo quân kháng chiến mà họ dốc sức củng cố bị tan rã, kéo dài sự đô hộ của giặc Minh thêm nhiều năm cho đến khi đức Bình Định Vương Lê Lợi dựng lại ngọn cờ tự chủ trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Mặc dù cuộc khởi nghĩa của họ bị thất bại, thế nhưng công lao của các anh hùng Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Tất, Đặng Dung và Nguyễn Súy không hề bị quên lãng. Gương tiết liệt của họ được hậu thế ghi nhớ và họ được sử Việt ghi chép là những võ tướng oai hùng trong công cuộc chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Họ chính là niềm hy vọng trong giờ phút đen tối của đất nước. Và họ là tấm gương sáng cho thế hệ hiện nay trong bối cảnh tập đoàn lãnh đạo CSVN ươn hèn, đã và đang dâng hiến mảnh giang sơn gấm vóc cho Tàu Cộng.
Việt Thái
No comments:
Post a Comment