Sunday, June 25, 2017

Xử con – Mẹ không được mời vì… không liên quan.

ChuyệnNướcNonMình

Bà Trịnh Thị Biên, thư ký Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà nói với cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của nhà hoạt động dân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger Mẹ Nấm), rằng cô sẽ không được mời đến tham dự phiên toà sơ thẩm xét xử con gái mình vào ngày 29/06/2017 vì không liên quan đến vụ án.

Do những hoạt động cho dân quyền mà người phụ nữ vừa mới đây được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh “Người phụ nữ Quốc tế dũng cảm”, chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã bị công an tỉnh Khánh Hoà biệt giam hơn 8 tháng. Họ không để Quỳnh gặp người thân, cản trở luật sư tiếp xúc với Quỳnh mà không hề có văn bản trả lời theo quy định pháp luật.
Gần đây, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho Quỳnh mới được thông báo rằng ngày 29/06 sắp tới đây sẽ diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử chị, còn gia đình thì không hề nhận được tin tức nào về chị.
Tạm dẹp sự bực tức vì tòa án thông báo cho luật sư gần sát ngày xử, sáng nay, ngày 19/06/2017, cô Nguyễn Thị Tuyết Lan đã đến Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hoà để hỏi về giấy mời tham dự phiên toà của mình. Theo luật định cô Lan phải nhận được giấy mời trước ngày xét xử 10 ngày.
Thế nhưng, khi cô đến Toà hỏi thay vì nhận được giấy mời từ Toà thì cô được thư ký Toà, bà Trịnh Thị Biên trả lời rằng, phiên toà này có tính đặc thù và cô không có tên trong giấy mời vì không liên quan đến vụ án.
Đây là một câu trả lời hết sức phi nhân nhưng lại là một chuyện thường xuyên xảy ra trong các phiên toà xử người bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Xét xử con mẹ không được tham dự, xét xử mẹ con không được vào nghe. Mặc dù là những vụ án này đều thuộc diện công khai, nghĩa là bất cứ ai, dù không phải người thân cũng được quyền tham dự.
Nói riêng về trường hợp của blogger Mẹ Nấm, tạm gác về quan hệ mẹ con, trong quá trình công an an ninh điều tra tạm giam chị, họ đã liên tục mời, triệu tập mẹ chị là cô Nguyễn Thị Tuyết Lan lên làm việc với lý do là liên quan đến vụ án để sách nhiễu. Bây giờ không cấp giấy mời lại nói rằng cô không liên quan đến vụ án. Vậy chẳng há miệng quan trôn trẻ? Cô Lan hoàn toàn có đầy đủ quyền lợi được cấp giấy mời tham gia phiên toà xét xử con gái mình.
Theo quyết định của Toà án đây là một vụ án công khai, mà đã là công khai thì đương nhiên cô Lan hoàn toàn không cần giấy mời để tham dự. Vậy nên cho dù từ hôm nay cho đến ngày xét xử cô không nhận được giấy mời thì cũng không có nghĩa họ có quyền cản trở cô vào Toà. Việc Toà án cố tình cản trở người mẹ này được nhìn thấy con mình trong phiên tòa vừa vô nhân đạo vừa là lạm quyền.
Theo Blogger Phạm Đoan Trang thì có các trường hợp như sau:
_ Khi các đại sứ quán, các chính trị gia nước ngoài đề nghị được tham dự phiên tòa xử người bất đồng chính kiến thì an ninh Việt Nam sai tòa từ chối, lấy lý do “không bảo đảm an toàn” cho họ.
_ Khi báo chí quốc doanh xin dự phiên xử thì an ninh sai tòa và phối hợp với tòa, chọn lọc rất kỹ, xem cơ quan báo chí nào thật sự là “lề phải”, phóng viên có thẻ nhà báo không, có vấn đề gì về tư tưởng thái độ không, có tiền sử chống phá gì không… rồi mới xem xét ban cho cái giấy mời.
Lúc vào tòa, phóng viên cũng phải trình đầy đủ giấy mời, thẻ nhà báo, giấy giới thiệu của tòa soạn, phải nộp lại toàn bộ điện thoại, máy ảnh, máy ghi âm… Đặc biệt điều này không áp dụng với những trường hợp phóng viên là các đồng chí đến từ VTV, VOV, Thông tấn xã và tập đoàn các báo công an, quân đội.
_ Khi báo chí nước ngoài, các bloggers, nhà hoạt động nhân quyền xin dự thì thường tòa lờ đi không trả lời. Vào ngày diễn ra phiên xử, các bloggers, nhà hoạt động nhân quyền sẽ bị canh gác chặt chẽ, nhốt kỹ trong nhà, ai cố tình ra ngoài hoặc đến tòa hôm đó sẽ bị bắt về đồn.
Còn hôm nay, khi thân nhân gần gũi nhất – bà Nguyễn Tuyết Lan, mẹ ruột của nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ngỏ ý muốn vào tòa dự phiên xử con mình thì tòa bảo bà “không liên quan đến vụ án”. Tuy thế, trước đấy, trong quá trình điều tra con gái bà, thì công an thường xuyên triệu tập bà và 8 tháng nay vẫn liên tục rình rập canh cửa nhà bà.
Với mỗi đối tượng hoặc nhóm đối tượng, chính quyền công an trị ở Việt Nam đều có cách cư xử riêng như vậy, thật là khéo léo, biến hóa, uyển chuyển, linh hoạt.
Chỉ có một điều không thay đổi là bản chất tàn bạo, hèn hạ và trơ trẽn, vô liêm sỉ của chúng.
Trịnh Kim Tiến

No comments:

Post a Comment