GIÁO DÂN QUẢNG BÌNH XUỐNG ĐƯỜNG PHẢN ĐỐI Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
Gần 500 người dân thuộc giáo xứ Liên Hòa, tỉnh Quảng Bình, vào hôm qua đã xuống đường tuần hành phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở biển và tình trạng khai thác cát gây lở lói bờ sông.
Cuộc xuống đường bắt đầu từ 2 giờ chiều thứ Hai 26/6, dưới sự dẫn đầu của Linh mục Thân Văn Chính, quản xứ Liên Hòa thuộc giáo phận Vinh. Đoàn biều tình mang cờ ngũ sắc và những biểu ngữ mang các hàng chữ lớn như “Formosa cút khỏi Việt Nam”, “Vì đồng bào hãy khởi tố Formosa”, và “Dối trời, lừa dân, đủ muôn ngàn kế”.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc biểu tình này là người dân không thể chịu đựng nổi tình trạng khai thác cát ồ ạt, dẫn đến việc sói lở bờ sông, khiến nhiều khu mồ mả bị nước cuốn trôi. Một nguyên nhân nữa là người dân vẫn chưa được bồi hoàn thỏa đáng trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Và nguyên nhân cuối cùng là tình hình xã hội đang thiếu an ninh, trộm cướp lộng hành khắp nơi.
Có lẽ vì cuộc biểu tình bất ngờ diễn ra vào ngày thứ Hai, chứ không phải Chủ Nhật, nên nhà cầm quyền không kịp ứng phó. Nhờ vậy mà cuộc biểu tình kéo dài được mấy tiếng đồng hồ mà không xảy ra tình trạng đàn áp.
BẠO QUYỀN AN GIANG BẮT GIỮ MỘT SỐ TÍN ĐỒ HÒA HẢO
Vào lúc 11 giờ sáng hôm qua, công an huyện An Phú đã chận đường bắt giữ 3 cha con ông Bùi Văn Trung cùng hai người cháu ở một nơi cách nhà 6 cây số, sau khi họ tham dự một đám giỗ.
Một nhân chứng cho biết là cô Bùi Thị Thắm 24 tuổi, con gái ông Trung, đã bị ngất xỉu vì bị hai tên công an bóp cổ lúc chận bắt.
Cần nhắc lại là ông Bùi Văn Trung và người con trai Bùi Văn Thâm bị công an An Giang bắt giam vào tháng 7 năm 2012, sau đó bị kết tội “chống người thi hành công vụ” với bản án 4 năm tù. Cáo buộc nói trên chỉ là một cái cớ để giam nhốt hai cha con ông sau khi ông Trung tự thành lập một đạo tràng Phật giáo Hòa Hảo, không trực thuộc giáo hội quốc doanh, để phổ biến giáo lý của đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ.
Đến chiều hôm qua thì xe cứu thương của bệnh viện An Phú đã đưa cô Thắm về nhà nhưng cô chưa thể nói chuyện vì cổ họng vẫn còn đau đớn. Hai người cháu ông Trung cũng được phóng thích, nhưng vẫn chưa biết là hai cha con ông Trung đang bị giam giữ ở nơi nào. Hiện một số tòa đại sứ Tây phương đã nhận được tin này và đang liên lạc để giúp đỡ gia đình.
NGƯỜI DÂN TỰ ĐỘNG LẬP LỰC LƯỢNG ĐỐI PHÓ VỚI CÁT TẶC
Trước sự làm ngơ và bao che của các cấp cầm quyền, người dân tại nhiều nơi đã tự động thành lập các đội tự vệ để đối phó với tệ nạn khai thác cát dẫn đến lở sói bờ sông và ruộng đất của họ.
Trong diễn biến mới nhất, người dân thôn Tam Thắng, xã Thái Tân, huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương, đã góp tiền mua thuyền, thành lập các đội canh giữ để ngăn chận bọn cát tặc nhằm bảo vệ bờ đê và ruộng đất dọc theo sông Thái Bình.
Theo lời kể của người dân Tam Thắng thì tình trạng sạt lở ở bờ sông đã diễn ra từ mấy năm qua, lấn sâu vào khiến các cột điện bên trong bị sụp đổ. Không thể chịu đựng được nữa, người dân phải thành lập các chốt canh giữ để báo động mỗi khi có các tàu hút cát kéo đến khúc sông. Mỗi khi được báo động thì các đội tự vệ này dùng thuyền máy áp sát các tàu hút cát để ngăn cản không cho hoạt động.
PHANH PHUI TÀI SẢN GIÁM ĐỐC CÔNG AN TỈNH YÊN BÁI, MỘT PHÓNG VIÊN BỊ BẮT GIAM
Một phóng viên tờ báo Giáo dục vào cuối tuần qua đã bị công an tỉnh Yên Bái gài bẫy bắt giữ tại một nhà hàng sau loạt bài phóng sự về cơ ngơi đồ sộ của giám đốc công an tỉnh Yên Bái và giám đốc sở tài nguyên môi trường tỉnh này.
Theo cáo buộc của công an thành phố Yên Bái, thì họ đã bắt quả tang nhà báo Lê Duy Phong nhận số tiền 50 triệu đồng từ tay một thương gia tại một nhà hàng vào hôm thứ Bảy 23/6. Thực tế là ông Phong không hế quen biết thương gia này mà chỉ được một người bạn mời tới nơi để tiếp xúc, và đã kiên quyết không nhận số tiền nói trên nhưng người kia vẫn cố nhét vào trong túi xách. Chỉ vài phút sau đó thì công an ập vào và tuyên bố ông Phong tống tiền doanh nghiệp.
Một số đồng nghiệp của ông Phong cho biết đây chỉ là vụ trả thù sau loạt bài phóng sự về khu biệt thự sang trọng của ông Thiếu tướng Đặng Trần Chiêu, giám đốc công an tỉnh Yên Bái.
Trong khi đó thì công an tỉnh Lai Châu, hôm qua mạnh mẽ bác bỏ một nguồn tin nói rằng 7 công an tỉnh này đã bị bắn chết ở biên giới Hoa – Việt trong tuần qua.
TRUY NÃ MỘT ĐẠI QUAN THAM ĐÃ ĐÀO TẨU RA NGOẠI QUỐC
Bộ công an VN đã phát lệnh truy nã ông Vũ Đình Duy, cựu tổng giám đốc công ty Hóa dầu và Tơ sợi Dầu khí đang bị cáo buộc tội danh “cố ý làm trái pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế”.
Vào ngày 16/6, bộ công an VN đã ra quyết định truy tố ông Vũ Đình Duy về tội danh nói trên, nhưng vì ông Duy đã đào tẩu ra ngoại quốc từ tháng 10 năm ngoái với lý do để chữa bệnh, nên công an phải phát lệnh truy nã, tương tự như vụ ông Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch công ty Xây lắp Dầu khí trước đây.
Cùng với hai ông quan tham nói trên, ông Lê Chung Dũng, phó tổng giám đốc công ty Điện lưc Dầu khí, cũng đã trốn mất tích sau chuyến đi nghỉ phép ở Singapore vào tháng 10 năm ngoái.
GẦN 200 NGƯ DÂN VN BỊ MÃ LAI BẮT GIỮ TRONG VÒNG 6 THÁNG QUA
Theo thống kê của giới chức Mã Lai, gần 200 ngư dân Việt đã bị nước này bắt giữ về tội xâm phạm hải phận và đánh cá bất hợp pháp trong 6 tháng đầu năm nay. Con số này khiến VN đứng đầu danh sách ngư dân ngoại quốc bị bắt giữ trong thời gian qua.
Văm ngoái, giới hữu trách Mã Lai cũng bắt giữ 14 tàu đánh cá VN, với tỏng cộng 89 ngư dân tại vùng biển thuộc tiểu bang Sarawak.
Trong khi đó thì nhà cầm quyền tỉnh Bình Định đã công bố kết quả điều tra về nguyên nhân hàng loạt tàu cá vỏ thép bị hư hỏng sau khi hạ thủy. Theo kết luận này thì hai công ty đóng tàu đã gian lận, mua thép rẻ của Trung Cộng thay vì thép Nam Hàn hoặc Nhật Bản. Và thay vì trang bị máy tàu của hãng Mitsubishi thì cũng mua máy của Tàu, dẫn đến tình trạng 17 tàu vỏ thép bị hư hỏng sau vài chuyến ra khơi.
No comments:
Post a Comment