Hai mươi năm truớc, tờ Bút Lửa số 1 tung ra hai bài thơ của một tác giả lạ hoắc mang tên Cao Tần. Thơ cũng rất lạ làm giới cầm bút và độc giả thắc mắc: Cao Tần là ai ?”
Sau đó, Bút Lửa tiếp tục đăng thơ Cao Tần và thơ ấy càng ngày càng hay, càng gợi cảm. Bút Lửa đã dành cho Cao Tần một sự xuất hiện đột ngột làm nhiều người ngạc nhiên. Thực ra sự ngạc nhiên của độc giả không hẳn chỉ là kết quả do kỹ thuật nghề nghiệp mà thiết yếu là vì thơ Cao Tần có một bản sắc đặc biệt, có chút ngạo mạn của một cuồng sĩ, nhưng thiết yếu là nỗi lòng quặn thắt của một kẻ mất nước, luôn luôn nghĩ về phận mình lưu vong và số phận hẩm hiu của quê hương đọa đày bên kia bờ đại dương.
Trước hết, thơ Cao Tần chuyên chở nỗi nhục mất nước của con dân đất Việt. Mất nước là mất tất cả. Kể từ ngày cộng sản dùng chiêu bài giải phóng để xâm chiếm miền Nam và thu tóm cả nước vào qũy đạo Đỏ, Việt Nam đã biến thành địa ngục trần gian. Đó là mốc điểm lịch sử khởi đầu tuyệt vọng và khốn khó nhọc nhằn, cửa thiên đuờng đã khép, làm cho thân em tơi tả, hồn em rướm máu:
Ngày khốn khổ, thân em tơi tả
Gói nhọc nhằn trong biểu ngữ vinh quang..
Gõ tuyệt vọng cửa thiên đường đã đóng
Xin chia nhau ngày khốn khổ cùng em
Từ ngày tang thương đó, Việt Nam đã trở thành vũng lầy đày đọa. Mẹ già cô đơn hiu quạnh, con thơ đói khổ rách nát, dân chúng bị hành hạ như những tên nô lệ;
Gửi cho anh vài sợi tóc mẹ già
Rụng âm thầm trên hiên chiều hiu quạnh..
Anh muốn thở mùi nhọc nhằn nô lệ
Gửi cho anh manh áo rách con thơ
Còn em, người con gái tuổi thanh xuân, thân xác cũng mỏi mòn, mắt lệ đầy và hồn tê điếng, mà phải đóng kịch hát những lời vui như thể hân hoan với chế độ:
Son phấn hân hoan phủ nghìn cay đắng
Mắt lệ đầy, miệng hát những lời vui…
Và cũng nơi đó, còn có những người bạn tù, thân tàn ma dại, nạn nhân của chính sách trả thù bỉ ổi của những kẻ xâm lăng từ miền Bắc nay lại liều chết vượt biển tìm tự do:
Có thằng bạn nào tàn đời học tập
Cõng gông xiềng lê lết một thân đau
Này biển chiều sóng xô ào lớp lớp
Những tiếng đời phiêu bạt khóc thương nhau.
Đau đớn nhìn về quê hương đọa đày, Cao Tần cũng không dấu nổi cảm thức tủi nhục của kiếp sống lưu vong. Tuy một số người may mắn thành công, nhìn cuộc đổi đời với cặp mắt màu hồng, nhưng dưới ngòi bút Cao Tần, cuộc sống tha hương qủa có nhiều cay đắng. Có một chút gì chua chát mai mỉa đàng sau những vần thơ trào lộng:
Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
Mày qua bên Mỹ học được củ gì
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
Nói mày hay ông thượng đẳng cu li
Cũng như bao người tị nạn khác, nhà thơ đã phải chấp nhận kiếp sống tha hương nơi đất khách quê người, mà lòng luôn luôn hướng về nước non xa cách nghìn trùng:
Giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
Ngược xuôi ngơ ngẩn một linh hồn
Còng lưng gánh nốt đời lưu lạc
Nặng trĩu nghìn cân nhớ nước non.
Nỗi đớn đau đáng nói nhất là xa mẹ, người Việt cũng dần xa tiếng mẹ đẻ, xa cội xa nguồn, và đó là một mất mát văn hóa không lấy gì bù đắp được như thể hồn Việt đã chết khô!
Tiếng Việt trong ta ngày mỗi héo
Hồn Việt trong ta ngày mỗi khô
Dốc mở như đời ta trước mặt
Sương kín như đời ta hôm xưa
Thương quê nhà, tủi hận với kiếp sống lưu vong, Cao Tần có lúc đã cảm thấy như bãi nổi trong tâm hồn, rồi thấy cuộc đời dư thừa, vô vị và mình cũng thành người vô dụng, không biết làm gì trong nửa đời còn lại:
Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới:
Ta làm gì cho hết nửa đời sau?
Trong những phút lòng chùng xuống đó, Cao Tần chỉ còn biết tìm về qúa khứ để gặp lại những phút huy hoàng của người trai Việt đã một thời ôm mộng lớn, muốn thể hiện chí nam nhi lấp biển vá trời
Rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận
Xong hiệp đầu mây núi đã bâng khuâng
Hào khí bốc đủ mười thành chất ngất
Chuyện vá trời coi đã nhẹ như không
Tuy mộng lớn đã bị chôn vùi và chàng trai Việt phải chấp nhận làm thân đại bàng gãy cánh, nhưng tác giả vẫn mãi tin tưởng rằng, nơi quê nhà, vẫn còn những kho tàng chôn dấu, chờ dân Việt trở về khai quật, bởi lẽ đó chính là gia tài của mẹ trao cho con từ thuở ấu thơ:
Kho tàng ta em yêu nhìn xem
Dưới ghế công viên anh giấu thời thơ dại
Trên tháp nhà thờ anh giấu niềm tin
Trong vườn cũ anh giấu thời hạnh phúc
Nơi nụ cười em anh giấu trái tim.
Tìm thấy kho tang chon dấu trong mộng mơ, Cao Tần đã hóa thân thành một cuồng sĩ, lên đỉnh cao mà nhìn xuống đời rồi thương đời, thương người và thương nước, ôm tất cả trong đôi cánh tay thênh thang:
Hãy tựa gốc thông mà nhìn xuống thế
Tưởng hôm nào ngất ngưởng chín tầng mây
Còn thương mãi một nhân gian nhỏ bé
Có thể ôm tròn trong đôi cánh tay
Xin khép lại những trang thơ nảo nùng của người cuồng sĩ với lời nhắn nhủ của bà tiên trong giấc mộng dữ của kẻ mất nuớc:
Ta muốn điều chi cuối đời luân lạc?
Này bà tiên vừa hỏi giấc mơ ta
“Hãy đem hết những đổi đời tan tác
Gói giùm vào cơn mộng dữ đêm qua”
Cơn mộng dữ sẽ tan. Ngày mai trời lại sáng. Binh minh lại rạng rỡ! Dân Việt, trong đó có nhà thơ Cao Tần sẽ ca bài ca chiến thắng..
Này bà tiên vừa hỏi giấc mơ ta
“Hãy đem hết những đổi đời tan tác
Gói giùm vào cơn mộng dữ đêm qua”
Cơn mộng dữ sẽ tan. Ngày mai trời lại sáng. Binh minh lại rạng rỡ! Dân Việt, trong đó có nhà thơ Cao Tần sẽ ca bài ca chiến thắng..
NQS, MN và HS tạm biệt quí thính giả, xin hẹn gặp lại quí vị trong muc TCYN lần tới
Ngô Quốc Sĩ
No comments:
Post a Comment